Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Lương và Phạm Tiến Luật khai nhận thực hiện 25 vụ cướp giật, nhưng Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) mới thu thập được thông tin không quá 3 bị hại. Hơn một tháng Lương và Luật gây án trên quốc lộ 5, rất nhiều người bị giật mất tài sản nhưng không khai báo. Tương tự, Nguyễn Thái Vĩnh và Phạm Văn Huấn bị Công an quận Hai Bà Trưng xác nhận đã gây ra 12 vụ cướp giật song cán bộ thụ lý hồ sơ mới “chắc” nhất 2 vụ (2 bị hại).
Nhiều cô gái được cho là để hớ hênh đồ tạo điều kiện cho kẻ cướp giật ra tay. |
Theo thượng tá Đặng Hữu Quân (Đội trưởng cảnh sát hình sự Công an huyện Gia Lâm), do tài sản bị cướp giật giá trị không cao, phần do người dân lại “ngại phiền phức” trong quá trình làm thủ tục trình báo nên không muốn lộ diện. “Cả 2 lý do này đều gây khó khăn cho cơ quan điều tra, và chính là cơ hội để tội phạm cướp giật kéo dài thêm thời gian gây án”, thượng tá Quân khẳng định.
Nhiều trinh sát hình sự tại Hà Nội cho rằng việc trình báo ngay sau khi xảy ra sự việc của bị hại sẽ là chứng cứ quan trọng để định tội đối với kẻ cướp giật nếu sau này bị bắt. Hoặc, nó cũng là đầu mối, căn cứ để cơ quan điều tra truy tìm, xác minh kẻ cướp giật. Khi nắm bắt thông tin về hiện tượng cướp giật ở tuyến đường, khu vực nào đó, lực lượng công an sẽ tổ chức phục kích, khoanh vùng để truy bắt. Thông tin càng sớm, càng kỹ thì trinh sát càng dễ dàng triển khai phương án, bắt gọn hoặc ngăn chặn cướp giật.
Ý thức cảnh giác luôn là điều mà cơ quan chức năng đặt ra đối với người dân để phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là cướp giật. Đặc thù của tội phạm cướp giật là mang tính cơ hội. Chỉ khi người dân có sơ hở, tội phạm mới có thể gây án. Một thời Hà Nội rộ lên tình trạng cướp giật điện thoại di động. Chị em người nhét điện thoại trong túi quần, dây đeo thò ra ngoài, người cầm trên tay..., chỉ trong tích tắc, những sơ hở ấy sẽ bị kẻ xấu lợi dụng, gây án. Khuyến cáo được trinh sát hình sự đưa ra để phòng kẻ xấu giật điện thoại là không nên để lộ ra ngoài. Trường hợp phải nghe điện thoại nên táp vào lề đường, thậm chí đứng lên vỉa hè rồi đàm thoại.
Đối với túi xách, phòng cướp giật bằng cách: Không treo túi ở móc hay tay lái xe máy, không đeo trên vai, quàng qua người. Những vị trí này không hề an toàn, mà còn khiến bị hại gặp nguy hiểm trong quá trình bị cướp giật. Ngồi sau xe máy và ôm túi xách trong lòng cũng không phải giải pháp an toàn, bởi thực tế cho thấy đã xảy ra nhiều vụ cướp giật nhắm vào cách giữ tài sản này.
An toàn nhất, theo chỉ huy Đội Chống cướp, cướp giật Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội là nên cho túi xách vào cốp xe máy. Trường hợp xe máy không có cốp, phải chằng buộc cẩn thận khi tham gia giao thông, và hạn chế để tài sản giá trị trong túi để giảm thiệt hại nếu rơi vào tình thế… bị giật. “Mang túi xách có nhiều tiền, tài sản giá trị, đặc biệt khi rời khỏi ngân hàng, các cơ sở giao dịch tiền, vàng, người dân nên chọn phương án đi ôtô, taxi, và phải quan sát kỹ trước và sau khi lên, xuống xe”, một cán bộ nói.
Ngoài ra, cơ quan chức năng khuyến cáo, không nên bằng mọi giá đuổi đến cùng kẻ cướp giật, bởi theo những trinh sát dày dạn trong nghề săn cướp giật, điều đó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người truy đuổi hoặc người tham gia giao thông. Vụ tai nạn thương tâm ở ngã tư hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng hồi cuối tháng 2 vừa rồi, là một minh chứng. Tài sản bị lấy không nhiều, nhưng một thanh niên đã bị chấn thương sọ não khi cố gắng truy đuổi 2 kẻ cướp giật. Hai xe máy khác bị va chạm trong quá trình truy đuổi.
Giải pháp hữu hiệu nhất trong tình huống bị cướp giật, trinh sát hình sự hướng dẫn, là bị hại cố gắng sớm lấy lại bình tĩnh, hô hoán người đi đường giúp đỡ. Lý tưởng nhất là tìm cách nhớ được đặc điểm kẻ gây án và phương tiện gây án để ngay sau đó trình báo cơ quan chức năng.
Theo An ninh thủ đô
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc