Trần Quốc Toàn lội bộ “nhặt” văn

Thứ sáu - 04/06/2010 10:41 2.055 0

Nhà văn Trần Quốc Toàn (phải) và nhà văn Trần Hoài Dương - Ảnh: phongdiep.net

Nhà văn Trần Quốc Toàn (phải) và nhà văn Trần Hoài Dương - Ảnh: phongdiep.net
Người ta khen ngợi Trần Quốc Toàn “chuyên trị” thơ và truyện cho thiếu nhi với chất liệu tuổi thơ rất dồi dào trong tác phẩm của mình. Ít ai biết, ấy là nhờ suốt thời kỳ đi học từ cấp 1 đến cấp 3, ông chỉ toàn lội bộ đến trường, đến nỗi sau này khi đã là nhà văn, ông tự nhận mình đã “đi thực tế sáng tác suốt tuổi thơ trong thành phố của mình”.

Ông kể: “Tôi học lớp 1 ở trường Phan Chu Trinh tọa lạc trên đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Thời ấy Hà Nội còn xe điện. Mẹ tôi chỉ một lần đưa tôi đến trường, đó là vào ngày khai giảng. Khi đến cổng, bà dặn “Tan học con về nhà một mình. Cứ men theo hai đường tàu điện mà về.” Thế là suốt thời cắp sách, tôi chẳng được đưa đón gì cả mà cứ tự đi tự về, từ cấp 1 qua cấp 2 rồi cấp 3, mà chỉ toàn là lội bộ.

Một đoạn thơ ngắn ghi lại thời kỳ đáng nhớ đó: 

Lang thang tuổi khăn đỏ
Nghe hát xẩm hồ Gươm
Con rùa thần vươn cổ
Tàu điện leng keng chuông
Mưa phùn theo gió bấc
Tạt xuống nghe bên đường

Chỗ “mưa phùn gió bấc” ấy, giữa đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu, cậu bé Toàn thường thấy có một đôi vợ chồng già hát xẩm với hồ và nhị ngân nga, lại thấy ông nhà văn Nguyễn Dậu loay hoay với cái hòm thợ cạo, và thấy anh Lê mù mắt ngồi buồn rầu bên thùng sáo trúc. Vì cứ đi và về hằng ngày nên quen biết, Toàn được anh Lê nhận làm “đệ tử” dạy thổi sáo, dạy ngay trong nhà bia Alexandre de Rhodes, không lấy học phí, chỉ nhờ Toàn buổi trưa dẫn anh đi ra phố Cầu Gỗ ăn cơm bà cả Kề, chiều tối dẫn anh lên tàu điện để anh về Cầu Giấy.

 Nhưng đi bộ trong thành phố có “thực tế” khác với đi bộ ở vùng ngoại ô. “Làm như” muốn tạo điều kiện cho nhà văn tương lai có thêm nhiều chất liệu để sau này viết lách, chiến tranh đã khiến cậu học trò thành thị phải sơ tán về quê ngoại để trở thành anh học sinh nông thôn. Hồi ấy, cứ 4 giờ sáng, ông thức dậy ăn cơm nguội rồi băng qua cánh đồng làng Ngòi, làng Vạng, lên bờ mương Đan Hoài đi miết sang Phùng, tới trường cấp 3 Đan Phượng. Buổi sáng mùa hè, trời nóng, ông cởi áo quần nhét vào cặp, chạy việt dã.  Nhưng, còn tờ mờ đất, một thanh niên tóc xoăn, đeo kính trắng, mặc quần đùi, cắp cặp chạy như ma đuổi thì cũng đáng nghi lắm, có thể là biệt kích, thám báo vừa nhảy dù xuống! Chính vì thế, có lần đang chạy thì ông bị một cô dân quân rượt theo, gí súng, giải lên công an huyện. Cũng may, trường huyện ngày ấy đã được mắc điện thoại, công an điện hỏi xác minh, thế rồi thả.

Đấy là chuyện buổi sáng, còn buổi trưa về thì khổ hơn, vì nắng lắm. Nhưng cái khó ló cái khôn. Để chống nắng, ông chỉ còn biết vừa đi vừa học cho quên nực nội. Hôm nào mượn được cuốn truyện hay nhưng phải trả gấp thì vừa đi vừa đọc. “Tôi đã đọc Một anh hùng thời đại của Lermontov, Người con gái viên đại úy của Puskin… dọc theo dòng nông giang Đan Hoài quê tôi qua những buổi đi bộ như thế đó”, ông kể.

   Thế đó, những cuộc lội bộ rã cẳng từ trong 36 phố phường nội ô cho đến dọc ngang những cánh đồng, bờ mương ở ngoại ô của Hà Nội đã giúp Trần Quốc Toàn “thẩm thấu” nhiều sự việc, con người… và học giỏi, đọc nhiều ngay từ thời niên thiếu để sau này ông trở thành một nhà văn - nhà thơ được thiếu nhi yêu mến, như chính ông từng mến yêu những “góc tuổi thơ” mình đã trải ngày xưa.

Đoàn Vị Thượng
Theo Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây