Nghệ thuật bối rối trước lịch sử

Thứ hai - 17/12/2012 03:58 2.582 0
Không phải là “khu vườn hoang bỏ trống” nhưng cũng không có nhiều tác phẩm vượt qua được bộ lọc thời gian.
Khát vọng Thăng Long - một trong số ít những bộ phim lịch sử được công chiếu trong thời gian gần đây - Ảnh: T.L.
Khát vọng Thăng Long - một trong số ít những bộ phim lịch sử được công chiếu trong thời gian gần đây - Ảnh: T.L.
Nghịch lý hơn, khi cả một kho sử giàu có, đa dạng lại không đủ để giúp các nhà văn, nghệ sĩ, nhà làm phim tạo ra những tác phẩm xứng tầm.

Hội thảo khoa học toàn quốc “Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử” do Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương tổ chức ngày 15-12 xem ra vẫn là nêu thực trạng chứ chưa thể đưa ra một giải pháp khả thi cho vấn đề này.

Tranh luận vì xuyên tạc hay sáng tạo

Họa sĩ Trần Khánh Chương (chủ tịch Hội Mỹ thuật VN) chia sẻ: “Đừng lấy chi tiết văn học nghệ thuật ra rồi soi từng chữ một, xem có phù hợp với lịch sử. Tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử chỉ là cái cớ để đưa ra nhận định, nhãn quan của mình về thời đại ngày nay”.

Cũng bởi thế, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nêu kiến nghị: “Chúng ta có thể làm tốt hơn nữa nếu lãnh đạo cởi mở hơn, tạo ra một không khí thông thoáng hơn, bỏ đi những cấm kỵ không cần thiết, cho phép nhà văn viết thoáng hơn nữa, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều tác phẩm hay, xứng đáng với thời đại và đất nước”.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nghệ sĩ vẫn không khỏi tranh luận về các chi tiết hư cấu trong tác phẩm. “Nhà văn viết về lịch sử có quyền hư cấu, tưởng tượng, thậm chí sáng tạo thêm các nhân vật, sự kiện để làm sáng tỏ lịch sử, soi rọi lịch sử, nhưng không thể bóp méo hay bịa tạc lịch sử một cách phi logic, theo ngẫu hứng của riêng mình. Sẽ thật nguy hiểm nếu xuyên tạc lịch sử, thêm bớt lịch sử, bóp méo lịch sử” - nhà văn Hoàng Minh Tường nói.

Chưa có nhiều tác phẩm đáng đọc nhưng rất nhiều người tỏ ra bối rối trước sự thật lịch sử trong nghệ thuật, đâu là sự thật, đâu là hư cấu. Bản thân mỗi nghệ sĩ đã tự kiểm duyệt mình, chưa nói đến sự kiểm duyệt của đồng nghiệp, nhà phê bình... GS Hoàng Chương đưa ra hàng loạt ví dụ về những tác phẩm sân khấu tuy hay nhưng xuyên tạc lịch sử. Nói là vậy, nhưng vạch ra một ranh giới rõ ràng là chuyện bất khả thi. Và việc sáng tạo hay xuyên tạc vẫn còn là vấn đề gây tranh luận lâu dài.

Thiếu đủ thứ

Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói: “Nhà sử học Dương Trung Quốc có nói bao giờ có sự chuẩn bị đầy đủ hãy làm. Nhưng làm sao có được sự chuẩn bị đầy đủ ấy khi chẳng có một ai làm bất cứ một việc gì cho cái sự chuẩn bị đầy đủ ấy trở thành hiện thực. Tôi quả quyết rằng trong kho phục trang của các hãng phim truyện ở ta, một chiếc áo thụng của vua quan triều đại phong kiến gần nhất là triều Nguyễn cũng chẳng tìm đâu ra, đừng nói đến cả một kho phục trang cổ thuộc đủ các triều đại như xưởng phim Thượng Hải. Mỗi lần làm phim có liên quan đến thời đại phong kiến, người ta vội vàng cắt may vài bộ lấy lệ, còn đa số là đi mượn của các nhà hát tuồng, chèo, cải lương. Không nói xa xôi mà chỉ cần quay cảnh thời chống Pháp thôi thì muốn tìm phục trang chắc chắn không đủ, kiếm 10 con ngựa cho ra ngựa cũng khó”.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát góp ý: “Phim lịch sử thiếu và yếu do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc kinh phí đầu tư kém, trung bình đổ đồng các thể loại hiện đại cũng như lịch sử, chiến tranh, lãnh tụ chỉ khoảng 10 tỉ đồng/phim, lại dàn trải, cào bằng, điều kiện sản xuất thiếu như trường quay không có. Chỉ có kho tàng về các nhân vật lịch sử là giàu có nhưng khai thác thế nào lại là một đề tài không đơn giản. Bên cạnh đó, làm phim lịch sử còn rất manh mún, làm theo thời vụ nhất thời nên dễ nhận ra sự ăn đong, vụ nào biết vụ ấy mà không có tính nối tiếp, nhất quán trong việc chỉ đạo lâu dài, liên tục về đề tài này”.

Còn một cái thiếu nữa là việc thiếu vắng những gương mặt, nghệ sĩ, nhà văn sáng tác chuyên về đề tài lịch sử. Quanh đi quẩn lại chỉ có chừng đấy tác giả, tác phẩm mà mấy chục năm nay điểm qua điểm lại.

“Tình hình 25 năm qua thiếu vắng những tác phẩm tầm cỡ, quy mô, dài hơi, ít ca khúc là do ít tác giả mặn mà với đề tài lịch sử, thiếu hụt đội ngũ nghệ sĩ kế cận có trình độ, hiểu biết và say mê với lịch sử. Các nghệ sĩ hôm nay chọn đề tài dễ hơn, đi vào thế giới cá nhân cô đơn, chuyện tình éo le, ít người đầu tư cho tác phẩm dài hơi vì không thấy tương lai đâu” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.

Tác giả: Hà Hương

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây