Lươn Đồng Tháp

Thứ bảy - 20/11/2010 09:35 2.521 0

Lươn Đồng Tháp

Đồng Tháp được biết đến như vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long , ngoài ra còn nổi tiếng với các đặc sản như xoài Cao Lãnh, quýt Mỹ Trà, nem Lai Vung, bánh phồng tôm Sa Giang...Tôi vài lần có dịp tới vùng đất miền Tây Nam Bộ phong phú sản vật này, để rồi những đêm bên chiếu rượu dưới gốc xoài, bờ ruộng...được các bác nông dân kể cho nghe đủ thứ chuyện chim trời cá nước, đặc biệt là những cách bắt lươn...

Việc bắt lươn không dễ dàng như với các loài thủy sản khác mà phải hiểu rõ đặc điểm của chúng. Vào mùa khô, khi tát đìa, hầm để thu hoạch cá, người ta biết rằng lươn hay rúc xuống bùn, nơi có nhiều cỏ lá lẫn lộn. Cần nhiều người nhanh tay moi sâu lớp đất bùn đánh động cùng lúc nhiều hướng, lươn sẽ tập trung vào một chỗ dễ bắt hơn. Lươn trơn da, khéo lách nên người có kinh nghiệm khi bắt thường kẹp chặt vào giữa các ngón tay co lại, lươn to hay nhỏ cũng khó thoát. Mùa này lươn đủ thức ăn nên tròn mình, vàng óng, có con nặng cỡ ký lô. Những kinh mương, ruộng nước xâm xấp, lươn rúc vô ở hang. Dân chuyên nghiệp nhìn miệng hang là đoán được ngách trổ lên hay đi xuống. Dùng dây nhợ chắc móc mồi câu bằng trùn hay cua đồng thả vô hang. Lươn mắc câu đừng kéo mạnh mà phải nương theo đà giật, nóng nảy mạnh tay vuột lưỡi câu thì khó bề bắt lại.

Vào mùa nước nổi hàng năm, lươn sinh sản nhiều, việc đắp mô bắt lươn khá rôm rả. Vật liệu làm mô bằng cỏ, lá chuối...ken lại chất gọn đống, bỏ xen bên trong là cá, cua chết có mùi để nhử lươn. Nhận chìm một phần mô dưới nước, mé rạch, ruộng...là môi trường sống thích hợp của chúng. Để yên chừng bốn, năm ngày rồi dùng vợt lớn bao xúc cả mô đưa lên trên khô bắt lươn, chúng rất mê mồi, hễ nghe động là chui sâu vào mô không rời. Một cách bắt lươn khác là đặt trúm, chỉ một người cũng thực hiện được. Trúm làm bắng ống tre, đường kính từ 6-10 cm, dài khoảng 1 mét, một đầu bịt kín, đầu kia đặt hom thật khít. Bỏ mồi cua, cá chết là món khoái khẩu vào cho lươn bắt mùi. Ống trúm đặt ở đáy mương, rạch, nơi cỏ lá rậm rạp. Mê mồi, lươn chui miệng hom vào trúm là không thoát ra được.

Lươn có giá trị dinh dưỡng cao, chế biến thành nhiều món ăn ngon như xào lăn, kho mắm, nấu miến, làm dồi, om củ chuối...Ở vùng quê thường nấu canh chua lươn với bắp chuối, rau thơm chấm nước mắm sả ớt là món mồi nhắm rượu rất "bén" của các bác nông dân sau ngày lao động. Rồi còn món lươn um lá nhàu, nước cốt dừa ăn vừa ngon miệng vừa mát gan, bổ thận. Lươn làm sạch, đập dập sả lót đáy nồi, xếp thêm lá nhàu rồi khoanh tròn lươn bên trên, cho nước cốt dừa vào, đun lửa nhỏ. Chừng thấy da lươn nứt, dùng đũa bẻ gãy được thì rắc đậu phộng rang giã dập lên là xong. Nước chấm dùng tương hột tán ra hòa cùng nước cốt dừa, sả ớt băm nhuyễn. Hoặc khéo rút xương sống lươn, nhồi thịt quết, gia vị, bột nghệ, lá nghệ xắt nhuyễn rồi cuốn lá nghệ nướng chín, chấm nước mắm me. Đến món cháo lươn môn ngọt mới lạ miệng. Lươn luộc chín, gỡ thịt ướp gia vị đường, tiêu, nước mắm, xào sơ qua. Vài tàu môn ngọt (loại giữa lá có đốm đỏ) để vỏ, cắt đoạn chừng 2 cm, chẻ tư để sẵn. Đun nồi cháo nhừ, cho tôm khô, da heo thái mỏng vào rồi đến môn ngọt cùng thịt lươn đã xào. Nêm lại cho vừa miệng rồi nhắc nồi xuống. Tô cháo lươn môn ngọt cho thêm ít rau quế, răm, ớt bằm, chanh...ăn vào các hương vị hòa quyện rất đậm đà. Với con lươn, còn rất nhiều cách chế biến tùy thói quen khẩu vị địa phương.

Mỗi một vùng đất quê hương ta, đâu đâu cũng có những sản vật thiên nhiên phù hợp với môi trường và qua các cách bắt, nấu nướng đầy kinh nghiệm, sáng tạo trải qua thời gian dài đến nay đã cho chúng ta tận hưởng biết bao điều thú vị - trong đó có Đồng Tháp, vùng đất với phong cách ẩm thực tuy dân dã ,nhưng ghi đậm dấu ấn trong lòng mọi người...

Tác giả: Nguyễn Kim

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây