Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://thotre.com


Có nên lập kỷ lục người đạo thơ siêu đẳng nhất Việt Nam?

Nhiều người không hiểu nổi ở môi trường tôn vinh sự sáng tạo, cái tôi cá nhân như thi ca vẫn có những người năm lần bảy lượt đi ăn cắp thơ của người khác về "nấu lại" rồi mang... đi thi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mấy năm trở lại đây, cuộc thi thơ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tiếp có những lùm xùm tranh cãi. Ba năm trước, cuộc thi này do Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TP.Cần Thơ đăng cai tổ chức gây nhiều tranh cãi với bài thơ đã được trao giải: "Trăng nghẹn".

Ba năm sau, kỳ thi thơ ĐBSCL năm 2012 (tháng 6 năm 2013 mới công bố kết quả) do Hội VHNT Sóc Trăng tổ chức, cũng có nhiều lùm xùm. Nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Xuân cho biết, trong 11 bài lọt vào chung khảo đã có bốn bài phạm quy.

Trong đó có ba bài đã được in trước đó, đặc biệt bài Về đồng mùa nước nổi (tác giả: Cao Phú Cường) bị nhiều độc giả cũng như các nhà thơ cho là "đạo thơ"  từ bài Trở lại đồng tứ giác của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (trong tập Thơ Trịnh Bửu Hoài - NXB Ðồng Nai, 2006).

Bài thơ giống một cách "khó hiểu" từ ý tứ đến câu từ, thậm chí có đoạn giống y trang, không khác một dấu chấm dấu phẩy. Ví dụ trong bài Về đồng mùa nước nổi của tác giả Cao Phú Cường có đoạn: "Ta về xóm cũ bâng khuâng/ Sông giờ oằn lũ bất cần đò đưa/ Áo hồng bay ngát bến xưa/ Em giờ trôi dạt đâu mùa gió giông?", giống với đoạn "Mấy độ ta về thăm xóm cũ/ Em áo vàng bay ngát bến sông/ Bến sông giờ đã chìm trong lũ/ Em giạt về đâu trong mưa giông" trong bài Trở lại đồng tứ giác của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài. Nếu đặt hai bài thơ song song với nhau và so sánh, có thể thấy từng đoạn đều có sự giống nhau như cặp đôi song sinh.

Tác giả bài thơ đã được nằm trong vòng trung khảo này gửi thư thanh minh ở nhiều nơi nói rằng do cảm xúc trùng hợp! Tuy nhiên sau khi bị lên án quyết liệt, ông đã gọi cho nhà thơ Trịnh Bửu Hoài nói lời xin lỗi kèm lời biện bạch: Do đọc bài thơ đã lâu nên quên?!

Sau khi biết có chuyện đạo thơ, nhiều người đã "soi" và nhận thấy, tác giả Cao Phú Cường không chỉ đạo một bài mà đã từng đạo nhiều lần, của nhiều tác giả khác nhau. Cũng phải công nhận rằng, tác giả Cao Phú Cường chịu đọc, chịu tìm tòi và chịu "sáng tạo", biến "đứa con" "mang nặng đẻ đau" của người khác thành con ruột của mình.

Có những bài tác giả Cao Phú Cường mượn ý tưởng và một số hình ảnh để từ đó biến thành thơ mình nhưng cũng có khi bê nguyên cả câu mà không có chút áy náy lương tâm. Trong bài Áo bà ba của tác giả Bùi Văn Đồng và bài cùng tên của tác giả Cao Phú Cường có những đoạn trùng nhau: "Hết tiền thiếu gạo đi vay/ Chưa nhìn thấy áo nửa ngày đã mong". Bên cạnh đó cũng có những đoạn đã được "dụng công" thay đổi câu từ: "Ra bến - nhớ, lối về - quên/ Rượu không uống… áo và em vẫn nồng" được cải biên từ câu: "Chẳng ai chuốc rượu đưa men/  Mà sao ra bến lại quên lối về?" của tác giả Bùi Văn Đồng.

Một bài thơ khác khá hay của tác giả Cao Phú Cường mang tựa đề Ngắn dần viên phấn cũng bị phát hiện giống từ nhan đề bài thơ lẫn ý tứ, câu từ trong bài của một tác giả khác in trước đó. Gần đây nhất, bạn đọc còn phát hiện Cao Phú Cường đạo bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và "chế" thành thơ mình đăng Văn nghệ Đồng Tháp số Xuân 2013. Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng, phải chăng Cao Phú Cường  thấy việc đạo thơ dễ quá và nhanh nổi quá nên "ngựa quen đường cũ". Được biết tác giả Cao Phú Cường đang là giáo viên dạy văn trong một trường THCS huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Từ chuyện của thầy giáo "đạo" tôi lại nhớ cố nhà văn Nam Cao. Một người mà cả đời luôn suy nghĩ về vấn đề "sống và viết", rất có ý thức về quan điểm nghệ thuật của mình. Ông đã từng nói những câu rất nổi tiếng trong tác phẩm Đời thừa: "Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có".

Ông đòi hỏi nhà văn phải có lương tâm, có nhân cách xứng với nghề và cho rằng sự cẩu thả trong văn chương chẳng những bất lương mà còn đê tiện.

Còn bố tôi, một người làm công chức về hưu trong ngành tòa án nhưng có tình yêu với văn học nghệ thuật cũng cảm thấy chua xót trước sự việc này. Ông là người ngoại đạo nhưng thấy trường hợp đạo văn như Cao Phú Cường không thể chấp nhận được, chưa kể đến người đó lại là thầy giáo. Trên tư cách một công dân cũng không nên ăn trộm sản phẩm của người khác, còn với tư cách một thầy giáo thì người này quá tồi. Thầy cũng "ăn cắp" như vậy thì làm sao nói được trò, làm sao trở thành một kĩ sư tâm hồn cho học sinh?.

Tác giả: Thành Huế

Nguồn tin: Người Đưa Tin

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây