Vụ lùm xùm thi thơ ĐBSCL: loại 2 tác phẩm vi phạm

Thứ ba - 09/07/2013 20:57 4.576 0
Xung quanh vụ lùm xùm cuộc thi thơ ÐBSCL lần 5 do Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Sóc Trăng tổ chức, ban tổ chức cuộc thi vừa có kết luận cuối cùng về một số vấn đề dư luận quan tâm.
Ông Văn Ngọc Nhuần - Ảnh: NVCC
Ông Văn Ngọc Nhuần - Ảnh: NVCC

Ngày 9-7, phóng viên đã trao đổi với ông Văn Ngọc Nhuần - chủ tịch Hội VHNT Sóc Trăng. Ông Nhuần cho biết ban tổ chức đã thống nhất loại 2/11 tác phẩm vào chung khảo vi phạm thể lệ cuộc thi là bài Về đồng mùa nước nổi của tác giả Cao Phú Cường (vì đạo thơ) và bài Tôi đã từng đến biển của tác giả Hồ Thanh Ngân (vì đã đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội tháng 11-2012). Chín tác phẩm còn lại hiện đã được xếp thứ hạng và ban tổ chức dự kiến trao giải vào ngày 29-7.

Ông Nhuần cũng thông tin về ban giám khảo cả hai vòng sơ khảo và chung khảo của cuộc thi gồm năm người: nhà thơ Thu Nguyệt (trưởng ban giám khảo, TP.HCM), nhà thơ Trần Hữu Dũng (TP.HCM), nhà thơ Kim Ba (Bến Tre), nhà thơ Lưu Quốc Bình (Sóc Trăng) và nhà thơ Võ Quê (Huế).

* Thưa ông, nhiều ý kiến đặt vấn đề vì sao ban giám khảo cuộc thi lại được giấu kín khiến họ không biết ai để “chọn mặt gửi vàng”?

- Về vấn đề ban giám khảo, tôi thấy do các cuộc thi thơ ÐBSCL gần như cuộc thi nào cũng có chuyện này chuyện khác nên việc mời ban giám khảo hết sức khó khăn vì người ta “dội” hết. Còn việc không công bố ban giám khảo thì cũng có dư luận thế này thế khác. Lần trước cuộc thi ca khúc do Hội VHNT Sóc Trăng tổ chức cũng có người thắc mắc là có khuất tất gì không mà không công bố ban giám khảo. Kết quả sau đó Sóc Trăng đâu có giải nào nên các hội thấy việc không công bố ban giám khảo cũng hay, không ai biết để gửi đứa con tinh thần của mình, không xảy ra tình trạng “a lô” vì thân thiết, nể nang nhau... Nên lần này, ban tổ chức cũng quyết định giấu kín thành phần ban giám khảo ở cuộc thi thơ. Việc này chúng tôi có tham khảo ý kiến các hội VHNT của ÐBSCL. Các tỉnh đều khen việc không công bố ban giám khảo như vậy mới công bằng. Ngoài ra, cũng vì muốn cuộc thi được tổ chức tốt, chúng tôi gộp chung ban giám khảo cho hai vòng sơ khảo và chung khảo để hạn chế tình trạng “dìm” tác phẩm hay từ vòng loại.

* Nhưng theo ông, cuộc thi thơ ÐBSCL lần này chất lượng thế nào? Là người trong cuộc, ông có đề xuất gì để không xảy ra những vụ lùm xùm như vừa qua?

- Cuộc thi lần này có 531 bài dự thi của 162 tác giả, trong đó có những tỉnh thành có tới 50-70 tác phẩm dự thi như Ðồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Sóc Trăng. Có dư luận cho rằng sau các cuộc thi thơ lần trước, nhất là sau cuộc thi thơ lần 4, các nhà thơ chuyên nghiệp đều ngại tham gia cuộc thi thơ này. Vì vậy những bài dự thi lần 5 hầu hết là của những người làm thơ mới, trẻ. Qua chấm giải thì số lượng tác phẩm có điểm 1 rất nhiều. Từ đó, hội đồng giám khảo mới đánh giá là chất lượng thơ lần này thấp.

Riêng tôi cho rằng các hội VHNT cần họp lại để đánh giá, bổ sung những quy chế, quy định chung cần thiết cho việc tổ chức các cuộc thi và những quy định này có sự thống nhất cao của các hội VHNT ở ÐBSCL. Việc đưa ra quy định chung và nâng tính chuyên nghiệp lên là cần thiết để các cuộc thi được yên ổn hơn và để phát huy các tài năng của ÐBSCL.

Chấm giải cho tác phẩm in sách nhưng chưa phát hành

Theo ông Nhuần, đối với hai tác phẩm Tản mạn trưaPhía mùa cam bạc lá của tác giả Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) bị phát hiện đã in sách, chủ tịch Hội VHNT tỉnh Tiền Giang đã xác nhận hai bài này đã có in trong một tập thơ vào tháng 2-2013 nhưng chưa phát hành mà tác giả chỉ mới tặng vài người bạn thân. Ban tổ chức nhận thấy đây là nhà thơ trẻ, vì phong trào chung và vì tập thơ chưa phát hành nên có xem xét lại và quyết định không loại. Về ý kiến cho rằng cần “đôn” thêm tác phẩm vào vòng chung khảo để bù vào hai tác phẩm bị loại, ông Nhuần nói các bài này đều chưa đạt được điểm trung bình nên ban tổ chức chỉ thống nhất trao chín giải.

CHÍ QUỐC thực hiện
Theo Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây