Cá bống trứng sinh sản quanh năm, nhưng chỉ đổ về theo dòng nước son từ tháng 7 đến 8 âm lịch là hết. Vào thời điểm này, cá cái có thân tròn, dài như quả ớt sừng trâu với màu nâu nhạt, trên lưng có vệt hơi đen sậm, ôm 2 túi trứng vàng ở bụng. Cá mới sinh sau hai tháng nhỏ bằng đầu đũa cũng có trứng và bắt đầu đẻ. Thịt cá đực, cá cái đều rất chắc, thơm, ngon nhưng cá cái có trứng nên ăn béo hơn. Theo những người thường bắt loại cá này, cá bống trứng thường đeo theo các dề lục bình trôi theo dòng nước để ăn phiêu sinh vật dưới chùm rễ. Người bắt cá thường bơi xuồng đến gần các dề lục bình rồi dùng rổ xúc hoặc lưới kết thành cái vợt đẩy xuống phía dưới và nhấc lên. Sau khi gỡ bỏ lục bình, dưới đáy rổ hoặc vợt lưới còn lại những con cá bống trứng nhỏ bằng ngón tay út, bụng căng cứng trứng vàng hượm, nổi rõ dưới làn da nâu nhạt, mỏng tang, nhảy lung tung trông thật thích mắt.
Ngoài ra, người ta còn đóng đáy để bắt cá bống trứng khi vào lúc mùa cá chạy nhiều. Miệng đáy đóng ở các kinh, rạch chỉ nhỏ thôi với hai cây cọc cắm giữa sông mắc viền lưới cao hơn mặt nước một chút. Những bầy cá bống trứng thường nổi lờ đờ tìm thức ăn trên mặt nước, khi gặp viền lưới đáy bị nước giật mạnh nên chúng giật mình lặn xuống, chui hết vào cái đuôi đáy (gọi là đuôi chuột) nằm cuối lưới. Bắt cá theo kiểu đóng đáy, đặt lọp, nò, có thể bắt vài chục kilogam cá một ngày nên thường bắt được nhiều hơn cách vớt bằng rổ xúc và vợt lưới.
Cá bống trứng sau khi cắt mang, chà rổ cho sạch vảy được chế biến thành nhiều món khoái khẩu như: chiên lạt nguyên con hay tẩm bột chiên rồi cuốn bánh tráng rau sống chấm nước mắm chanh ớt chua cay, đặc biệt nhất là kho tiêu. Mùa cá bống trứng với những món ăn dân dã nhưng đã trở thành kỷ niệm quý giá của những người sinh ra và lớn lên từ ruộng đồng, nhưng phải bôn ba kiếm sống ở chốn thị thành, đồng thời giúp họ gợi nhớ về cuộc sống ở làng quê yên bình sau những lo toan vất vả của cuộc sống đời thường.
Tác giả: Bằng Lăng
Nguồn tin: tiengiang.gov.vn
Ý kiến bạn đọc