Những phận người bị ruồng bỏ khi sắp lìa đời

Thứ sáu - 07/06/2013 05:45 923 0
"Phạm nhân chỉ muốn gặp người thân để có lời xin lỗi trước khi chết, nhưng không ngờ gia đình bảo có chết đâu thì chết, đừng làm phiền. Phạm nhân sốc nặng và ra đi nhanh chóng…", đại úy Ánh kể lại.

Nằm giữa vùng đồi núi u tịch, xung quanh là rừng cây xà cừ, tràm, khu nghĩa trang phạm nhân của phân trại 3 (Trại giam Thủ Đức - Z30D) gần như tách biệt hẳn với phân trại. Hơn 40 ngôi mộ của các phạm nhân chết vì bệnh nặng, bệnh nan y không được gia đình đưa về hoặc không có thân nhân nằm lại lẻ loi, hiu quạnh nơi đây... Dưới lớp cỏ rêu xộc mùi ẩm mục là nỗi buồn cay đắng của những thân phận bị chính gia đình, người thân ruồng bỏ…

Theo thượng tá Nguyễn Thiết Hùng (Phó giám thị Trại giam Z30D), tại hai Phân trại 1 và Phân trại 2 đều có nghĩa trang dành cho phạm nhân với số lượng mộ nhiều gấp 2-3 lần Phân trại 3. Trong số phạm nhân tại trại, tỷ lệ có tiền án chiếm tới gần 40%. Số bị nhiễm HIV, AIDS trên 11%.

Đại úy Nguyễn Quang Ánh cùng đồng nghiệp đã nhiều lần chứng kiến sự đau đớn, tuyệt vọng của các phạm nhân mang bệnh trước lúc lâm chung. Nhưng đau đớn hơn, anh còn nhiều lần thấy họ bị gia đình, người thân ruồng bỏ, từ mặt…

Theo quy định chung, nếu một phạm nhân đang thụ án mà bệnh tình trở nặng rồi tử vong thì trại sẽ thông báo sự việc cho cơ quan chủ quản, cơ quan liên quan như tòa án, chính quyền địa phương, Tổng cục VIII - Bộ Công an… sau đó tiếp tục thông báo về cho gia đình để người thân đến hoàn tất các thủ tục giấy tờ đưa con em mình về. Tuy nhiên, cũng không hiếm trường hợp gia đình, người thân hoàn toàn chối bỏ trách nhiệm, không nhận con em về lo hậu sự. Lúc đó, phạm nhân sẽ được trại tổ chức mai táng.

"Tôi từng đến tận nhà báo tin, rồi chính quyền địa phương cũng ra sức nói điều thiệt hơn, nhưng họ vẫn không nhận vì sự ghét bỏ, oán hận trước những việc làm sai trái trước đó của phạm nhân", đại úy Ánh nói và cho biết phạm nhân khi được đưa trở về trại thì "ra đi rất nhanh" do sốc và buồn tủi.

Các ngôi mộ trong nghĩa trang của Phân trại 3.

Anh kể phạm nhân Trương Joan (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) thi hành án ở trại trong tình trạng bị AIDS giai đoạn cuối. Đầu năm 2002 khi được đại úy Ánh đưa về gia đình để chuẩn bị lo hậu sự, mẹ ruột, anh trai, em gái của anh này kiên quyết không nhận, buộc cán bộ trại phải đưa phạm nhân trở lại trại.

Hay trường hợp phạm nhân Dư Quan Hoàng (ở Quán Trường, Thái Nguyên) phạm tội do buôn bán ma túy số lượng lớn. Hoàng nghiện và nhiễm HIV, đến khi bệnh trở nặng khó qua khỏi, Hoàng được gọi điện về cho gia đình. "Phạm nhân chỉ muốn người thân vào gặp mặt để có lời xin lỗi trước khi chết cho thanh thản, nhưng không ngờ gia đình bảo có chết đâu thì chết đừng làm phiền. Phạm nhân sốc nặng và ra đi nhanh chóng…", đại úy Ánh kể lại.

Mỗi lần đến nghĩa trang này, anh Ánh lại thấy chạnh lòng, dù hiểu rằng nhiều gia đình đã phải chịu đau thương, khổ sở từ chính những lỗi lầm, sai phạm của con em họ đến mức những sợi dây tình cảm cuối cùng cũng đã mất. Tại nghĩa trang, dịp Tết, ngày rằm, ngày giỗ, cán bộ chiến sĩ cùng các đội phạm nhân lại đến dọn dẹp, làm cỏ, hương khói cho các ngôi mộ, trong khi đó gia đình các phạm nhân này gần như hoàn toàn không lui tới.

Theo Công an Nhân dân

Tin liên quan:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây