Tiến sĩ Lê Huy Minh. Ảnh: Petrotime. |
- Vụ thiên thạch rơi ở Nga gây chấn động thế giới. Vậy đặt tình huống nếu thiên thạch rơi xuống Việt Nam thì chúng ta có thể phát hiện, cảnh báo trước được không?
- Ở Việt Nam chưa cơ quan nào có khả năng cũng như phương tiện để quan sát được hiện tượng thiên thạch rơi. Việc quan sát này đòi hỏi những kính thiên văn rất lớn.
Người ta thống kê trong khoảng 300-400 năm trở lại đây, có khoảng 20 thiên thạch trọng lượng vài tấn tới vài chục tấn rơi xuống trái đất ở vị trí khác nhau. Bề mặt trái đất rất rộng nên xác suất thiên thạch rơi một vị trí xác định nào đó là rất nhỏ. Do đó, thiên thạch rơi ở chỗ nào thì mình cũng phải chịu thôi chứ không có cách nào phòng tránh cả.
Hiện tượng này khá nguy hại tới trái đất song xác suất tương đối nhỏ. Bởi vì những thiên thạch rơi cỡ như ở Nga thì khoảng 100 năm mới có một lần.
- Trong lịch sử, Việt Nam từng ghi nhận vụ rơi thiên thạch nào gây thiệt hại chưa?
- Có những biểu hiện cho thấy Việt Nam từng bị thiên thạch rơi xuống khi người ta tìm thấy những mẫu đá tên là đá tectic ở Lâm Đồng, Tây Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng. Tectic hình thành khi thiên thạch rơi xuống trái đất. Thường tectic không phải là những mảnh vụn thiên thạch mà là những mảnh nham thạch có nguồn gốc từ trái đất bị nóng chảy do sự va đập của thiên thạch. Tuy nhiên, thiên thạch rơi vào Việt Nam tại thời điểm nào, tác động, thiệt hại ra sao thì các nhà khoa học chưa tìm ra câu trả lời.
- Nếu chưa đủ phương tiện, Việt Nam có liên kết với cơ quan hàng không vũ trụ của Mỹ và Nga để cảnh báo sớm không, thưa ông?
- Thực ra, Việt Nam chưa có cơ quan nào được giao trách nhiệm chính thức để chuyên theo dõi về thiên thạch cũng như tác động của nó. Các cơ quan hàng không vũ trụ của Nga và Mỹ vẫn liên tục thông tin cho các nước khi họ có thông tin. Giả sử nếu họ tính toán được quỹ đạo tương đối chính xác của vật thể thiên thạch rơi xuống Việt Nam thì họ sẽ thông báo cho nước ta.
- Nếu có cảnh báo về việc thiên thạch rơi xuống Việt Nam thì chúng ta có giải pháp gì để phòng tránh?
- Hiện nay, việc phòng tránh rất khó và chưa có cách nào khả thi để ngăn chặn. Ngay cả ở Nga, có đầy đủ các phương tiện hiện đại, với lịch sử nghiên cứu khá lâu song vẫn bị thiệt hại nặng nề khi có thiên thạch rớt xuống. Có thể trong tương lai, nếu khoa học tiến bộ hơn, quan sát vũ trụ được tốt hơn thì sẽ dự đoán chính xác hơn còn hiện tại thì phải chấp nhận.
Nguồn tin: Người Lao Động
Ý kiến bạn đọc