Phim truyền hình sao lắm “thần” đến thế?
- Thứ hai - 03/08/2009 10:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Cảnh trong phim Thiên thần áo trắng
“Thần” nhưng “không thần”
Đang lúc viết kịch bản Hương rừng (khoảng 60 tập) về đời sống của người dân vùng Tây Nguyên, như là một cách nhìn khác về địa phương tính, đạo diễn Võ Tấn Bình, người đã rất thành công với phimHương phù sa (29 tập), về miền Tây sông nước bỗng nhận lời của Hãng phim Chánh Phương để làmThiên sứ lông bông (50 tập), một kịch bản không do anh viết, kể về rất nhiều câu chuyện trong đời sống hiện tại, chen lẫn giữa bi hài và các chuyện sân si trong cả 2 cõi, âm và dương.
Có thể nói, trong các loạt phim truyền hình về các “thần” của phim Việt năm nay, Võ Tấn Bình là người khai cuộc, và phim này cũng khởi đầu cho một chút quan hệ hữu cơ với chuyện tâm linh, khi có mối dây liên hệ với cõi âm. Phim dự kiến sẽ phát sóng vào cuối tháng 8/2009; đến nay đã làm hậu kỳ xong khoảng 35 tập, 10 tập cuối đang quay. Phim có sự tham gia của Huyền Trâm (vai Trang), Trung Dũng (Phong), Đinh Ngọc Diệp (Lệ Lý), Nhật Trung (Hoan), Trọng Hải (ông Vũ), Cát Phượng (bà Thủy) và Nhật Cường (má mì)...
Tiếp theo là Thiên thần áo trắng (40 tập) của Lê Hoàng, làm với Hãng phim Việt và BHD, bấm máy vào đầu tháng 4/2009, và dự kiến phát sóng vào cuối tháng 10/2009 trên HTV9 và HVTV (Hà Nội). Những “thiên thần áo trắng” trong phim này là các cô cậu học sinh lớp 12A mặc áo hồng đậm. Đây là một lớp học vui nhộn, quậy quọ, dân chủ và cũng là ước mơ của những học sinh vừa ham chơi, nhưng cũng vừa ham học. Lớp học mơ ước này thuộc trường tư thục do Phi Thanh Vân làm hiệu trưởng, và NSƯT Mỹ Duyên chủ nhiệm, với mấy chục diễn viên tuổi teen. Phim này, xét về tinh thần phá cách của kịch bản, cũng có vài nét tương đồng với 12A-4H của Bùi Thạc Chuyên trước đây.
Cũng về “thần”, nhưng phim Thiên thần xui xẻo (50 tập) của đạo diễn Mỹ Khanh và Hãng TFS sẽ có thần xuất hiện thật sự, một kiểu tiếp nối về hình tượng bụt trong dân gian, một viễn tượng do các học sinh “vẽ” ra. Nhưng thần trong phim này chỉ toàn tạo ra những chuyện xui xẻo, rắc rối. Phim dự kiến bấm máy vào đầu tháng 9/2009, với dàn diễn viên gồm 20 học sinh, có hình thể đặc biệt, 20 thầy cô và 30 phụ huynh.
Vẫn “ăn theo thuở ở theo thời”
Có ý kiến cho rằng sau 2 phim chiếu Tết của Nguyễn Quang Dũng là Nụ hôn thần chết và Giải cứu thần chếtthì thị trường phim Việt (mà cụ thể là các nhà sản xuất phim truyền hình) cũng ít nhiều bị hấp lực bởi doanh thu của các “thần”(?). Đây có phải là lý do để có sự “nở rộ” các tựa phim có tính cách khơi gợi về các “thần” như ở trên không, người viết không dám khẳng định, nhưng thực tế thì đã có các phim như vậy. Các tên phim này rõ ràng cũng “gợi ý” cho chúng ta thấy phần nào về nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay.

Liệu có phải "Nụ hôn thần chết" đã gợi cảm hứng cho các phim truyền hình
khi theo đuổi đề tài "thần?
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận rộng hơn một chút, thì riêng ở thể loại phim truyền hình Việt, các nhà sản xuất, người viết kịch bản và các đạo diễn cũng hay “ăn theo thuở ở theo thời” lắm. Trong bài viết ngắn này, không đủ dung lượng để kể hết các “chủ đề chính” của phim truyền hình từ khoảng 1990 đến nay, nhưng cho thấy có lúc chúng ta xoáy sâu vào đồng tiền và các hệ hụy của nó; có lúc xoáy vào thời trang, xe cộ; có lúc xoáy vào chuyện bệnh tật, bác sĩ...
Trong 4 phim về các “thần” năm nay và có lẽ chưa dừng lại vì đang còn một vài dự án đang rục rịch, chỉ có 2 phim về “thiên thần” là các học sinh, thì khó mà khẳng định đây là xu hướng làm phim học đường. Nhưng nếu xét chuyện “ăn theo thuở” lúc này, thì phim về học đường nở ra khá nhiều, như Bộ tứ 10A8 (khoảng 260 tập) của đạo diễn Hoàng Điệp, độ dài khoảng 7 - 8 phút/ tập, là các tình huống ngắn về tuổi teen, trong đó có khá nhiều câu chuyện học đường. Rồi các phim như Siêu mẫu xì-trum, Nhất quỷ nhì ma, Gia đình phép thuật và vai phim khác trong giai đoạn chuẩn bị, cũng đủ thấy “thần” của phim truyền hình Việt hiện nay ưu ái khá nhiều với tuổi teen, với không khí học đường.