Nhưng muốn có nồi kiểm thơm ngon, mùi vị hấp dẫn không thể thiếu thứ nguyên liệu căn bản là dừa. Dừa phải có hai loại: dừa khô và dừa ăn. Dừa ăn vừa để lấy nước, vừa nạo lấy cái thành sợi. Còn dừa khô nạo để lấy nước cốt và nước giảo.
Ngoài ra, còn các phụ liệu khác như đậu đũa mướp khía hoặc mướp hương xắt lát, khoai lang, bí rợ dẻo xắt miếng hay xắt hình hạt lựu, sa kê, khoai cao hoặc khoai sáp, đậu tây, đậu phộng, hạt sen tươi ngâm nước, nấm mèo, nấm đông cô, tàu hũ ky, bột khoai, bột báng, táo đỏ,… Và cũng cần lưu ý phân loại nguyên liệu rau, củ, quả… nào có thời gian nấu chín ngang nhau để nấu chung một nồi.
Trước hết, ướp muối, đường vừa khẩu vị vào khoai lang và bí rợ dẻo để vào nồi cho ngấm. Cho nước dừa và nước cốt dừa giảo vào cùng với hai thứ nêu trên nấu chín để sẵn ra nồi thứ nhất. Tương tự, cho những nguyên liệu đã nấu mềm như khoai cao, khoai sáp, sa kê, đậu tây, đậu phộng, hạt sen tươi… đã ướp muối đường vào nồi thứ hai cùng với nước dừa, nấu chín. Tiếp đến, cho hai nồi vào một, nấu cùng với cái dừa nạo, tàu hũ ky, bột khoai, bột báng, táo đỏ… Chờ các thứ trên mềm chín hẳn rồi cho nước cốt dừa đậm đặc vào, nêm nếm lần cuối và nhắc xuống... Khi múc ra tô nhớ thêm vào ít nhúm đậu phộng rang đâm giập.
Trong khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh của nhà chùa, thật thích thú khi múc một muỗng kiểm đưa vào miệng nhai chậm rãi. Vị ngọt của khoai lang, bí rợ, táo đỏ…; vị bùi của sa kê, khoai cao…, hoà lẫn vị béo của nước cốt dừa, đậu phộng… tạo nên một vị ngon thật thuần khiết.
Tác giả: Hữu Tường
Nguồn tin: SGTT
Ý kiến bạn đọc