Nishimura Masanari - một người Nhật rất Việt Nam

Thứ ba - 11/06/2013 04:54 1.092 0
Yêu Việt Nam ngay từ lần đầu đến làm việc, hơn 20 năm qua, ông đã đi khắp mọi miền để tìm hiểu, nghiên cứu, đóng góp nhiều công sức cho khảo cổ học Việt Nam, trước khi qua đời vì tai nạn xe máy.

Ông là tiến sĩ Nishimura Masanari, sinh năm 1965, làm cộng tác viên tại Viện Khảo cổ học Việt Nam. Ông vừa qua đời vì tai nạn giao thông trên tuyến đường 1B khi đi xe máy đến Bắc Ninh tìm hiểu thực địa cho nghiên cứu mới.

Lúc đó là khoảng 10h trưa ngày 9/6, ông va vào một xe tải và bị chấn thương. Nhà khoa học người Nhật được đưa ngay tới bệnh viện nhưng vì vết thương quá nặng nên ông không qua khỏi. Masanari đang được đặt ở Hà Nội, chờ người thân trong gia đình sang Việt Nam nhìn con lần cuối.

Ảnh do tiến sĩ Liêm cung cấp.
Masanari khi còn sống luôn tươi cười. Ảnh do tiến sĩ Liêm cung cấp.

"Thật đau đớn, chân tay như rụng rời khi nghe tin người bạn thân thiết của tôi qua đời. Tôi vẫn chưa thể tin rằng ông ấy đã ra đi", tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, đồng nghiệp thân thiết và người "thầy" dạy tiếng Việt cho Masanari, nói.

"Mới đây chúng tôi còn cùng nhau đi đám tang chia buồn với gia đình một đồng nghiệp, cùng đến nghe bảo vệ luận văn thạc sĩ. Anh em mới ngồi uống nước tâm sự với nhau", ông Liêm nhớ lại. "Ông ấy là người sống tình cảm".

Sự ra đi của tiến sĩ Masanari còn khiến cả ngành khảo cổ trong và ngoài nước sững sờ, đau đớn.

"Nghe tin anh mất, tôi quá bàng hoàng, không hiểu sao người tận tâm tận lực hết lòng hết sức với Việt Nam lại gặp rủi ro như vậy. Nhiều lần đi Cổ Loa, tôi thấy anh ấy toàn đi taxi, không hiểu sao lần này lại đi xe máy", giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, một người bạn của Masanari, nói.

Ông Ngọc cho biết, lần tới Bắc Ninh này của Masanari là để nghiên cứu di chỉ khảo cổ học ở chùa Dạm, ngôi chùa quan trọng bậc nhất của thời Lý, hiện còn lại cột đá rất nổi tiếng.

Duyên phận với Việt Nam

Tiến sĩ Nishimura Masanari học về khoa khảo cổ học ở Đại học Tokyo. Năm 1990, ông đến Việt Nam trong khuôn khổ dự án giữa khoa học Nhật Bản và Viện Khảo cổ học Việt Nam để nghiên cứu khảo sát một số ngôi mộ cổ ở làng Vạc, thuộc huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Cũng từ đây, ông bắt đầu yêu thích nghiên cứu văn hóa tiền sử và một số ngành khác của Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ, ông vẫn thường xuyên liên kết với các nhà khoa học Việt để nghiên cứu. Sau này, khi gắn bó và cảm thấy không thể rời xa Việt Nam, Masanari xin làm cộng tác tại Viện Khảo cổ, và xem Việt Nam như quê hương thứ hai.

Tiến sĩ Bùi Văn Liêm nhớ hình ảnh khi mới quen Masanari cách đây 23 năm, một người "sôi nổi, nhiệt tình, thông minh và dễ hòa đồng".

Trước khi đến Việt Nam, Masanari từng làm việc ở Thái Lan, Trung Quốc và nhiều nước phát triển trên thế giới. Tại đó, ông đều học tiếng và am hiểu sâu sắc văn hóa lịch sử của mỗi nước.

Với tài năng và nhiệt huyết, Masanari có thể chọn một đất nước tốt hơn với kỹ thuật tiên tiến như Thái Lan, Trung Quốc, hoặc ở lại Nhật, nhưng ông lại chọn Việt Nam. "Dường như đó là duyên phận, chỉ một lần sang Việt Nam đã khiến ông quyết định gắn bó lâu dài với đất nước chúng ta", ông Liêm nói.

Nói về lý do ở lại Việt Nam, Masanari từng cho biết: "Việt Nam còn khó khăn, nhưng khó khăn lại có cái hay. Tôi thích khó khăn, và ngay từ đầu đến Việt Nam, tôi cảm thấy có cái gì đó thân thuộc gần gũi với người Việt".

Người Việt mang quốc tịch Nhật

Để bắt đầu cuộc sống ở Việt Nam, việc đầu tiên Masanari thực hiện là học tiếng Việt. Với ông, đây là yêu cầu bắt buộc khi làm nghiên cứu ở một vùng đất khác.

Người giúp Masanari học tiếng Việt là tiến sĩ Bùi Văn Liêm. "Thật ra ngay trong lần làm việc đầu tiên ở Nghệ An, ông đã học thuộc nhiều từ, và nói bập bẹ nói một số câu", tiến sĩ Liêm nói.

"Ban đầu, Masanari bắt chước tôi nói và nói một cách rất máy móc, đôi chỗ khiến người nghe cảm thấy khó chị. Nhưng dần dần tiếp xúc với người địa phương trong các chuyến đi, ông tự nói và hiểu tiếng Việt tốt hơn".

Trong lần ở làng Vạc, Masarani bỏ tiền túi mua ít bút, khăn mặt, máy tính mang tới mỗi nhà dân ở đó làm quà. Đầu thập niên 1990, đó là những quà rất có giá trị mà Masanari dành cho người Việt khi lần đầu quen nhau. Đến bây giờ, người làng Vạc khi gặp các nhà khảo cổ vẫn hỏi thăm về người đã cho họ những món quà quý năm xưa.

Sau ba năm, Masanari đã nói tiếng Việt trôi chảy. Ông Liêm còn nhớ kỷ niệm vui, khi trong lần công tác ở Hội An, ông kinh ngạc về kỹ năng "mặc cả" của Masanari. "Cùng mua chiếc áo giống y hệt nhau, tôi bỏ ra 140 nghìn đồng, còn Masanari chỉ mất 90 nghìn đồng".

Có lần, Masanari chen chúc xếp hàng cả buổi để mua vé tàu cho mọi người trong cơ quan. Người bán vé cứ tưởng Masanari là người dân tộc bởi bộ trang phục lạ mắt, nhất là giọng tiếng Việt nghe lơ lớ. "Masanari Việt Nam hơn cả Việt Nam, Nhật hơn cả Nhật", tiến sĩ Liêm nói về người bạn thân thiết.

Có lẽ vì thế mà cả chục năm nay, nhà khoa học người Nhật vẫn được bạn bè gọi là "người Việt mang quốc tịch Nhật".

Masanari có vợ và hai con trai đều sống ở Việt Nam. Một cháu đang học lớp ba và một mẫu giáo. Vợ ông, bà Noriko, cũng là người Nhật, nhưng họ quen nhau ở Việt Nam khi bà là nghiên cứu sinh ngôn ngữ Việt Nam. Vì tình yêu với "chàng trai khảo cổ", bà đã từ bỏ ngành ngôn ngữ sang khảo cổ.

Theo lời giáo sư Ngọc, Noriko vốn là “cành vàng lá ngọc” của Kyoto, lúc đầu sang Việt Nam chị chưa quan tâm nhiều lắm đến khảo cổ học. Nhưng kể từ khi quen biết Masarani, bà mới chuyển sang làm nghiên cứu khảo cổ học, bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về gốm Gia Lương ở Bắc Ninh, sau đó Noriko làm luận án tiến sĩ về đồ gốm Việt Nam.

"Một lần sang Nhật Bản, chị Noriko làm phiên dịch cho tôi. Chị nói “Em bây giờ phải học lại hết tiếng Nhật, văn hóa Nhật, vì ở Việt Nam lâu quá rồi. Điều này khiến tôi rất cảm động", ông Ngọc kể.

Say mê khảo cổ Việt Nam

Suốt hơn 20 năm, tiến sĩ Masanari có nhiều cống hiến cho ngành khảo cổ Việt Nam bằng tài năng và nhiệt huyết.

Ông Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, nói rằng không có "điểm nóng" nào về khảo cổ ở Việt Nam mà không có dấu chân Masanari. Ông là người có công lớn trong việc đem không khí học thuật sống động vào Việt Nam. Masanari đã phát hiện ra mảnh khuôn đúc trống đồng đầu tiên ở Việt Nam. "Đây là phát hiện rất có ý nghĩa, vì lâu nay, nhiều người cho rằng, trống đồng Đông Sơn không phải phát tích ở Việt Nam", tiến sĩ Tín nói.

Không những vậy, ông cùng đồng nghiệp phát hiện ra khuôn đúc mũi tên, khẳng định các mũi tên của Việt Nam thời kỳ An Dương Vương được sản xuất tại chỗ.

Bên cạnh đó, ông đã tham gia nhiều chương trình khác như phát hiện, giám sát khai quật xây dựng bảo tàng gốm sứ tại xã Kim Lan, Gia Lâm Hà Nội; nghiên cứu địa điểm 18 Hoàng Diệu, Hà Nội, tham gia nghiên cứu thành nhà Hồ, trống đồng Đông Sơn, và nhiều địa điểm khác.

Ông cũng là người góp phần giới thiệu phương pháp “khảo cổ học bình dân” cho mọi người biết cách bảo tồn lưu giữ di chỉ khảo cổ.

Tiến sĩ Masanari còn tham gia đào tạo và hướng dẫn các nghiên cứu trẻ của Viện khảo cổ học và các địa phương. "Với lượng kiến thức tiếp thu từ nhiều nước khác trên thế giới, ông đã mang nhiều kiến thức mới đến Việt Nam", tiến sĩ Tín nói.

"Masanari rất yêu Việt Nam, ông là người thông minh và nhất quán trong mọi vấn đề, ông sống ở Nhật thế nào thì sống ở Việt Nam như thế", theo tiến sĩ Tín.

Dù có nhiều đóng góp với khảo cổ Việt Nam, Masanari luôn giữ mình khiêm tốn và âm thầm làm việc. Tiến sĩ Liêm nhớ có lần khen Masanari là người có công lớn trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam sang Nhật. Thật bất ngờ, Masanari thay đổi sắc mặt, và nói nghiêm trang: "Em chưa thể làm được điều đó đâu anh".

Masanari trong lần khảo sát. Ảnh do tiến sĩ Liêm cung cấp.
Masanari trong một lần đi thực địa. Ảnh do tiến sĩ Liêm cung cấp.

Masanari ra đi, bỏ dở các kế hoạch như chương trình Hợp tác chỉnh lý di vật khảo cổ học di tích chùa Dạm, Bắc Ninh; chỉnh lý di tích khảo cổ học Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp, và di tích khảo cố học Con Moong, hang Mang Chiêng, tỉnh Thanh Hóa.

Viện khảo cổ cho biết gia đình Masarani có nguyện vọng tổ chức đám tang cho ông theo nghi thức Việt truyền thống. Dự kiến ông sẽ được hỏa táng ở Hà Nội rồi đưa tro cốt về Nhật. "Người nhà nói rằng Masanari yêu Việt Nam, làm việc tại Việt Nam và chết cũng phải ở Việt Nam. Do vậy, ông ấy hẳn sẽ được an ủi nếu biết điều này", ông Tín cho hay.

“Nishimura là một nhà khoa học hết sức đặc biệt. Ông ấy say mê Việt Nam đến mức độ kỳ lạ. Ông ấy đã lùng sục khắp nơi ở Việt Nam, nơi nào có di chỉ khảo cổ là ông lại tìm đến", giáo sư Nguyễn Quang Ngọc tự hào khi nói về người bạn Nhật.

"Có lần đến thăm đoàn chuyên gia, tôi thấy họ đào di chỉ khảo cổ toàn bùn như đào hồ thủy lợi, dưới cái nắng nóng thiêu đốt", ông Ngọc kể. "Nishimura lăn lộn ở hiện trường, nước da đen sạm lại. Nishimura là tấm gương lớn cho chúng ta".

Hương Thu - Trọng Giáp

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây