Chiều 4/6, phòng cấp cứu ở khoa Bỏng bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội chật kín người. Ngoài người nhà của những bệnh nhân, còn có các cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến chăm sóc cho đồng đội.
Nằm trên giường bệnh với với mặt và hai cánh tay cuốn kín băng, Phạm Văn Phúc (22 tuổi, huyện Thường Tín, Hà Nội) kể, chiều 3/6, anh cùng các đồng đội đang ngủ trưa bỗng bật dậy bởi tiếng còi đánh thức. Sau khi nhận mệnh lệnh của Phó chỉ huy Đội, anh cùng 25 chiến sĩ nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ cùng phương tiện bảo hộ để có mặt ở cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo sớm nhất.
Các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy cố gắng dập lửa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Có mặt ở hiện trường lúc hơn 13h, anh Phúc bảo thấy ngọn lửa đã bốc cao ngùn ngụt, khói cao thành cột. Là lính trinh sát nên anh dễ dàng nhận ra quán cơm, ôtô và xe máy cạnh đó đang bị ngọn lửa đang phá hủy. Anh và các đồng đội dùng vòi rồng hối hả phun vào đám cháy.
Sau gần 3 tiếng khi ngọn lửa tắt lụi, Phúc cùng vài người tiến lại gần xe téc để hứng và múc xăng để không chảy ra phố và xuống các miệng cống. "Nếu xăng chảy ra thì thực sự nguy hiểm và chưa biết điều gì sẽ xảy ra", cảnh sát 22 tuổi nói trong bộ dạng khó khăn.
Chưa đầy 20 phút sau, ngọn lửa từ xe téc bất ngờ bùng phát trở lại. Do đứng cách đó không xa để làm nhiệm vụ, Phúc cùng đồng đội bị ngọn lửa bén vào mặt, cánh tay. "Mặt lúc đó nóng rực và mình chỉ biết cúi mặt té nước dưới đường lên. Chạy được 10 mét thì được đồng đội dìu ra phía ngoài", Phúc nói.
Trong số 10 người phải đưa vào viện cấp cứu, Phúc và một chiến sĩ khác là Phạm Văn Phong bị bỏng đến 20%. Từng tham gia chữa cháy nhiều như vụ 36 nhà gỗ ở đường Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm), cháy cửa hàng nội thất 114 Âu Cơ... nhưng chưa lần nào anh thấy lửa dữ dội như ở cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo.
Biết dấn thân với nghề khá nguy hiểm nhưng nam thanh niên vóc dáng to cao bảo, vẫn yêu nghề và nếu có cơ hội sẽ quyết tâm theo đuổi ngành này đến cùng.
Nguyễn Như Hùng (không băng đầu) kể lại quá trình tham gia cùng đồng đội dập lửa. Ảnh: Thái Thịnh. |
Tỉnh táo nhất trong số những người được đưa vào viện, Nguyễn Như Hùng (25 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) chỉ bị bỏng 8%. Đám cháy không xảy ra ở địa bàn công tác nhưng khi được lệnh chi viện, anh cùng đồng đội hết sức khẩn trương vào cuộc. Nhiệm vụ của Hùng hôm đó là cùng đồng đội tiếp nước cho các xe khác.
Khi ngọn lửa lần một dập tắt, Hùng cùng 4 người khác nhận nhiệm vụ hứng xăng từ téc chảy ra để đổ vào phi. Lường trước được ngọn lửa có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào nhưng Hùng bảo vẫn không tránh khỏi vì lửa lan quá nhanh khiến anh cùng đồng đội không thể xoay sở kịp. "Xăng trong téc lúc đó không biết chính xác bao nhiêu độ nhưng em thấy khá nóng...", bệnh nhân Hùng nhớ.
Chứng kiến đám cháy chiều 3/6, nhiều người không khỏi xúc động khi thấy những chiến sĩ cứu hỏa ôm những can hứng xăng chảy từ trong xe bồn ra ngoài để di chuyển đến vị trí an toàn. Hơn 16h, khi ngọn lửa bùng phát trở lại, nhiều người đứng sát đó bị bỏng nặng, trong đó có Nguyễn Hoàng Anh. Khi vào viện, bệnh nhân này đã ngất xỉu và được bác sĩ cho thở máy
Sau nhiều giờ cấp cứu, Hoàng Anh đã có thể ngồi tâm sự. Bên giường bệnh với chi chít thiết bị điện tâm đồ, dây oxy gắn lên người, anh kể, suốt 2 tiếng đầu, anh cùng các chiến sĩ ra sức dùng nước làm mát bồn xăng và phun bọt khống chế lửa. Thời gian này, Hoàng Anh đã 2 lần phải vào viện 108 rửa mắt vì bị khói, xăng xộc vào khi tiếp cận đám cháy quá gần. Sơ cứu xong, chiến sĩ trẻ tiếp tục quay ngay lại hiện trường để cùng đồng đội dập lửa.
Hơn 16h, khi 4 người bị thương, Hoàng Anh vẫn lao vào làm nhiệm vụ. "Lúc thấy đồng đội bị thương em chỉ có suy nghĩ phải làm sao dập tắt được đám cháy, không để nó lan tới khu dân cư", người lính trẻ tâm sự.
Sau đó, Hoàng Anh ngất đi do hít phải quá nhiều khí nóng. Anh được đưa vào viện 108 sơ cứu và chuyển vào viện Xanh Pôn điều trị. 20h, bệnh nhân mới tỉnh nhưng vẫn chưa nhận ra được người thân của mình.
Cán bộ Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy xuống thăm hỏi bệnh nhân. Ảnh: Thái Thịnh. |
Nguyễn Huyền Anh, chị gái của Hoàng Anh chia sẻ, nhận được tin em bị nạn, cả gia đình hoảng hốt. Trong lúc 8 chiến sĩ khác đã tỉnh, Hoàng Anh vẫn mê man vì có nguy cơ bỏng đường hô hấp. Mọi người trong gia đình lo di chứng có thể gây ra sau này cho chàng thanh niên tuổi mới lớn.
Theo lời gia đình, trước khi đến với nghề, Hoàng Anh đã bỏ học trường cao đẳng công nghệ thông tin. Gia đình một mực phản đối vì lính phòng cháy chữa cháy vất vả và nguy hiểm, song Hoàng Anh vẫn một mực quyết tâm. "Cậu ấy dự định tháng 7 này sẽ thi vào ĐH Phòng cháy chữa cháy. Sức khỏe thế này thì làm sao có thể ôn thi được", người chị lo lắng.
2 năm dấn thân với nghề, chữa cháy không biết bao nhiêu vụ nhưng Hoàng Anh bảo đây là vụ vất vả nhưng có nhiều kỷ niệm nhất. Từ khi xảy ra vụ việc đến chiều 4/6, anh nhận được khá nhiều lời động viên và chia sẻ trên Facebook cá nhân. Chàng chiến sĩ càng cảm động hơn khi nhận được tin nhắn động viên của bạn gái.
“Nếu ai sợ hãi thì không thể làm được nghề này”, Hoàng Anh cười hiền.
Tác giả: Thái Thịnh
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc