Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://thotre.com


Gặp lại "thi sĩ xe ôm"

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ thời chạy xe ôm.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ thời chạy xe ôm.

Vóc người vâm váp, nước da màu củi cháy cạnh, chiếc Dream Tàu cóc cáy, đôi mắt luôn luôn mơ màng dán vào cuốn thơ nhưng sẽ vụt đảo như bi khi bỗng thấy có khách thấp thoáng xa xa. Cò kè ngã giá một hồi, gã "kị sĩ xe thồ" sẽ ra roi khiến "con nghẽo già" rên lên những tiếng nhọc nhằn trước khi cõng khách ngược những con dốc dài đứt hơi phố núi. Đó là hình ảnh quen thuộc của nhà thơ Tạ Văn Sỹ. Quen đến nỗi về Kon Tum lần này, không thấy cảnh ấy tôi bỗng thấy... nao nao!
 

Mỗi khi về tôi thường nhậu với anh em văn nghệ Kon Tum. Và Tạ Văn Sỹ bao giờ cũng là người sốt sắng có mặt đầu tiên. Vậy mà lần này gọi mãi mới thấy một tiếng thầm thào bắt máy: "Mình đang ngồi cạnh sếp… Sếp đang giao việc… Mình sẽ đến sau…".

Đúng giọng công chức, khiêm tốn đến tội nghiệp, khác xa với cái giọng thường thấy của gã nhà thơ hoang dã. Sao lại có sự đột biến thế nhỉ? Kể từ ngày mấy bài thơ đăng báo bị chụp mũ suy diễn thô thiển, thầy giáo trẻ Tạ Văn Sỹ đã quyết định bỏ nghề không thương tiếc. Rồi đã mấy lần gã nhà thơ phố núi được nhận vào làm việc ở một cơ quan nào đấy, nhưng chỉ được mấy bữa lại bị văng ra cũng bởi cái tính ngang tàng. Chả nhẽ về già "con ngựa bất kham" này đã chịu cho ai đó cưỡi?

Đúng 7h tối Tạ Văn Sỹ mới ghé chỗ hẹn. Vẫn "con nghẽo già" ọc ạch. Vẫn vẻ mặt ngầu ngầu. Vẫn bộ áo quần bụi bặm xuềnh xoàng. Vẫn bàn chân thô tháp xỏ trong đôi dép lê mốc thếch… Trang phục thì rất "phu hồ", vậy mà trên vai lại khoác một chiếc cặp da rất sang, sang đến độ… khả nghi. Bộ dạng này mà đi ngoài phố đêm Hà Nội thì dễ bị cảnh sát cơ động hỏi thăm lắm.

Tạ Văn Sỹ giơ bàn tay đen đúa ra bắt và thanh minh cho sự chậm trễ: "Mình phải nhờ mãi mới có người trực giúp để đến đây đấy. Nhưng đến 10 giờ đêm là phải về".

Ực một ly đế, nhón một miếng xoài xanh nhai tóp tép, châm một điếu thuốc Eagle phả khói mơ màng, Tạ Văn Sỹ bắt đầu… cười. Bao giờ Tạ Văn Sỹ cũng mở màn tâm sự bằng điệu cười hì hị rất dễ thương như thế.

Hóa ra cái điều tôi ngờ ngợ đã là sự thật.

Sau hơn chục năm tung hoành gió bụi dọc ngang khắp các nẻo đường, "kị sĩ xe thồ" vẫn chưa có dấu hiệu chồn chân mỏi gối. Thế nhưng một đêm, chàng rể quý là một chủ thầu xây dựng bỗng rụt rè đề nghị: "Ba ơi, tuổi ba đã già, mắt ba đã kém, cái xe của ba cũng tã tượi lắm rồi, ba hành nghề xe thồ nữa thì nguy hiểm lắm. Nên con muốn mời ba làm việc cho con. Con sẽ trả ba mỗi tháng lương 3 triệu…".

Mới nghe thế, máu kẻ sĩ trong người nhà thơ đã nóng vọt lên 100 độ. Còn lâu nhé! Đây chưa già nhé, mới có… 55 tuổi thôi nhé. "Con thiết mã" của tôi cũng mới có… 12 tuổi thôi nhé. 12 tuổi vẫn chạy tốt! Vừa rồi tôi còn cưỡi nó ra Hà Nội dự Đại hội Nhà văn Việt Nam nữa đấy, đừng có mà coi thường!

Đoán trước được sự tình, ái nữ của nhà thơ thẽ thọt: "Nhà con nói thế là vì thương ba, muốn ba có thời gian để nghỉ ngơi. Chúng con sẽ sắm cho ba một con laptop đời mới, mua cho ba một quả USB 3G để ba online. Hàng ngày ba chỉ cần tới công trường và ngồi… làm thơ thôi!". 

Kể đến đây nhà thơ lại cười hị hị: "Đành rằng làm bảo vệ công trình thì… sang hơn chạy xe ôm. Nhưng làm bảo vệ cho con, lý tình lẫn lộn, khó lắm. Được cái thằng rể mình là đứa rạch ròi. Nó giao kèo trước: Về gia đình, con là con của ba. Nhưng trong công việc, ba là quân của con. Mà đã là quân thì phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên, làm việc có quy chế khen thưởng, kỉ luật nghiêm minh. Thấy điều kiện cũng nhẹ nhàng, mình OK. Ngày xưa mình viết bài thơ "Làm ngựa cho con", là viết cho thằng con trai lúc nó ba tuổi, không ngờ nó lại đúng với cả con rể: "Với đời ba trật đường đua/ Với con - yên chí, ba chưa mỏi chồn/ Tóc ba, con giật làm bờm"… Đúng là thằng con rể nó giật tới đứt… "bờm" mình thật. Nó nhận thầu cùng lúc ba bốn công trình nên mình cứ phải "phi" vòng quanh tít mù, hết Ya Chim tới Đắk Ruồng lại về Đắk Na… Được cái công việc nhẹ nhàng, chỉ là trông vật liệu xây dựng cho nó thôi, nên có thời gian vào mạng suốt ngày".

Nhà thơ xoa xoa vào chiếc cặp da khoe: "Mình mày mò tự lập được blog rồi nhé. Đông khách truy cập lắm!".

Tôi quá choáng bởi mới mấy tháng trước, thấy nick của Tạ Văn Sỹ trong gmail sáng đèn, tôi nhảy vào chào nhưng nhà thơ không đáp lại, đợi mãi mới thấy ông nhắn tin qua… điện thoại di động: "Minh thay Thuy chao nhung khong biet go tra loi cho nao?" (Mình thấy Thụy chào nhưng không biết gõ trả lời chỗ nào?). Vậy mà bây giờ ông đã biết dùng những thiết bị công nghệ tối tân để làm cư dân mạng, quả là một cuộc "đại nhảy vọt"!

Dưới con mắt của mấy chú thợ xây thì "ông gác công trường" quả là một dị nhân, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ mà gi gỉ gì gi cái gì ông cũng biết. Ông biết mở cái "máy chữ chạy pin" gõ cồng cộc một hồi được một đống chữ rồi nhấp chuột gửi véo… lên giời, vậy mà ngày hôm sau đã thấy bài viết ấy chễm trệ trên báo trung ương, thật là kinh dị! Thi thoảng lại thấy "ông gác công trường" được các nhà thơ Hữu Thỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đoàn Thị Lam Luyến… toàn những nhà thơ khét tiếng gọi điện hỏi han thì họ lại càng nể tợn. Chuyện! Bố vợ chủ thầu cơ mà, khà khà…

Vừa uống vừa kể. Vừa kể vừa cười. Hóa ra cái nghề xe ôm cũng hay! Mình đi nhiều, gặp nhiều, chuyện đời nó cứ thấm vào mình hồi nào không hay. Có mấy tờ báo ngoài Hà Nội đặt mình viết về văn hóa Tây Nguyên, từ cây kơnia, mái nhà rông cho đến các phong tục tập quán của đồng bào... Tháng túc tắc gõ vài bài là có tiền tiêu rủng rẻng…

Tôi phụ họa: "Thì bác đã viết "Hồn tôi như địa chất/ Tầng tầng trầm tích xưa/ Suốt đời tôi khai quật/ Tìm nỗi buồn ban sơ" là gì. Bây giờ bác cứ ngồi một chỗ "khai quật kí ức" lên mà xài thôi".

Nghe tôi nói thế, Tạ Văn Sỹ bỗng giật mình nhớ ra mình là… nhà thơ! Ông khoe:

- Mình sắp in tập thơ thứ 4. Ba tập trước là "Trời xa", "Mặt đất", "Cõi người", THIÊN - ĐỊA - NHÂN đủ rồi, tập này đặt là "Tuỳ khúc", gồm những cảm nghiệm về cuộc đời. Mình đọc thử Thụy nghe mấy khúc viết theo kiểu Raxun Gamzatôp nhé:

“Đề ở đôi dép
Đi khắp bốn phương trời
Bàn chân lầm cát bụi
Đuổi theo mãi bóng đời
Đường dài còn lầm lụi".

- “Thơ bác vẫn hay!" - Tôi khen.

Tạ Văn Sỹ hỉ hả:

- Cho mình đọc thêm khúc nữa. Khúc này mình viết để khắc vào… bia mộ mình.

“Đề ở bia mộ:

Họ tên: Tạ Văn Sỹ
Sinh một chín năm lăm
Xong một đời vô vị
Nằm ngẫm chuyện ngàn năm".

Tôi cười kha kha kha! Bác còn lâu mới chết nên bài thơ này sợ sẽ lạc hậu đấy. Tạ Văn Sỹ sững lại rồi ngồi trầm ngâm: "Ừ nhỉ, biết đâu đấy. Thôi, thế thì cho mình đọc thêm bài này nữa nhé!...".

Biết ông bắt đầu "thăng", tôi nhắc 10h rồi đấy. Tạ Văn Sỹ trợn mắt: "10h thì sao?". Tôi bảo, thôi, bác về gác công trường đi. Tạ Văn Sỹ nạt lớn: "Tui mà phải đi gác công trường à? Bữa nay chơi xả láng, sáng về sớm!".

Nhưng… "câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng". Điện thoại của nhà thơ réo như còi xe cứu hỏa. Tiếng chàng rể quý của nhà thơ lạnh lùng thông báo: "Kẻ trộm vừa đột nhập công trường lấy đi một cuộn thép phi 14. Ba làm sao thì làm, sáng mai phải có đủ vật liệu cho thợ thi công!".

Nhà thơ buông máy ngồi nghệt ra mất mấy phút rồi lật đật phóng xe đi.

Mãi tới 12h đêm, Tạ Văn Sỹ mới điện thoại cho tôi, giọng hùi hụi bi thương nhưng lại rất chân tình: "Xong rồi! Tao phải chạy ra cửa hàng vật liệu xây dựng mua chịu một cuốn thép, hết triệu rưỡi. Nhậu với mầy… tốn quá! Nhưng không sao. Sáng mai 5 giờ tao mời mầy và mấy người ăn sáng, uống cà phê. Tao bao!".

Cái quán bún bò giò heo nấu theo kiểu Huế nằm sát nhà Tạ Văn Sỹ. Khi chúng tôi đến, Tạ Văn Sỹ quát rất to khiến chủ quán chạy có kèn. Ăn xong Tạ Văn Sỹ kéo ngay chúng tôi đi. Tôi nhắc nhỏ: "Tiền!". Tạ Văn Sỹ khoát tay: "Khỏi lo, tao có tài khoản gửi ở đây! Đi uống cà phê rồi thăm nhà tao chút".

Hóa ra sự hào phóng đột xuất của Tạ Văn Sỹ là có lý do. Ông muốn khoe căn nhà mới xây khang trang, có công trình phụ khép kín, có phòng văn đầy đủ tủ sách, bàn ghế tiếp khách… Ngó nghiêng một hồi tôi nhận xét: "Hơi nhỏ". Con trai nhà thơ là Tạ Ngọc Nam liền đùa: "Khi xây cháu đã nói ba làm rộng rộng ra một chút để mai này có chỗ cho anh em con các nơi tìm về"… Nhà thơ nạt con: "Mầy thì!... Xấu xí nghèo khổ như ba… ma nó thèm!". Chị Phúc vợ nhà thơ đang làm bếp nghe thế thì buông một câu lững lờ: "Ma nó không thèm đâu, mà người thèm!".

Câu nói chất chứa nỗi hờn ghen của người vợ đã chịu quá nhiều vất vả bởi ông chồng thi sĩ. Nhưng chơi với Tạ Văn Sỹ đã lâu tôi dám khẳng định, Tạ Văn Sỹ dù có bồng bềnh với những Nàng Thơ trong những mối tình gió thổi mây bay, nhưng về đời thường thì ông luôn là người đàn ông vô cùng trách nhiệm với gia đình. Hơn mười năm sống ở Kon Tum tôi luôn chứng kiến cảnh ông đứng ở bến xe thồ Cổng Xanh là nơi đồng bào xã Đắk Cấm thường gùi hàng ra chợ, để đón mua từng quả bí nương, từng đọt măng rừng, từng mớ tép suối để vào giỏ xe rồi khi có "cuốc" là tranh thủ mang về nhà cho vợ con nấu nướng. Ông chắt chiu từng đồng bạc lẻ để mua từng cuốn vở, từng cây bút cho đàn con sáu đứa ăn học nên người, toàn đại học với cao đẳng cả. Giờ ông lại xây được nhà, đó chẳng phải là điều phi thường với một thi sĩ xe ôm tỉnh lẻ hay sao!

Tác giả: Đỗ Tiến Thuỵ

Nguồn tin: CAND

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây