Phương Thanh: Mẹ tưởng bé Gà không phải con tôi

Chủ nhật - 06/01/2013 22:33 2.179 0
"Tôi muốn đưa con đi đâu phải bảo: Bà ơi, cho con mượn cháu ra đường chơi tý và bà chỉ cho đi nửa tiếng là phải đưa cháu về", nữ ca sĩ tiết lộ.

Càng lớn, càng phải giữ lại những cảm xúc

- Năm ngoái gây ấn tượng với vai cô gái điếm trong phim của Vũ Ngọc Đãng, có vẻ như năm nay, chị "thừa thắng xông lên" với nhiều vai diễn điện ảnh?

- Năm nay tôi chỉ làm 3 phim, một vai bi, hai vai hài. Tôi thích đóng hài vì xem phim vui, khán giả thích, còn vai bi thấy mình đóng xong cũng "nặng" lắm, hơi mệt.

- Chị bị ảnh hưởng tâm lý khi đóng vai bi không?

- Không. Thời điểm này tôi muốn vui nhưng phim Cát nóng hay quá, diễn xong không buông vai ngay được, sợ sai tâm lý, nhân vật cứ ôm vào mình nên trong người cũng buồn cả ngày. Con người tôi hồi phục niềm vui rất khó. Ngay cả âm nhạc, tôi hát nhiều bài bi lụy, bị nhập cảm xúc cũng mệt lắm.

- Vậy sao chị không chọn những vai diễn vui tươi, những bài hát sôi động để tránh tình trạng này?

- Khi đóng xong những vai bi như vậy, 3 ngày sau tôi thoát ra khỏi vai diễn lại vui cực kỳ. Về tới nhà, ngồi tưởng tượng lại những cảnh quay làm mình thấy thích. Niềm vui đó kéo dài cả tuần, gấp đôi thời gian đóng phim, tôi nghĩ đó là cảm giác được "đền bù". Tôi là người quản lý được cảm xúc và cho nó bay thoải mái nếu thấy cần thiết, cả buồn lẫn vui. Nếu cần buồn thêm chút nữa để cho nó sâu sắc cũng được. Mỗi lần vui hay buồn, tôi đưa vào kho tàng cảm xúc để sau này khi đóng phim, cảm thấy mọi thứ đều giá trị. Buồn cho mình đến tận cùng nỗi đau và niềm vui cho mình hiểu được trong cuộc sống có gì. Khi hiểu tận cùng niềm vui nỗi buồn, mình hiểu vì sao cuộc đời cần lắm những điều đó.

- Đến bây giờ khi bước qua tuổi 40, nỗi buồn và niềm vui trong chị đã đầy chưa?

- Bây giờ tôi sợ nhất là không buồn cũng không vui, cứ lưng lửng khó chịu lắm. May mắn là thời trẻ tôi đã được vui, buồn, khổ đau và hạnh phúc nhiều và giữ trong kho tàng được ít vốn, nếu không bây giờ... ngộ lắm.

Ở từng độ tuổi, con người suy nghĩ khác nhau. Lúc còn trẻ nghĩ tình yêu là trên hết, đến độ cãi cha mẹ để yêu và khi ấy cảm xúc thật dồi dào, thậm chí còn tự tử vì tình. Khi lớn hơn, họ bắt đầu sợ cãi mẹ, sợ thành người con bất hiếu. Khi có con, mình lại dành tất cả tình cảm cho con. Càng lớn, càng phải giữ lại cảm xúc và khi yêu một ai đó cũng phải giữ lại tình yêu đó cho mẹ một ít, cho con một ít, không cho đi hết được... Đó cũng là quy luật.

- Cách đây nhiều năm, nhạc sĩ Phương Uyên đã viết cho chị ca khúc "Con cầu "với những tâm sự rất thật của chị trong tình yêu. Yêu mãnh liệt mà bị ngăn cản, chị có từng nghĩ đến việc tự tử vì tình không?

- Tôi nhờ Phương Uyên viết bài đó để hát cho mẹ nghe và hiểu nỗi lòng của mình nhưng mẹ vẫn không chấp nhận. Bản thân tôi hồi trẻ không thể nào sâu sắc được, đâu hiểu cuộc sống là phải đi đường dài, có nhiều vấn đề. Bây giờ tôi lớn và biết mẹ không chấp nhận là đúng (cười).

Có những người sinh ra trên cõi đời phải mang nặng nợ, đôi khi không trả nhau về tiền mà là tình cảm. Bố mẹ thấy con khổ ải đau lòng và cấm cản, nhưng càng cấm, chúng càng lao vào, càng gây nên nghiệp. Cuối cùng, bố mẹ vẫn là người đúng.Lúc nào mình mới hiểu, bố mẹ đúng thật là khó, mình cần phải trải nghiệm. Có những người đến độ tuổi 40-50 cũng chưa hiểu được ra điều đó.

Khi có con, mình lại dành tất cả tình cảm cho con.

- Vậy mối tình đó bất thành, chị cũng không có gì hối tiếc?

- Tôi không hối tiếc và cho đó là sai lầm. Con người có hai nỗi sợ, sợ nhất là khi lớn tuổi không thể yêu nồng nhiệt được như khi trẻ, không thể hy sinh hết được. Mỗi giai đoạn có cái đẹp riêng, ở thời điểm này mình nhìn lại thấy nó không đẹp nhưng lúc đó lại thấy rất đẹp.

- Chị nói thế vì nãy giờ có anh ấy ngồi bên cạnh?

- Không. Anh luôn để tôi nói chuyện thoải mái. Kể cả bây giờ tôi đang yêu rất nhiệt tình nhưng 10 năm sau nhìn lại, tôi vẫn thấy có những điều không đúng. Đường đời rộng thênh thang và nhiều suy nghĩ, sau 10 năm con người mình thay đổi nhiều.

- Chị từng nói đến năm 40 tuổi sẽ kết hôn và có thêm em bé? Bây giờ đã tới lúc đó, ý định của chị có thay đổi gì không?

- Thầy bói nói tôi 40 tuổi mới được lấy chồng nên bây giờ tôi đang lo. Tôi thà hơn 30 tuổi còn nhởn nhơ. Cái lo của tôi ở đây không phải lo ế mà... căng thẳng quá. Tôi nhớ lại ngày xưa mình làm phụ dâu cho Bằng Kiều và Trizzie Phương Trinh. Người ta lấy chồng, vợ, mình chỉ là phụ dâu đã khóc quá trời.

- Tại sao chị lại khóc nhiều như thế?

- Tôi cũng chẳng hiểu. Có lẽ vì không quen với không khí quá sang trọng và quan trọng nên tôi sợ và khóc. Tôi cứ sụt sịt, đi đạp váy liên tục. Ngày xưa người lớn không cho con gái đi làm phụ dâu sớm đâu vì sợ mất duyên. Tôi làm phụ dâu từ thời còn đi học, lúc mới 16 tuổi. Sau này, tôi nghĩ mình do đi làm phụ dâu sớm như vậy nên mất duyên.

- Chị muốn nói gì về người đàn ông hiện tại và tình yêu của mình?

- Để anh ấy là người ngoài cuộc nói chuyện đi. Tôi muốn giữ hình tượng là một người đàn bà độc thân nhưng hạnh phúc với những gì mình đang có. Hiện tại, tôi muốn chia sẻ với mọi người về những thứ khác hơn.

May mắn là tôi đã đi chậm và dừng lại bớt

- Vậy chị muốn chia sẻ về điều gì?

- Chúng ta nói về âm nhạc và các cuộc thi về âm nhạc đi. Các cuộc thi đúng về chuyên môn không được ủng hộ vì không có tiền tài trợ, tiền làm truyền thông và PR... Các gameshow giải trí được khoác lên mình là "cuộc tuyển chọn tài năng âm nhạc" lấy tiêu chí tìm người được khán giả bình chọn nhiều nhất nên có nhiều thí sinh hát dở vẫn được vào, trong khi nhiều người không được bình chọn phải đi ra. Như vậy là chết và chỉ tốn tiền khán giả (cười).

- Gần đây, mọi người nhắc nhiều đến vấn đề đạo đức của lớp ca sĩ trẻ mới nổi? Chị nghĩ sao về điều này?

- Làm nghệ thuật đòi hỏi thời gian tôi luyện, qua một cuộc thi, bạn vẫn chưa là gì. Như Uyên Linh hay Văn Mai Hương, đến thời điểm này vẫn chứng minh tài năng để tồn tại, đứng được với nghề. Bây giờ, cuộc thi tạo cho các bạn trở thành ngôi sao nhanh quá. Công ty tư nhân tổ chức cuộc thi luôn tìm mọi cách thu hút dư luận, PR cho thí sinh để câu kéo quảng cáo, lợi nhuận nên tạo ra những giá trị ảo. Vì thế, không khó để nhận thấy nhiều thí sinh trong cuộc thi rất tốt nhưng sau đó dường như chết hết.

Cuộc thi và cả nhà tổ chức làm ăn chỉ tính theo thời vụ.

- Thế nhưng thực tế, hiện tại thí sinh của các cuộc thi gameshow truyền hình đang chạy show không kém gì các ca sĩ chuyên nghiệp?

- Cuộc thi và cả nhà tổ chức làm ăn chỉ tính theo thời vụ, nhưng con đường sự nghiệp của một ca sĩ là con đường dài, đâu phải chỉ mấy tháng.

- Có khi nào chị thấy bất mãn về những việc đó không?

- Không, có gì phải bất mãn. Tôi thấy bình thường. Nếu tính theo chất lượng vẫn có nhiều thí sinh hát rất tốt nhưng họ cần thời gian tôi luyện đạo đức, mối quan hệ nữa. PR cho thí sinh tiến nhanh tới công chúng để hốt tiền tin nhắn, đó là làm hại thí sinh, làm hư nền tảng và phá cảm xúc của họ rất nhanh.

Có giọng chưa đủ, có đạo đức cũng chưa đủ, quan trọng mỗi ngày trôi qua họ trải nghiệm như thế nào. Họ cần có thời gian để hiểu được giá trị, sự trả giá của nổi tiếng và cả sự im lặng của khán giả khi họ làm sai điều gì đó. Một thí sinh đang đi thi mà chạy show nhiều sẽ trở thành ca sĩ thị trường. Một ca sĩ thành phố đi hát ở tỉnh nhiều trở thành ca sĩ hát tỉnh, đến khi vô lại thành phố không được. Tài năng càng xài nhanh, càng bào mòn, càng bị hư nên người có tài thật sự phải biết giữ mình để tồn tại lâu dài.

- Chị từng đi thi và "hot" với lịch diễn dày đặc. Nhìn lại quãng đường đi của mình với các bạn trẻ hiện tại, chị thấy mình có điểm chung nào không?

- Ngày xưa lúc tôi "hot", mọi người cũng đẩy tôi lên dữ lắm. May mắn là tôi đã đi chậm và dừng lại bớt, nếu để người khác đẩy mình như vậy chắc giờ này... tiêu rồi.

Không ai nhìn mãi mình vẫn thích, không ai nghe mãi mình vẫn mê. Mình phải có lúc gián đoạn, khi anh lên, tôi được nghỉ ngơi và ngược lại, thay phiên nhau cho từng chu kỳ và cảm xúc khác nhau. Điều đó cũng như tình cảm vợ chồng bị mài mòn bớt vì ở trong nhà nhìn mặt nhau riết thành ra bị nhàm. Thế nhưng có người không chịu nghỉ, phải đè hết người này, người kia để đứng đó mãi. Họ không hiểu được rằng sự nghỉ ngơi cũng rất quan trọng.

Tình cảm công chúng đối với nghệ sĩ cũng như tình yêu trai gái, nó có nghệ thuật để giữ nhau hết. Người nghệ sĩ muốn sống lâu trong tình yêu của khán giả thì phải có nghệ thuật nắm giữ.

Tiền bạc chỉ là nhu cầu sống

- Con người ai cũng có lòng tham, làm thế nào để chị buông bỏ được khi đang ở đỉnh cao, kiếm tiền nhiều và nhanh như thế?

- Con người ai cũng có gốc gác hết. Ông tôi ngày xưa là địa chủ nhưng lại hiến hết đất cho cách mạng, với ông tiền bạc không quan trọng. Tôi đi làm khi gia đình thất thế nhất nên mọi thứ thật khó khăn, nhưng ít ra khí phách, bản chất và dòng giống vẫn còn. Ông tôi cho bao nhiêu đất còn không tiếc, huống gì tôi. Đồng tiền nhiều khi cũng có cái họa riêng của đồng tiền.

Có tiền xài vừa đủ và có sức khỏe vừa tốt, đó là điều hạnh phúc nhất. Tôi coi đồng tiền như nhu cầu trong cuộc sống, giống nhu cầu yêu, nhu cầu tình dục, có con, phụng dưỡng cha mẹ già... khi biết phân chia ra thì sống khỏe lắm. Đâu phải ai cũng phân chia được. Nhiều tiền không biết làm gì, nhưng hết tiền lại lo. Cuộc sống nhiều mâu thuẫn lắm.

Tôi chỉ có những chiếc vòng, chiếc nhẫn đặc biệt.

- Tôi từng nghe kể, khi ở đỉnh cao sự nghiệp, Phương Thanh đã có sở thích sưu tập hàng hiệu, những bộ vòng, lắc lên tới vài chục tỷ đồng? Có hay không chuyện đó?

- (Cười lớn) Thực ra tôi chỉ có những chiếc vòng, chiếc nhẫn đặc biệt. Tôi có máu rock, đeo đồ hơi... "gấu" nên thường thích mấy cái vòng rắn rết, mấy con vật dữ dữ. Những chiếc vòng tôi sở hữu, không đắt không rẻ, vì nó chỉ có một hai chiếc nên độc đáo, không phải tiền tỷ. Bây giờ, nếu tiền tỷ, tôi cũng không khoe vì sợ ăn trộm dí chết (cười).

- Vì thế, hôm nay ra đường chị cũng không mang theo cái gì trên người?

- Tôi vẫn thường không mang theo cái gì trên người cả. Nếu có chỉ mang vàng giả không (cười lớn).

- Trang sức đặc biệt nhất chị có là gì?

- Đó là vòng rắn ở tay. Sau này tôi sẽ để tặng cho bé Gà, không ai có vòng đó.

- Chị còn mê đồ hiệu như ngày xưa không?

- Ngày xưa, nếu không mua được món đồ hiệu ưa thích là bức xúc lắm, nhưng giờ không có cũng không sao. Phàm là nghệ sĩ, tới 70% là xài đồ hiệu vì nghệ sĩ cần bề ngoài, đồ hiệu giúp cho người ta thêm tự tin. Nếu tính trong showbiz Việt, Hồng Nhung và Thanh Lam là những người mặc đồ hiệu đầu tiên, người nào "lên" là đều dính đến đồ hiệu hết. Theo đuổi đồ hiệu khổ và mệt lắm. Ví dụ như điện thoại mới ra phải đổi nhưng khi nhìn lại những món đồ đó "ôi thôi, bằng cả cái nhà".

Sinh con ra là để cứu người mẹ. Khi có con cái, người ta bắt đầu nghĩ đường dài, xài có chi tiêu, tính toán hơn. Có người mẹ nào có con mà còn mê đồ hiệu đâu, họ nghĩ về con, cho con. Tôi bây giờ phải nuôi con đến 18 tuổi, bé Gà mới 7 tuổi nên tôi còn 11 năm nữa, lỡ không làm ra tiền thì sao. Làm mẹ giúp cho người ta tiết kiệm hơn.

- Chị hết tính nghệ sĩ phóng khoáng rồi sao?

- Tôi vẫn có nhưng không bạt mạng như xưa. Chung quy lại mọi thứ đều qua nhanh, cái túi 5.000 USD (hơn 100 triệu đồng) cũng qua đi và thay bằng cái 6.000 USD (hơn 120 triệu đồng), cuối cùng thiệt thòi thuộc về người sắm đồ.

Khi còn trẻ, mình không nhìn thấy được thiệt thòi nhưng có con là thấy ngay. Lâu lâu nhìn lại mấy cái túi cả chục ngàn đô để đấy không bán được tức lắm (cười). Với số tiền đó mình làm được rất nhiều điều. Có con rồi, quy ra thóc gạo, sữa nên nó trở thành nhiều lắm. Ngày xưa nhìn "bà" Gà nghịch cái túi bị trầy tôi hết hồn. Bây giờ, con không vặt mẹ cũng không bán được. Ngày xưa, từ khi nhan sắc vẫn còn lúa là tôi phải xài đồ hiệu, không chỉ quần áo bên ngoài, ngay cả quần áo lót, những thứ chẳng ai nhìn thấy cũng phải đồ hiệu. Hiệu là phải từ trong ra ngoài, nghĩ lại thấy mắc cười, thấy được sự sân si của tuổi trẻ. Còn bây giờ, đồ mặc hợp với từng nơi mình đến, với tôi mới quan trọng.

Tôi tự tin vào con gái, không cần phải lo.

- Bé Gà giờ đã 7 tuổi, có quan tâm tới việc mẹ là một người nổi tiếng không?

- Không. Bé Gà chỉ thường khoe hôm nay con có mấy điểm 10 hoặc mai học Anh văn có mấy từ mới là hết rồi. Cháu thường xin mẹ cho tiền mua sách Anh văn. Gà được cái rất lo học. Con gái hơn mẹ chỗ đó. Còn chuyện mẹ là người nổi tiếng, Gà biết nhưng không quan tâm nữa. Bé dặn: "Lâu lâu mẹ vào đón con một lần thôi nhé, mẹ vào nhiều con bị rối, các bạn biết xin chữ ký của mẹ thì vui nhưng cũng mệt lắm".

Tôi có niềm vui khác là mẹ tôi tưởng bé Gà là con của bà, không phải con tôi nên bà tự quyết định tất cả. Có khi bé đang học trường này, bà giận cô giáo của cháu nên đưa đi trường khác làm tôi kiếm hoài không ra. Tôi bảo bà đừng đổi cháu như vậy, để yên cháu học nhưng vì bà thương cháu quá. Mẹ tôi năm nay đã 77 tuổi, chơi với cháu không được bao lâu nên chuyện gì tôi cũng nhường, nhường riết thành ra không có quyền gì luôn. Tôi muốn đưa Gà đi đâu phải bảo: "Bà ơi, cho con mượn cháu ra đường chơi tý" và bà chỉ cho đi nửa tiếng là phải đưa cháu về (cười).

- Bé Gà học giỏi môn gì?

- Năm nay Gà mới học lớp 2 thôi và học giỏi đều tất cả các môn. Cứ về tới nhà là đã thấy cháu tắm rửa sạch sẽ ngồi vào bàn học rồi. Khoản cháu tự lập và học hành, tôi không phải lo đâu.

Khoản cháu tự lập và học hành, tôi không phải lo đâu.

- Gà có thích theo mẹ đi diễn không?

- Ngày xưa có đôi lần tôi đưa đi và cho lên sân khấu hát, thế là Gà khoái và đòi theo mẹ đi hát. Tôi dụ con cứ học cho giỏi đã, sau năm 12 tuổi, hai mẹ con du lịch nước ngoài, con có nhiệm vụ lo và phiên dịch cho mẹ. Được tin tưởng và giao nhiệm vụ nên Gà nghe lời và học giỏi lắm. Tôi biết tính Gà, được giao gì là rất chu toàn mặc dù còn rất nhỏ.

- Con gái cá tính như vậy chị có lo không?

- Tôi quá tự tin vào con gái, không cần lo. Nó lại khác tôi khi chuyên về đường học. Bây giờ tôi hỏi con có thích đi hát không, nó bảo làm ca sĩ mệt lắm. Gà nói, mẹ cứ lo cho công việc và sự nghiệp của mẹ. Mẹ hứa ngày nào về là về đúng, bảo 5h là đúng 5h được rồi. Cháu nguyên tắc lắm, tôi cũng không biết sao mới có tý tuổi đã nguyên tắc như vậy. Tôi sợ nó già trước tuổi.

Nguồn tin: Mốt và Cuộc Sống

 Từ khóa: phương thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây