Thông tin mới nhất về nữ nhà văn phương Nam này là tối 03/6/2011, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng – HN), Nguyễn Ngọc Tư giản dị quần jean áo thô lên nhận tặng thưởng cho cuốn "Cánh đồng bất tận" - trao thưởng tác phẩm văn học, ca khúc về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tôi có một niềm tự hào ngầm là một trong những người đầu tiên viết về cuốn "Ngọn đèn không tắt" của Tư. Hồi ấy, sau một cái trại chúng tôi cùng dự, có cả Vũ Hồng, Đặng Minh Châu,... về khoảng nửa năm chi đó (đúng ra thì khoảng hơn 2 năm - WSCL) thì Nguyễn Ngọc Tư gửi tặng tôi tập "Ngọn đèn không tắt". Tôi đọc và ngạc nhiên vô cùng. Cuốn sách khác hoàn toàn tôi nghĩ về Tư. Ở trại, Tư hiền lành, không có gì nổi bật. Nếu có chăng là ở... nước da, mà có người gọi đùa là than đước. Khi đọc "Ngọn đèn không tắt" tôi nhận ra một Nguyễn Ngọc Tư khác. Tài hoa, từng trải, đầy trách nhiệm, đau đáu thế thái nhân tình. Nhưng cái làm nên Nguyễn Ngọc Tư còn là ngôn ngữ. Nguyễn Ngọc Tư đã thiết lập cho riêng mình một hệ thống ngôn ngữ đặc chất Nam bộ nhưng không rị mọ ăn theo mà tung tẩy thăng hoa trong từng ngữ cảnh cụ thể.
Trẻ thế, nổi tiếng sớm, nên gặp tai nạn nghề nghề nghiệp là điều không tránh khỏi. "Cánh đồng bất tận" được bạn đọc khắp nơi tung hô, được các tổ chức, các tờ báo đánh giá rất cao, được giải thưởng, nhưng lại bị chính các trí thức ở quê hương mình phản ứng, có người còn quy kết rất nặng nhân danh tổ chức mà người ấy đứng đầu. Tất nhiên dù là một thứ dành cho con người cảm nhận bằng cảm tính, thì văn chương vẫn có những cái giới hạn chiêm ngưỡng của nó. Giá trị đích thực của văn chương không bị những phê phán vừa áp đặt lý tính, vừa sai lầm độc địa kia làm cho sai lệch. Nguyễn Ngọc Tư vẫn là Nguyễn Ngọc Tư của "Cánh đồng bất tận", vẫn là con dân của mảnh đất tận cùng Tổ quốc: Cà Mau, dù đã có những lời đồn là chị sẽ lại bỏ quê lên Sài Gòn sinh sống lập nghiệp như một số nhà văn thành danh khác ở miền Tây mà thôi.
Chị nổi tiếng lắm. Có năm tất cả các báo tết phía nam và bắc đều in truyện ngắn của chị. Coi việc in được truyện của chị là một niềm vinh dự, để tăng tira. Có những lúc không ngày nào trên mặt báo không có tên chị. Nổi tiếng thì hay gắn với... tai tiếng. Sau vụ một số lãnh đạo và trí thức Cà Mau tẩy chay "Cánh đồng bất tận" thì chị lại bị lôi vào một vụ "không đầu không cuối" với một đồng nghiệp ở phía bắc cũng từ "Cánh đồng bất tận". Hôm gặp nhau mới đây, tự nhiên giữa đám đông có người nhắc tới chuyện này. Chị im lặng rồi khéo léo chuyển sang chuyện khác. Lát sau chị nói nhỏ với tôi: mệt mỏi quá rồi, muốn im mà cũng không được. Tất cả những chuyện vừa qua đều... không phải từ em. Độc giả tinh lắm, họ sẽ biết điều gì đúng, điều gì sai. Em rất biết ơn độc giả, họ động viên em rất nhiều, âm thầm và lặng lẽ. Em viết là vì họ...
Tôi nhớ có đọc ở đâu đó rằng, Tư bảo may mắn nhất của Tư là... con trai và ông xã không đọc văn của chị. Nhiều người hay kể trên báo rằng, vợ (hoặc chồng) là người đầu tiên đọc và thẩm định, chia sẻ tác phẩm của mình. Có ông bảo, 2 giờ sáng, viết xong bài thơ, đánh thức vợ dậy, pha một ấm trà rồi trịnh trọng đọc cho vợ nghe lượt đầu tiên rồi nghe vợ chia sẻ động viên, thậm chí là... thưởng. Trên ti vi Việt Nam thì hay có đoạn bà vợ nửa đêm bê nước hoặc trái cây ra cho chồng và đắm đuối đứng nhìn chồng sáng tác... Tôi, thú thật là chả tin lắm, hay nói chính xác, là chỉ thấy trên báo và trong ti vi chuyện ấy. Nghiệm từ bản thân và một số bạn bè thân thiết cũng làm nghề viết lách, thì khi bài in ra rồi, cầm tờ báo về, cố tình mở ra trang có bài của mình, cố tình để tênh hênh ở chỗ dễ nhìn nhất, mà có khi còn không được chiếu cố liếc qua.
Hôm gặp nhau, Tư thông báo đang làm nhà, khoảng mấy trăm triệu gì đấy. Đã có một số tờ báo tả nhà Tư, chụp ảnh in kèm luôn. Đấy là một ngôi nhà nửa lộ nửa sông, chật chội, bàn viết của Tư kề ngay cạnh bàn làm việc của chồng. Chồng Tư làm thợ bạc, thế nên cái gọi là bàn làm việc sẽ có đèn khò, các loại chất hoá học như sút, a xít, có búa có đe... Ở Nam bộ, nhà quay được mặt ra sông cũng như nơi khác nhà mặt phố. Bởi toàn bộ hoạt động của người dân chủ yếu diến ra trên sông. Ở trên sông người ta buôn bán họp chợ mở tiệm. Ở trên sông người ta lái ca nô quay phải trái tiến lùi điệu nghệ như mấy cậu choai chạy xe máy lạng lách trên đường bộ... cho nên nhà mà quay được mặt ra sông thì kể cũng coi như... trúng lộc. Chả hiểu cái nghề thợ bạc của chồng Tư có làm ăn được gì khi nhà quay mặt ra sông không, chứ nghề của Tư dứt khoát là có. Bao nhiêu số phận, bao nhiêu cuộc đời nổi trôi trên ấy. Bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu bể dâu trên ấy. Bao nhiêu ý tưởng, bao nhiêu cốt truyện từ cái dáng ngồi hắt hẻo mỗi chiều nhìn ra sông ấy. Cũng như sông Hương với Huế, con sông Gành Hào chia đôi thành phố Cà Mau. Nó hơn Sông Hương còn là bởi nó đưa chúng ta đến Đất Mũi lịch sử, nơi ai cũng một lần trong đời mong ước được đến. Tôi đã một lần đến nơi tận cùng ấy, ấp Rạch Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển ấy trên một chuyến tàu xuất phát từ bến tàu thành phố Cà Mau, nhậu một cuộc hoành tráng ở ngay cái nhà hàng nhô ra ở điểm xa nhất trên bản đồ Tổ quốc, có đọc thơ và ca cải lương, có cãi nhau xem tại sao "Tổ Quốc ta như một con tàu" mà lại "Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau?"...
Hồi đi dự cái trại mà tôi kể ở trên, hình như Tư mới 18 tuổi (đúng ra là 22 tuổi - WSCL), lần đầu tiên ra Hà Nội. Từ Cà Mau ra Hà Nội hồi ấy là phải một ngày xe đò Cà Mau - Thành phố Hồ Chí Minh, rồi 3 ngày tàu Thống Nhất ra Hà Nội. Cái trại ấy đầy các ông già và các vị sồn sồn, nên Tư trở thành "mì chính cánh". Rỗi rãi, chị thuê riêng một anh xe ôm chở đi lang thang Hà Nội, nhưng điểm mà anh xe ôm hay thả chị xuống nhất là bờ hồ. Cứ tha thẩn ở đấy, đến giờ hẹn thì anh xe ôm kia đến đón về. Điều ngạc nhiên là anh xe ôm kia chỉ lấy tiền có vài ba lần đầu, còn sau đấy thì trở thành một lái xe riêng không tốn một xu nào. Chính Tư cũng ngạc nhiên, vì chị không chơi với anh ta, chỉ khi nào đi thì xuống lầu, ra ngõ, leo lên xe và đi... Có một hôm tôi đi xe của tay này, hắn hỏi bác là nhà văn phải không? Tôi hỏi sao ông biết? Hắn bảo các bác gần hai chục nhà văn được nhốt vào cái trường phụ nữ kia để viết văn. Em là em rất thích đọc truyện, vì thế em rất quý các nhà văn. Được chở các bác là em vinh dự tự hào rồi. Nhưng em nghĩ nhà văn phải khác kia, chứ hôm nào cũng ăn cơm bụi như tụi em, đi xe ôm ra bờ hồ rồi về thì... câu cuối hắn nói bạt trong gió, nhưng tôi ngờ ngợ hình như hắn nói đến Nguyễn Ngọc Tư. Rồi thỉnh thoảng lại thấy cô bé ra bưu điện Láng Trung chờ xếp hàng đăng ký để gọi điện thoại cho một tay thợ vàng thợ bạc nào đó trong Cà Mau giờ là chồng Tư và là bố của cậu con trai mũm mĩm mà đi đâu Tư cũng giở ảnh ra khoe... Sau cái trại ấy một thời gian thì Tư có "Ngọn đèn không tắt", mỏng dính tuốt tuồn tuột từ bìa đến ruột là 90 trang chữ thưa rểnh thưa rảng in 6 cái truyện của Tư và một bài của nhà văn gạo cội Nguyễn Quang Sáng. Tư gửi tặng tôi từ Cà Mau. Và trong vòng hai tiếng đồng hồ tôi đọc gọn ghẽ cuốn sách, càng đọc càng ngạc nhiên. Hay và lạ. Cái giọng văn tưng tửng của một cô bé chưa qua tuổi hai mươi, mà lại toàn nói về những chuyện nghiêm trọng như truyền thống, đạo đức, lý tưởng... nói một cách hấp dẫn, lôi người đọc vào hẳn một vùng vô cùng sáng trong đẹp đẽ và gọn ghẽ. Tất cả cuộc đời rối rắm mịt mù vào văn Tư đều sáng trong và nhân hậu. Chị có lối vào truyện rất đơn giản và đầy tự tin. Một vài ví dụ: "Bấc về. Như thể trong đời này chỉ còn gió. Gió lạnh căm căm mà khô nẻ môi người ta. Da tôi mốc cời. Tàu chạy lừ lừ dọc theo dòng sông, những quãng không có nhà, sậy mọc thành. Những bông sậy chín mềm, trắng phau phau. Đã nhiều bông lìa cành, trùng trình bay. Nước mặn rin rít da. Nghe gió này là mùa cưới đến". (truyện Lý con sáo sang sông). "Người ta gửi tới nhà Tư Lai một lá thơ. Thơ đề "Kính gửi ông Hai Tương". Cả nhà bối rối không ít". (truyện Ngọn đèn không tắt). "Chỗ đất đó người ta tính xây một ngôi nhà truyền thống. Trước khi xây, cỏ chỉ với cỏ ống kéo lại mọc cho xanh chơi". (Cỏ xanh). "Cái sân trước không có ai, lá bạch đàn khô se sẽ đậu trên băng đá. Nhà trên cũng không có ai"... Các câu thoại cũng thế. Đầy bất ngờ và lý thú, đậm đặc bản sắc Nam bộ. Đậm đặc đến mức dẫu chưa một lần tới Nam bộ cũng thấy rõ nó hiện ra mồn một khi đọc văn Nguyễn Ngọc Tư. Chất Nam bộ ấy ẩn chứa trong tâm hồn của những con người sống ở nơi tận cùng của Tổ quốc, phóng khoáng và nhân hậu, thẳng thắn trung thực, hết mình trong đời sống... Số phận cột họ vào mảnh đất này và họ sống chết với nó một cách dung dị cương trực. Nguyễn Ngọc Tư lột tả tất cả những điều ấy một cách tự nhiên, tài hoa đến độ tự nhiên, như không thể khác. Nói cách khác, truyện của Tư đầy không khí... truyện. Chứ sao. Đọc nhiều truyện ngắn trẻ bây giờ chả thấy truyện đâu, chỉ toàn thấy tác giả ngồi chồm hỗm trong nhà than thân trách phận hoặc suy nghĩ vẩn vơ rối rắm rồi phát ngôn toàn giọng triết gia, kéo cả thế hệ vào cái già trước tuổi. Lôi toàn bộ đời sống cũng như hoạt động của con người vào một thế giới căng cứng thị thành.
Cho đến bây giờ, nếu so sánh thì tôi vẫn thích những truyện ngắn thời kỳ đầu của Tư hơn. Nó trong trẻo và hồn nhiên, và nhân hậu vị tha. Truyện dài "Cánh đồng bất tận" cho ta thấy một Nguyễn Ngọc Tư khác, từng trải, đau dớn, xót xa... một Nguyễn Ngọc Tư tài hoa và chín chắn, tài hoa khốc liệt. Nhưng tôi thích cái tài hoa trong trẻo kia hơn. Tất nhiên đấy là cái ý thích quái gở của một bạn đọc bình thường là tôi, còn làm sao mà lại bắt nhà văn đứng yên được. Cuộc sống biến chuyển, nhân vật biến đổi, thời gian trôi, không gian mở ra nhiều chiều..., thì làm sao bắt nhà văn đứng yên được. Tư hay viết về đời sống nghệ sĩ, những người nghệ sĩ một thời ngang dọc toả sáng lung linh trên sân khấu, bắt khán giả phải hỉ nộ ái ố và ước mơ, giờ về già, lặng lẽ, nhưng vẫn thăm thẳm đắm đuối tình yêu với người, với nghề... Nghề viết văn khác với nghệ sĩ ở cái lộng lẫy hào nhoáng bề nổi, nhưng còn tình yêu với người, với nghề, với mảnh đất mình đã trưởng thành chắc là chả khác nhau.
Tác giả: Văn Công Hùng
Nguồn tin: VanVN
Ý kiến bạn đọc