Những cách đối phó với kẻ trộm két

Thứ tư - 20/02/2013 09:03 759 0
Công an Hà Nội khuyến cáo người dân nên gửi tiền, vàng... có giá trị lớn ở ngân hàng nhằm tránh bị đánh cắp; cài hệ thống báo động, định vị trong két sắt để bảo vệ tài sản.

Ngày 20/2, hay tin về vụ hai anh em đột nhập qua tum vào nhà ông chú để phá két sắt cuỗm khoảng 1,2 tỷ đồng, bà Nguyệt (phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) vội gọi điện nhờ con đưa đến ngay một ngân hàng ở gần nhà để làm thủ tục gửi vàng. Bà cho hay do cửa không chắc chắn, con cháu đi làm cả ngày, cộng thêm có cô giúp việc mới nên bà không yên tâm để tài sản có giá trị lớn trong nhà.

"Két sắt chắc chắn như thế mà đám lưu manh còn phá được. Mất ít tiền gửi mình sẽ yên tâm hơn", bà lão gần bước sang tuổi 70 nói.

Bà chia sẻ, thời gian dài trước đó vẫn thường xuyên để vàng và lượng tiền lớn trong nhà. Do tài sản chưa bao giờ bị xê dịch hay mất mát nên bà khá yên tâm, không nghĩ đến tình huống xấu xảy ra. Nhưng giờ bà phải cẩn thận hơn.

Thượng tá Trần Văn Tỉnh (Trưởng công an quận Hoàng Mai) nhận thấy nhiều người vẫn còn mất cảnh giác khi để tài sản có giá trị lớn trong nhà. Hai ngày trước, Công an Hoàng Mai vừa bắt được thủ phạm gây ra vụ phá két bạc, ăn trộm 1,2 tỷ đồng gây xôn xao dư luận nêu trên. Qua vụ án này, thượng tá Tỉnh khuyến cáo: "Những gia đình có nhiều tiền và vàng nếu không có cách cất giữ an toàn, tốt nhất đem đến ngân hàng gửi".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện một số ngân hàng đã triển khai dịch vụ này. Tại BIDV, phí bảo quản tài sản quý hiếm cũng như cất giữ hộ các giấy tờ có giá như chứng chỉ tiền gửi, sổ tiết kiệm, trái phiếu... tối đa 0,05% giá trị tài sản mỗi tháng. Riêng dịch vụ giữ hộ tiền qua đêm, khách hàng phải trả tối thiểu 150.000 đồng và 0,01% số tiền gửi cho mỗi đêm (chưa kể phí kiểm đếm).

Ngoài giữ hộ tiền, các nhà băng cũng triển khai dịch vụ cho thuê ngăn tủ két sắt cho phép khách chủ động sử dụng két để cất giữ tài sản riêng tư, có thể đến thăm tài sản của mình bất cứ lúc nào.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết lượng két sắt cho thuê hiện nay tại ngân hàng đã sử dụng hết 50% công suất. Tuy nhiên, ông cho biết người dân vẫn chưa có thói quen gửi tài sản quý tại ngân hàng trong khi ở nhiều nước dịch vụ này rất phát triển.

Còn tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội thừa nhận người dân còn khá hờ hững với dịch vụ "gửi nhờ" nên ở một số nhà băng, việc triển khai vẫn còn nằm trên dự thảo. "Nhiều ngân hàng từng định triển khai nhưng phải bỏ giữa chừng vì thấy không khả thi", vị này cho hay.

Tầng 2 nơi Đức đột nhập vào để nẫng 1,2 tỷ đồng.
Hiện trường vụ phá két lấy trộm 1,2 tỷ đồng.

Bên cạnh việc gửi tiền, vàng hay các tài sản có giá trị tại nơi có điều kiện trông giữ, cơ quan công an khuyến cáo có cách khác là lắp đặt hệ thống báo động.

Trao đổi với phóng viên, trung tá Lê Văn Hồng (Đội trưởng Kỹ thuật phòng chống tội phạm, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội) cho biết khi kẻ lạ xâm nhập vào khu vực đặt két, tín hiệu sẽ báo ngay đến người chủ hoặc công an phường sở tại, trung tâm cảnh sát 113 (tùy theo cài đặt thiết bị). Ngoài ra, một công nghệ phòng ngừa khác là lắp hệ thống định vị ở bên trong. Khi có sự xê dịch, người quản lý sẽ biết két của mình đang ở vị trí nào.

"Hiện nay phần lớn các ngân hàng, bệnh viện hay trường học mới lắp đặt hệ thống này. Người dân cũng đến nhờ chúng tôi lắp đặt song vẫn còn hạn chế", vị Đội trưởng Kỹ thuật phòng chống tội phạm nói và cho hay ông nhận thấy nhiều người vẫn còn rất chủ quan, đặt niềm tin vào việc bất khả xâm phạm khi để tài sản trong két sắt.

Ngày 17/2, sau khi đi tảo mộ về, ông Trần Văn Hóa (55 tuổi ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tá hỏa phát hiện két sắt ở tầng 2 nhà mình bị kẻ gian phá tung. 500 triệu đồng tiền mặt, nhiều đồ trang sức như nhẫn vàng, mặt đá quý, khuyên tai... đã biến mất. Tổng giá trị tài sản khoảng 1,2 tỷ đồng.
 
2 người cháu của nạn nhân là Phạm Minh Đức (37 tuổi) và Phạm Đức Minh (29 tuổi) sống sát cạnh nhà bị cảnh sát đưa vào tầm ngắm.
 
Tại cơ quan công an, chúng khai nhận biết ông Hóa có nhiều tài sản cất trong nhà nên nảy sinh ý định trộm cắp để trả nợ. Sau khi ông Hóa rời nhà, Minh đứng bên ngoài để Đức đột nhập qua nóc nhà chui xuống tum. Tại tầng 2, Đức khoan 13 mũi ở tai két, dùng xà cầy và máy cưa sắt để phá tung cửa. Toàn bộ tài sản lấy được, thủ phạm mang về cất trong case máy tính, chưa kịp tiêu thụ.
 
Nạn nhân thừa nhận do quá bất cẩn khi cửa tum không gia cố chắc chắn nên đã xảy ra sự cố. "Giờ thì tôi đã biết để tiền vàng ở đâu sẽ an toàn rồi. Hôm đó, lẽ ra cũng định mang đến ngân hàng gửi nhưng cận Tết nên luýnh quýnh..." ông Hóa nói.

Tác giả: Hà Anh - Thanh Lan

Nguồn tin: VnExpress

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây