Ngày 12/3, Công an quận 12 thông báo không khởi tố điều tra vụ án Cưỡng đoạt tài sản với anh Đinh Đắc Lộc (40 tuổi, ngụ quận 1). Nhà chức trách cho rằng, anh Lộc được các hiệp sĩ SBC Bình Dương giúp đỡ để lấy lại tiền và xe ôtô của chính mình nên không có dấu hiệu phạm tội.
Anh Lộc chuẩn bị tiền mang "chuộc" xe của mình. Ảnh: N.T |
Trước đó, ngày 18/8/2012, Công an phường Trung Mỹ Tây nhận được trình báo của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiệp về việc bị lấy mất túi xách có 240 triệu đồng. Theo ông Hiệp, tối 17/8/2012, hai vợ chồng đi từ quán cà phê Chợt Nhớ (quận 3) về huyện Hóc Môn thì bị khoảng 10 người (sau này xác định là các hiệp sĩ SBC Bình Dương) đưa về trụ sở Công an phường Trung Mỹ Tây, rồi lấy đi giỏ túi.
Quá trình điều tra, Công an quận 12 xác định, anh Lộc cho Công ty Như Vỹ (trụ sở tại quận Gò Vấp) thuê xe, người đứng tên hợp đồng là giám đốc Trần Quốc Toản. Sau đó, ông Toản cho ông Phạm Quốc Dũng thuê lại. Đến cuối tháng 1/2012, phát hiện ông Toản bỏ trốn, anh Lộc làm đơn tố cáo gửi Công an TP HCM. Chiếc xe được xác định do ông Hiệp đang giữ.
Đầu tháng 8/2012, ông Hiệp gọi điện thoại cho anh Lộc nói "muốn chuộc xe phải trả 200 triệu đồng", sau đó nâng lên 240 triệu đồng. Việc chuộc xe được núp bóng dưới hình thức cho vay. Sợ bị lừa, anh Lộc nhờ các hiệp sĩ SBC Bình Dương trợ giúp.
Ngày 18/8/2012, sau khi "giao dịch" xong, trên đường về nhà, vợ chồng ông Hiệp bị các hiệp sĩ đưa vào công an phường Trung Mỹ Tây giải quyết. Tại đây, anh Nguyễn Thanh Hải (Đội trưởng phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một) trình bày việc ông Hiệp giữ trái phép ôtô Innova của anh Lộc. Khi công an phường trả lời "không đủ thẩm quyền giải quyết", nhóm hiệp sĩ Bình Dương đã để anh Lộc lấy lại 240 triệu đồng.
Điều tra vụ việc, Công an quận 12 cho rằng, anh Lộc ký giấy vay tiền của ông Hiệp là nằm ngoài ý muốn nên giao dịch vô hiệu từ lúc ký kết. Việc anh này lấy lại số tiền là hợp lý. Kết luận cũng khẳng định ông Hiệp "có hành vi ép buộc chủ tài sản phải trả thêm một khoản tiền dưới hình thức cho vay để nhận lại ôtô là hành vi vi phạm pháp luật".
Hiệp sĩ Hải (cầm lái) tự nhận: "Vì quá nôn nóng giúp đỡ nạn nhân nên chúng tôi có khiếm khuyết chưa phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng ngoài địa bàn, dẫn đến nhiều hiểu lầm tiêu cực". Ảnh: N.T |
Sau vụ các hiệp sĩ bị "hiểu lầm", Công an tỉnh Bình Dương đã làm việc với Ban chủ nhiệm CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa; tổ chức lớp tập huấn kiến thức pháp luật để giúp các hiệp sĩ phòng tránh những sự cố tương tự.
Tác giả: Nguyệt Triều - Hoàng Quyên
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc