Chất thải xúc tác và chất thải công nghiệp của nhà máy lọc dầu Dung Quất tập kết chờ chôn lấp ở Khu xử lý rác thải Bình Nguyên. Ảnh: Trí Tín. |
Do người dân ở các xã Bình Chánh, Bình Nguyên (Bình Sơn, Quảng Ngãi) và xã Tam Nghĩa (Núi Thành, Quảng Nam) liên tục cản trở không cho xe vận chuyển chất thải công nghiệp, nguy hại về Khu xử lý Bình Nguyên, Công ty Lilama EME phải tạm dừng hoạt động hơn 2 tuần qua.
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Công ty Lilama EME với chính quyền địa phương chiều 4/4, nhiều người dân giải thích, họ chặn xe vận chuyển rác thải công nghiệp và nguy hại của doanh nghiệp là do lo ngại ô nhiễm nguồn nước, về lâu dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thế hệ con, cháu của họ.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn Chức, Bí thư Đảng ủy xã Bình Chánh lý giải thêm, khu xử lý chất thải Bình Nguyên chỉ cách các khu dân cư lân cận khoảng 1,5 km. Do vậy, nhiều người dân không yên tâm khi họ thấy doanh nghiệp chôn lấp thải công nghiệp và nguy hại quá sơ sài. Rác thải thì họ cho vận chuyển về khu xử lý còn rác thải công nghiệp và nguy hại thì không cho vì lo "chất độc hại".
Hiện Công ty Lilama EME đang thực hiện phủ bạt trên các bãi rác và cam kết trước dân xây dựng lộ trình di dời khu chôn lấp chất thải công nghiệp, nguy hại ra xa khu dân cư. Tuy nhiên, đến tháng 12/2015, khu xử lý mới này mới hoàn thành, đưa vào hoạt động.
Ông Huỳnh Vĩnh Phúc, Phó giám đốc Công ty Lilama EME cho biết, trung bình mỗi ngày Khu xử lý rác thải Bình Nguyên thu gom, xử lý khoảng 32 tấn rác thải sinh hoạt, 20 tấn chất thải công nghiệp và 2 tấn chất thải nguy hại. Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Khu công nghiệp nặng Doosan đăng ký thu gom, xử lý rác thải công nghiệp và nguy hại nhiều nhất. Đối với rác thải thông thường nhà máy xử lý đốt, chất thải nguy hại dùng biện pháp hóa lý tái chế, còn hầu hết chất thải công nghiệp như xúc tác, phế thải vật liệu xây dựng... sẽ đem chôn lấp.
"Nhiều ngày qua, khách hàng liên tục yêu cầu đến xử lý rác thải công nghiệp nhưng người dân liên tiếp chặn xe khiến chúng tôi như đang ngồi trên đống lửa. Nếu kéo dài tình trạng này thì rác thải công nghiệp và nguy hại đang ùn ứ ở các nhà máy, xí nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất là khó tránh khỏi", ông Phúc bày tỏ.
Khu xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp ở Khu xử lý rác thải Bình Nguyên, Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Trí Tín. |
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa đã gửi văn bản hỏa tốc yêu cầu lãnh đạo huyện Bình Sơn tổ chức giải thích, đối thoại với nhân dân tránh tạo "điểm nóng", tạo điều kiện cho khu xử lý chất thải Bình Nguyên sớm trở lại hoạt động bình thường.
Văn bản này cũng khẳng định, việc người dân cản trở không cho xe vận chuyển chất thải (trừ xe chở rác sinh hoạt) của Công ty Lilama EME là vi phạm pháp luật. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo vệ môi trường ở Khu kinh tế Dung Quất và một số khu vực lân cận.
Khu xử lý chất thải rắn Khu kinh tế Dung Quất được Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích hơn 19 ha trên xã Bình Nguyên. Trong đó giai đoạn I là 12,08 ha giao cho Ban quản lý KKT Dung Quất làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng, vận hành tháng 4/2007.
Đầu năm 2008, Cty CP Cơ điện - Môi trường Lilama được tỉnh Quảng Ngãi cho phép tiếp nhận. Dự án có công suất 50-100 tấn/ngày đối với rác thải sinh hoạt, 25.000 tấn/năm đối với chất thải công nghiệp và 30.000 tấn/năm đối với chất thải nguy hại.
Tác giả: Trí Tín
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc