Nhà văn trẻ trước thềm Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần VIII

Thứ tư - 13/07/2011 22:31 3.953 0

Ba cây bút trẻ Trương Anh Quốc, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng

Ba cây bút trẻ Trương Anh Quốc, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng
Văn chương với các cây bút trẻ có khi đem lại nguồn vui và không xác định đó là công việc mưu sinh, nhưng cũng có khi “vừa ngồi viết, vừa phải nghĩ tới đời sống thường nhật của ngay ngày hôm sau”… Tuy quan niệm mỗi người một khác nhưng tình yêu văn chương, sự trăn trở dành cho văn chương vẫn theo bám họ như chia sẻ của ba câu bút trẻ: Trương Anh Quốc, Đoàn Văn Mật và Nguyễn Quang Hưng.
PV: Theo bạn điều cần nhất của người viết văn trẻ là gì?

Trương Anh Quốc: Ý tưởng và cảm xúc.

Đoàn Văn Mật: Tôi cho rằng người viết văn trẻ có ba điều cần là: tài năng, sáng tạo và tâm huyết. Tuy nhiên đây mới là “cần”, còn phải có cả “đủ” nữa.

Nguyễn Quang Hưng: Hiểu biết, sự lắng nghe và lòng trắc ẩn.

PV: Là người viết văn trẻ, khi cầm bút viết, bạn có bị chi phối bởi những yếu tố của đời sống thường nhật như “cơm áo gạo tiền” không?

Trương Anh Quốc: Trước kia, tôi viết chỉ mong truyện được đăng báo còn bây giờ viết ra để đó, có lúc chẳng gửi đâu. Khi viết, tôi không bị chi phối bởi dòng chảy thị trường. Viết chủ yếu đem lại niềm vui, sự thỏa mãn cho mình trước nên tôi viết cũng chậm lắm. Nếu có báo đặt hàng mới viết nhanh hơn. Có khi không viết thấy bức bối, một thời gian dài không viết được gì cũng thấy chán và bức bối.

Đoàn Văn Mật: Có chứ! Khi “vợ con chưa có, cửa nhà cũng… chưa” mà không nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền mới là lạ (cười). Một người viết trẻ như tôi, vừa mon men nhập vào đời sống thị thành, nhiều lúc vừa ngồi viết, vừa phải nghĩ tới đời sống thường nhật của ngay ngày hôm sau cũng là chuyện bình thường. Tôi nghĩ hệ lụy của đời sống nói chung và đời sống thường nhật nói riêng luôn đi liền văn chương, có điều nên để nó trong trạng thái tự nhiên.

Nguyễn Quang Hưng: Hiện thời tôi không lấy việc sáng tác làm mưu sinh nên bản thân không thấy vướng bận mỗi khi “thơ ca rủ rê, vẫy gọi”. Trong bối cảnh hiện nay chắc chắn đa số người cầm bút cũng xác định khó có thể dùng văn thơ làm vũ khí “chống lại sự đói nghèo” của mình - nếu có. Trừ một số bậc cao nhân sách ra bán chạy và thường tái bản thì có thể tạm coi là yên tâm sống bằng nhuận bút. Còn đa số đều lấy công việc khác để nuôi mình và nuôi niềm mê đắm sáng tác. Tôi vốn làm báo và có “phảng phất” một chút phim tài liệu. Tất cả những gì cần cho đời sống vật chất đều “trông nom” vào đây, và nhiều khi chính những công việc đó lại giúp ích cho thơ bởi nhờ đó tôi được đi, được tiếp xúc, được quan sát và suy tư.

PV: Bạn thường quan tâm đến đề tài gì? Bạn có nghĩ khi mình viết đề tài đó sẽ nhận được sự quan tâm cũng như đón nhận của độc giả?

Trương Anh Quốc: Trước nay tôi viết những gì tôi thấy bức xúc và muốn viết nên chưa có lượng độc giả nhiều. Có lẽ trong thời gian tới tôi sẽ quan tâm đến độc giả hơn. Chia sẻ lẫn nhau, có được nhiều độc giả là một sự thành công của bất cứ nhà văn nào. 

Đoàn Văn Mật: Tôi thường nghĩ đến chiều sâu của tác phẩm hơn là quan tâm đến mình viết đề tài gì. Thực ra khi viết đề tài đi vào trong tôi một cách rất tự nhiên. Ví như tôi rất yêu thích miền quê nhưng cứ đặt bút viết là trong tôi lại hiện lên đời sống thành thị. Thực tế này không phải bây giờ mới diễn ra mà nó đã diễn ra trong tôi lúc còn là một thiếu niên chân lấm tay bùn cầm bút làm thơ. Cũng có khi tôi viết bằng ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ của một hình ảnh, câu chuyện hay bất cứ thứ gì vừa đưa đến trước mắt.

Tôi cũng quan niệm rằng muốn độc giả quan tâm đón nhận tác phẩm anh vừa viết thì điều đầu tiên anh phải giải quyết được những vấn đề và khoái cảm của bản thân. Nghĩa là tôi phải thể hiện được cái mình muốn nói trong tác phẩm… và cuối cùng là phải hay, đáp ứng được yêu cầu của độc giả.

Nguyễn Quang Hưng: Làm thơ thời gian qua tôi thường bám vào văn hóa truyền thống và ước mơ về sự văn minh, lấy suy nghĩ về những cái đó làm ý tưởng truyền tải cũng như chất liệu cho tác phẩm. Tất nhiên khi nói về những dữ liệu văn hóa truyền thống hay sử dụng chúng thì điều mình muốn nói tới có khi là những cái khác, như tình yêu hay những ẩn ức chẳng hạn. Việc sáng tác, trước là để thỏa mãn những thôi thúc và ý tưởng trong mình đã, sau là mong muốn mình và người đọc có thể lắng nghe nhau để cùng thắp sáng những cảm xúc. Chứ viết để mong được đón nhận hay vừa viết vừa mong được quan tâm thì chắc là không hoặc chưa.

PV: Văn học trẻ cần sự nâng đỡ, động viên khích lệ từ công chúng và những nhà văn đi trước. Thế nhưng sự động viên đó dường như là con dao hai lưỡi, khiến không ít các cây bút trẻ mới bước vào nghề đã ảo tưởng và tự đánh mất những gì đang có. Một nhà văn từng nói với tôi rằng: Đôi khi lời khen hơi quá cũng là thử thách với nhà văn trẻ, nếu tự mãn với bản thân và không vượt ra khỏi lời khen đó thì sẽ dừng lại. Vậy anh nhìn nhận những lời khen đó như thế nào để có thể “tiến xa” trên con đường văn chương?

Trương Anh Quốc: Văn học trẻ rất cần sự dìu dắt của các nhà văn đi trước. Đó là tất yếu. Nhà văn nhà thơ trẻ có tiềm năng được người chỉ dẫn đúng đắn sẽ viết tốt hơn tự mày mò. Công chúng: phần tử phản hồi, chiếc gương soi tác phẩm. Khen hay chê đều là động năng để nhà văn sáng tác hay hơn. “Văn mình vợ người”, nghề văn đầy chông gai thử thách nhưng cũng dễ bị ảo tưởng nhất. Nếu nhà văn trẻ không chịu đọc bạn bè để biết mình là ai và đang đứng ở đâu thì cực kỳ nguy hiểm. Họ sẽ tự bị đào thải. Giá trị nhà văn ở tác phẩm chứ không phải ở hư danh.

Đoàn Văn Mật: Một lời khen với tôi chỉ có ý nghĩa về mặt chia sẻ, động viên, chứ hoàn toàn không tạo ra bất kì áp lực nào cả. Tôi hay đọc sáng tác của thế hệ đàn anh và của bạn bè cùng lứa nhưng khi ngồi viết là lúc duy nhất tôi đọc chính mình. Thiết nghĩ văn chương là tự thân nên nếu con dao hai lưỡi kia vung lên thì chính là cánh tay người viết ra tác phẩm được khen chê đang cầm nó.

Nguyễn Quang Hưng: Tôi nghĩ không cứ già hay trẻ mà tác giả, tác phẩm cần có khen, chê, nhìn nhận như những sinh hoạt bình thường của văn chương. Tác phẩm của người nhiều tuổi cũng như ít tuổi hơn rất nên được nhìn bởi thế hệ khác mình, trong đó có công chúng và những người viết. Việc khen và động viên đúng, chê đúng cũng như nhìn nhận, trao đổi hợp lý thì rất nên! Lời khen có thể như chút son thêm vào đôi môi xinh trên khuôn mặt vốn đã khả ái là rất đáng. Mà lời động viên như chút phấn hồng trên gò má hơi nhám hay lời chê như cái gương để soi và nhận rõ mình hơn thì đều quý cả.

Nhưng mức độ khen, chê, động viên, tán đồng, phản đối… thì lại rất khác nhau ở những người phát ra, những người viết và tác phẩm khác nhau. Trước sau thì người viết vẫn cần nhận ra mình và nhọc nhằn vận động trong quá trình tự sáng, trong sự khám phá bên ngoài và bản thân. Trân trọng và lắng nghe những gì hướng về mình nhưng cũng đừng dựa vào hay nhìn nhận lời khen thế nào để tiến xa. Cũng không quá để tâm vào việc đó mà hãy luôn đi tìm tác phẩm. Đấy là tôi nghĩ cho mình như thế!

PV: Tháng 8 tới đây, Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 sẽ diễn ra. Vậy bạn mong muốn Hội nghị đem đến điều gì cho văn học trẻ cũng như bản thân?

Trương Anh Quốc: Dự Hội nghị, được gặp gỡ giao lưu bạn bè và các cây bút khắp mọi miền đất nước đã vui lắm rồi. Hội nghị chỉ vài ngày, sáng tác là cả một quá trình. Tôi nghĩ, sau Hội nghị văn trẻ toàn quốc các cây bút sẽ ý thức trách nhiệm tích lũy năng lượng và viết tốt hơn.

Đoàn Văn Mật: Bạn biết đấy “hội” bao giờ cũng đứng trước “nghị” nên mong muốn được đón nhận những niềm vui cùng sự chia sẻ của bạn viết. (cười). Tôi sợ nhất người ta hiểu và xem hội nghị viết văn trẻ là “hành động” mở đường cho sự thành công của người tham dự nói riêng và người viết trẻ nói chung.

Nguyễn Quang Hưng: Tôi không mong cũng không tham vọng Hội nghị sẽ đem điều gì đến cho văn học trẻ. Việc đem đến cho mình là ở mỗi tác giả. Nhiều tác giả làm được điều gì đó cho mình thì chúng ta có một cộng đồng sáng tác đa giọng điệu, khỏe mạnh và lấp lánh. Điều đáng quý ở một Hội nghị như thế là tạo không gian gặp gỡ, trao đổi một cách thân thiện và cởi mở cho những người viết, cũng như lắng nghe những người viết để xác định những việc cần làm, nên làm trong thời gian tới nhằm khuyến khích các tác giả sáng tác, công bố tác phẩm và trong một chừng mực nào đó, đưa tác phẩm đến với công chúng nhanh hơn.

* Cảm ơn các cây bút trẻ đã tham gia phỏng vấn. Hi vọng họ sẽ là lực lượng kế cận của văn học Việt Nam trong tương lai.

Hiền Nguyễn (thực hiện)
Nguồn: Văn học quê nhà 

Trương Anh Quốc, sinh năm 1976 tại Quảng Nam, là kỹ sư tàu biển. Từng được giải nhì cuộc thi văn học tuổi 20 lần 3 và giải nhất lần thứ 4. Tác phẩm đã xuất bản: Lũ đầu mùa, Sóng biển rì rào, Biển.

Đoàn Văn Mật, sinh năm 1980 tại Nam Định, tốt nghiệp khoa Viết văn trường đại học Văn hoá. Từng tham gia Ngày Thơ Việt Nam tại Hà Nội. Tác phẩm đã xuất bản: Giữa hai chiều thời gian.

Nguyễn Quang Hưng, sinh năm 1980 tại Hà Nội. Từng tham gia vào Ngày Thơ Việt Nam tại Hà Nội. Ngoài làm thơ, còn tham gia lĩnh vực sân khấu, điện ảnh. Tác phẩm đã xuất bản: Để tình yêu đánh lưới (in chung), Thơ trẻ 360 độ(in chung), Vườn ánh sáng. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây