'Trẻ em Việt sẽ thiệt thòi nếu không có bảo tàng khoa học'

Thứ sáu - 15/03/2013 05:33 1.026 0
Sau khi thăm các bảo tàng trên thế giới, chứng kiến trẻ em nước ngoài vừa chơi vừa học rất say mê, giới chức Đồng Nai cho rằng trẻ em Việt Nam quá thiệt thòi, và mong muốn nước nhà có bảo tàng khoa học như vậy.

Ông Phạm Văn Sáng, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai có cuộc trao đổi với VnExpress về bảo tàng khoa học đầu tiên của Việt Nam xây dựng tại tỉnh này.

- Bảo tàng khoa học Đồng Nai khác gì so với các bảo tàng hiện nay ở Việt Nam?

- Bảo tàng khoa học Đồng Nai có nhiều điểm không giống so với bảo tàng khác ở chỗ hiện vật trưng bày không phải là mẫu vật gốc. Bảo tàng cũng không trưng bày các thông tin lịch sử khoa học thuần túy mà chủ yếu trưng bày mô hình minh họa nhằm giới thiệu đối tượng, hiện tượng, kiến thức khoa học liên quan đến lĩnh vực như lịch sử tự nhiên, địa chất, công nghiệp, môi trường, khí hậu, khoa học tự nhiên (toán học, vật lý, hóa học, sinh học).

Mô hình trưng bày được thiết kế và xây dựng bằng công nghệ có tính tương tác cao nhằm giúp cho việc phổ biến, học tập và tiếp thu kiến thức khoa học trở nên trực quan và dễ hiểu. Ngoài mô hình, bảo tàng khoa học còn tổ chức nhiều trò chơi khoa học, biểu diển khoa học với hiệu ứng ánh sáng, âm thanh tạo cảm hứng cho người xem đắm chìm vào những phát hiện, phát minh khoa học của nhân loại.

Bảo tàng khoa học là nơi lý tưởng cho việc tổ chức hoạt động ngoại khoá, thí nghiệm và trải nghiệm thực tế cho học sinh nên lúc nào cũng đông người tham quan, kể cả các ngày làm việc. Ngoài ra, hoạt động của bảo tàng thường xuyên tổ chức các sự kiện khoa học theo các chủ đề, cũng như theo các dịp đặc biệt để thu hút khách tham quan.

Phối cảnh bảo tàng khoa học Đồng Nai. Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai sẽ đề xuất tổ chức cuộc thi để thu thập thêm hiều ý tưởng góp ý cho phối cảnh.

- Xuất phát từ đâu mà Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai lại đề nghị thành lập bảo tàng?

- Trước hết xuất phát từ tác dụng hữu ích của bảo tàng khoa học. Hoạt động bảo tàng khoa học có tác dụng lớn trong việc phổ biến kiến thức, tuyên truyền giáo dục và nghiên cứu về khoa học, đặc biệt là với tính tương tác cao sẽ giúp cho việc phổ biến và giáo dục khoa học đối với mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là trẻ em, học sinh, sinh viên.

Cách đây hơn 10 năm, Đồng Nai tổ chức đoàn công tác tiếp thị kêu gọi doanh nghiệp công nghiệp của Nhật đầu tư vào Đồng Nai. Đối tác ở Nhật muốn thể hiện thành tựu về giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ nên đưa Đoàn công tác đến thăm một Bảo tàng khoa học. Nhìn thấy từng đoàn học sinh Nhật hớn hở tương tác với các mô hình được trưng bày tại Bảo tàng, tất cả thành viên trong đoàn đều có cùng trăn trở: "Trẻ em, học sinh Việt Nam quá thiệt thòi. Phải chi Việt Nam có được một bảo tàng khoa học như thế này".

Đến năm 2008, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Đồng Nai tổ chức đoàn công tác có mục tiêu nghiên cứu khoa học tại Hàn Quốc và Thái Lan. Khi thăm Bảo tàng khoa học của nước bạn, tất cả thành viên trong Đoàn đều mong muốn Việt Nam có ít nhất một Bảo tàng khoa học như nước bạn. Hệ thống trường học của Nhật và Hàn Quốc trang bị khá hiện đại nhưng học sinh vẫn rất hớn hở khi được thăm các Bảo tàng khoa học.

Việt Nam mặc dù được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, nhưng ngành giáo dục Đồng Nai cũng như cả nước hiện nay còn thiếu thốn nhiều về trang thiết bị. Học sinh học các môn vật lý, hóa học, toán học, sinh học chủ yếu dựa trên hình ảnh và mô tả lý thuyết sách giáo khoa nên thiếu các mô hình thực tế, trò chơi khoa học để các em tham quan, tìm hiểu, khám phá và giúp khơi dậy lòng say mê khoa học cũng như nâng cao nhận thức của tuổi trẻ về tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với các lĩnh vực của cuộc sống và đối với sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Do đó, năm 2010 lãnh đạo tỉnh chủ trương nghiên cứu xây dựng Đề án Bảo tàng Khoa học Đồng Nai, nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu học tập, phổ biến kiến thức khoa học không chỉ cho trẻ em, học sinh Đồng Nai mà cho cả vùng xung quanh.

- Tại sao các ông lại xây dựng Bảo tàng khoa học Đồng Nai có quy mô tương tự như Bảo tàng Khoa học quốc gia Thái Lan?

- Chúng tôi tham quan nhiều bảo tàng khoa học trên thế giới, trong đó có các bảo tàng quy mô và mức độ hiện đại hơn hẳn Thái Lan như Bảo tàng khoa học Chicago, Bảo tàng khoa học Thượng Hải, Bảo tàng khoa học Paris...

Các bảo tàng này đều có kinh phí đầu tư vài trăm triệu USD. Mong muốn của chúng tôi là Việt Nam có được những bảo tàng như vậy. Tuy nhiên trong điều kiện nước ta còn khó khăn về kinh phí nên chọn quy mô tương tự như Thái Lan với kinh phí khoảng 60 – 70 triệu USD. Ngoài ra Bảo tàng khoa học Thái Lan mới đưa vào hoạt động năm 2000 nên nhiều mô hình trưng bày có thể nghiên cứu áp dụng và áp dụng cho Bảo tàng tại Việt Nam nhanh chóng và dễ dàng hơn.

- Trong lúc kinh tế đất nước đang khó khăn và có nhiều vấn đề cần được đầu tư, việc dành ngân sách cho xây dựng bảo tàng đang gây nhiều tranh cãi. Tại sao chúng ta lại phải dành tiền để làm bảo tàng khoa học?

- Trước khi Đồng Nai tổ chức Đoàn công tác thăm Bảo tàng khoa học ở Hàn quốc và Nhật Bản, một số ít thành viên không hào hứng lắm, vì họ cho rằng Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung làm gì có nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học mà xây dựng Bảo tàng khoa học. Họ cũng cho rằng, nên để tiền đó mà làm việc khác. Tuy nhiên, sau khi thăm Bảo tàng khoa học, họ lại chính là những người đầu tiên trăn trở: "Trẻ em, học sinh Việt Nam quá thiệt thòi. Phải chi Việt Nam có được một bảo tàng khoa học như thế này".

Tôi tin rằng nếu một lần bước vào các bảo tàng khoa học ở nước ngoài, được chứng kiến hình ảnh các trẻ em nước ngoài vừa chơi vừa học, tiếp thu kiến thức khoa học một cách say mê quên cả thời gian, bất kỳ người lớn nào cũng chột dạ mà nghĩ rằng ước gì ở Việt Nam có một nơi như thế cho con em chúng ta học tập và vui chơi.

Bảo tàng khoa học không có ngay lợi ích kinh tế, nhưng có tác dụng ươm mầm, nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học cho tuổi trẻ nên sẽ có ý nghĩa rất lớn cho việc phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ cả về chất lượng và số lượng trong tương lai.

Sự cần thiết xây dựng bảo tàng khoa học đã được Đảng và Nhà nước xác định. Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển Khoa học và Công nghệ xác định nhiệm vụ cho ngành khoa học và công nghệ trong thời gian tới: Phát triển hạ tầng thông tin và thống kê khoa học và công nghệ quốc gia hiện đại. Hình thành các bảo tàng khoa học và công nghệ.

- Phần lớn các nhà khoa học công nghệ cao hoặc tập lớp trí thức đều tập trung ở các đô thị lớn, tại sao Đồng Nai lại chọn địa điểm đặt Bảo tàng khoa học lại ở xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, nơi mà cuộc sống người dân còn khó khăn?

- Tiêu chí lựa chọn địa điểm phải đáp ứng tốt nhất mục tiêu của Bảo tàng là trung tâm khoa học, giáo dục, văn hoá và du lịch. Địa điểm lựa chọn phải đủ điều kiện cơ sở kỹ thuật hạ tầng xây dựng, hạ tầng thông tin và hạ tầng giao thông. Vị trí phải liên hệ thuận lợi với hệ thống các trung tâm khoa học – văn hóa, đáp ứng tính chất hoạt động chuyên ngành. Việc chuyển giao sử dụng khu đất về pháp lý là khả thi, phù hợp quy hoạch chiến lược.

Dựa vào tiêu chí trên, địa điểm xây dựng bảo tàng là xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, cách Sân bay quốc tế Long Thành khoảng 7 km. Sau năm 2020 khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, chắc chắn địa phương sẽ phát triển hơn.

Vị trí xây dựng Bảo tàng nằm trong quy hoạch đô thị khoa học khoảng 4.000 ha, trong đó hiện đang xây dựng Khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học với diện tích 250 ha.

Từ TP HCM đến Bảo tàng Khoa học khoảng 30 phút bằng đường cao tốc TP HCM - Dầu Giây dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2014, từ Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 40 phút bằng quốc lộ 56. Khách tham quan Bảo tàng thường do các trường học, tổ chức, tour du lịch hoặc nhóm bạn tổ chức thành đoàn.

Bảo tàng khoa học Quốc gia Thái Lan nằm ở huyện Khlong Luang, tỉnh Pathum Thani, cách Bankok 50 km, xét về vị trí thuận lợi không bằng địa điểm của Bảo tàng Đồng Nai. Tuy nhiên, với các đối tượng khách tham quan nêu trên, bảo tàng lúc nào cũng rất đông người tham quan.

- Bài học từ Bảo tàng Hà Nội và nhiều bảo tàng khác ở Việt Nam, như thiếu mẫu vật trưng bày, chương trình hoạt động nghèo nàn, không có khách đến tham quan. Bảo tàng Khoa học sẽ đối phó các nguy cơ này như thế nào?

- Như tôi đã đề cập trên, bảo tàng khoa học khác với các bảo tàng khác. Tôi đã đến bảo tàng khoa học ở các nước châu Âu vào mùa đông nhưng khách tham quan rất đông, đặt biệt là khi có các chương trình hoạt động ngoại khoá của các trường học. Tôi xin dẫn chứng khách tham quan một số bảo tàng khoa học năm 2012 như sau: Thái Lan và Hong Kong là 1,2 triệu khách, Singapore là 1,5 triệu khách, Thượng Hải là 3 triệu khách, Paris là 5 triệu khách.

Sau khi xây dựng, Bảo tàng khoa học Đồng Nai là đơn vị sự nghiệp nhà nước có thu, có thể tự trang trải một phần kinh phí thông qua các hoạt động như bán vé, hoạt động dịch vụ, trưng bày sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mới chuẩn bị đưa ra thị trường của các doanh nghiệp.

- Hiện nay phối cảnh của bảo tàng cũng đang gây tranh cãi. Ý tưởng của phối cảnh mà dự án đưa ra là gì?

- Tôi cũng chưa hài lòng về hình vẻ phối cảnh của Bảo tàng. Vì đây chỉ là đề án nên nhóm nghiên cứu chưa có kiến trúc sư và mới phác thảo ý tưởng phối cảnh thể hiện sự phát triển theo hình xoáy trôn ốc, biểu tượng trái đất và vô cực thể hiện khoa học là tài sản chung của nhân loại có sự phát triển vô hạn. Trong giai đoạn lập dự án đầu tư, tôi sẽ đề xuất tổ chức cuộc thi để thu thập thêm hiều ý tưởng góp ý cho phối cảnh.

Tác giả: Hương Thu

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây