Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://thotre.com


Chiếc mũ 'phớt'

Bà lón thón bước tới, bà cau mày, bà mở to mắt: “Chiếc mũ phớt' rách ư? Nó ở đâu nhỉ?”. Mắt bà láo liêng ngó bốn phương tám hướng. Bà không trông thấy chiếc “phớt” rách ở đâu cả.

Có một hôm, cũng lâu (bao lâu cũng được), chú Ba Bộng cơm nóng giắt lưng, đi Hòn Đắng hái củi. Hòn Đắng cũng gần thôi.

Hoàng hôn vừa buông, chú Ba Bộng kĩu kịt gánh củi trên vai, bon chân về nhà.

Trong ánh hoàng hôn nhá nhem, cảnh vật bỗng dưng kỳ lạ. Có những bụi lau bỗng lớn đùng, phe phẩy như đuôi trâu. Đoạn dây thừng hóa thành con rắn. Cồn mối như ông Ba Bị (Cọp) ngồi rình... Trong tình trạng ánh sáng như thế, thị giác con người mặc sức chạy rong. Rõ ràng là… người ta muốn thấy thứ gì tuỳ thích!

Đúng thời điểm kỳ lạ này, chú Ba Bộng bỗng thấy chiếc mũ “phớt” của ai làm rớt dọc đường.

Mũ “phớt” là loại mũ quê tôi rất chuộng. Thậm chí, có người cứ đêm xuống là nằm chiêm bao thấy mình đội trên đầu! Mũ “phớt”, đó là một loại mũ nỉ có vành được hấp khá cứng. Đầu mũ có nếp gập lõm tam giác, chỉ cần kẹp nhẹ hai ngón tay vào đấy, là có thể nhấc chiếc mũ lên đội đầu. Cử chỉ này trông lịch duyệt vô song. Phụ nữ có thể chết mê, chết mệt.

Lúc này, cho dù đói rã ruột như chuột nhà thờ, chú Ba Bộng vẫn săn chân tiến tới.

Dừng chân trước chiếc mũ “phớt”, chú hạ gánh củi xuống, xoa xoa hai tay, hoan hỉ, lẩm bẩm: “Ngày mai, mình có thể đội nó dự tiệc cưới được đây!”.

Chú vội nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, xoa xoa. Cử chỉ xoa xoa hai lòng bàn tay là một thói quen trọng đại, trước khi cầm nắm một vật gì trọng đại.

Chú mỉm cười, chú thò tay nhặt chiếc mũ.

Đột ngột, chú nhíu mày, môi giật giật: “Ôi, chiếc mũ lỏng phèo!” Chú Ba Bộng vội đưa tay lên ngửi. Chú hắt hơi, chú nhăn mặt, chú chửi thề: “Mẹ kiếp! Bãi cứt trâu mới ra lò nóng hổi!”

Chú rảy tay lia lịa, tay chú đã cắm sâu vào cái mũ khốn kiếp. Chú tìm bụi cỏ để chùi tay, thì... đột ngột chú Ba Bộng thấy đằng sau có con người đi tới...

Chú Ba Bộng vội nhấc gánh củi lên vai, chú lớn tiếng: “Mẹ kiếp! Tưởng chiếc mũ “phớt” lành, hóa ra chiếc mũ “phớt” rách!”.

Dứt lời, chú kĩu kịt gánh củi, sải chân chạy biến...

Người đi phía sau chú Ba Bộng là lão Trại. Thật kỳ lạ, lão Trại cũng là tín đồ của mũ “phớt”.

Lão Trại nhíu mày nhìn quanh quất: “Mũ phớt ư? “Phớt” thì lành, rách gì cũng là “phớt”, chả lẽ là nón quai thao?”.

Số là, vào giờ chạng vạng này, lão Trại quảy ống trúm nhử lươn.

Quê tôi, người ta chặt tre từng đoạn khoảng một mét, thông mắt ngăn, bện “toi” tra vào miệng trúm, bên trong toi, họ đựng giun chết, rồi dìm đoạn tre ấy xuống nước. Thế là giun bay mùi, lươn tự động chui vào, lãnh bản án xử trảm! Việc cứ giỡn thế mà nhiều tiền đấy! Lươn của lão Trại cứ phơi trên đĩa nhà hàng, nằm khoanh tròn trong các “lẩu” quán... Người ta khoái lươn vì lươn chủ trị suy thận, đau lưng!

Lúc này, lão Trại đang đứng trước chiếc mũ “phớt”. Lão thả trí tưởng tượng chạy rong: Rằng lão đang mặc áo bà ba vải trắng, cổ bâu, nút thắt con bọ, chân mang dép Lào xanh lá mạ, khăn rằn vắt vai, và... trên đầu chễm chệ chiếc mũ “phớt”! Chiếc mũ “phớt” đã được lão đội trên đầu mình rồi, cho dù lão chưa nhặt!

Lão Trại hoan hỉ thò tay. Lão nhíu mày: “Quái! Cái 'phớt' lỏng à?”. Lão đưa tay lên ngửi: “Cha mẹ ơi! Cái “phớt” chết tiệt!”.

Rất đột ngột, như có giác quan thứ sáu, lão Trại quay lại phía sau: “Ồ, à, lại có loài người đi tới”.

Lão thở phào, quảy gánh ống “trúm” lên vai, thả tiếng nói bay theo gió bốn phương: “Tưởng thằng đi trước nói giỡn. Đúng là cái mũ “phớt” rách thật!”.

Thốt xong, lão bon chân sải biến trong đêm…

Loài người mà lão Trại vừa nói ban nãy, đó là bà Còm, người xóm Cua.

Bà lón thón bước tới, bà cau mày, bà mở to mắt: “Chiếc mũ phớt' rách ư? Nó ở đâu nhỉ?”. Mắt bà láo liêng ngó bốn phương tám hướng. Bà không trông thấy chiếc “phớt” rách ở đâu cả.

Bà vội nhìn lên trời, bà vội nhìn xuống đất. Bà căng mắt, bà mỉm cười: “Thì chiếc 'phớt' nằm đây, chứ đâu!”.

Trước mắt bà, hình ảnh chiếc mũ “phớt” rất to. Bà xoa tay lẩm bẩm: “Thế mới vừa cái đầu 'quá cỡ thợ mộc' của ông nhà tôi!” Lập tức, bà thò tay nhặt. Bà dừng tay lại, bà nghiêng đầu nghe ngóng. Bà nhíu mày: “Quái lạ! Mũ miện gì thế này?!”. Bà cũng lại đưa tay lên ngửi.

Xin phép quý độc giả, có một chân lý như thế này: “Đông người nhưng ít cử chỉ.” Quả vậy, con người có đến 6 tỷ, đến 7 tỷ, nhưng cử chỉ thì một triệu là cùng. Thế nên, cử chỉ “đưa tay lên mũi ngửi!” là một cử chỉ khuôn mẫu cho đông người xài chung.

Lại nói tiếp bà Còm. Sau khi dùng "cử chỉ khuôn mẫu” ấy, bà ách xì liên hồi, mũi khịt khịt hơi ra, bà nôn oẹ. Ừ, chiếc mũ “phớt” càng còn hơi tay, càng dễ bị nôn oẹ.

Bà này cũng có giác quan thứ sáu. Bà vội nhìn ra đằng sau, mặc dù bà đang mửa thốc tháo. Lại cũng có con người đi tới. Giờ chạng vạng, hình như con người đi nhiều hơn con vật.

Bà liền chửi toáng lên: “Thằng chó chết. Cái mũ 'phớt' rách mà nó dám bảo lành”.

 Chửi xong, tay cứ chích lên Trời, bà chạy biến như bị ma đuổi!...


Hẳn quý độc giả thừa biết rằng, thế nào cũng có người lại nhặt chiếc mũ “phớt” cho mà xem. Một trăm phần trăm, thế nào cũng vướng.


Để kết luận, thì phải nói về cái kết luận.

Có nhiều lối kết luận, vì kết luận có thể muôn màu muôn vẻ, thiên hình vạn trạng. Nhưng tất cả những lối kết luận ấy là láo.

Lối kết luận chân chính, phải là lối kết luận hiện trường. Và đây, là lối kết luận hiện trường:

Sáng ra, chú Ba Bộng cố tình dậy sớm. Dậy sớm để đi kiểm tra chiếc mũ “phớt”.

Đây là quy luật tâm lý ngành tội phạm học: Mình gây tai nạn cho người khác, thế nào cũng lò mò tới chỗ xảy ra tai nạn để xem thử! Và cái quy luật chết tiệt ấy đã chi phối chú Ba Bộng.

Đúng chiếc mũ “phớt” của đêm rồi, chú Ba Bộng sửng sốt: “Lạ thật! Nó chỉ còn... cái vành!”.

Tác giả: Ngô Phan Lưu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây