'Cầu Rồng sẽ mất an toàn nếu nâng cao phần đầu'

Thứ sáu - 05/04/2013 06:12 842 0
Ngay khi một kỹ sư ở Hà Tĩnh khẳng định có thể nâng đầu rồng cao hơn nhằm thể hiện sự oai phong, nhiều chuyên gia đã phản bác và cho rằng Cầu Rồng đang cân đối với cảnh quan Đà Nẵng, đảm bảo tính an toàn lưu thông.
Và đầu rồng khi hoàn thành. Ảnh: Nguyễn Đông
Cầu Rồng khánh thành ngày 29/3 với tổng chiều dài 666 m, vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng với hình dáng rồng vươn mình ra biển. Ảnh: Nguyễn Đông

Quan tâm đến thiết kế cầu Rồng, kỹ sư Hoàng Hữu Hà (70 tuổi, trú Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chủ nhân của nhiều công trình, đề tài khoa học, đã liên hệ với VnExpress và khẳng định hoàn toàn có thể đưa đầu rồng lên vị trí cao hơn để thể hiện dáng vẻ oai phong bay ra biển lớn.

"Cách làm vô cùng đơn giản mà không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu công trình, đó là cưa chỗ khớp nối giữa đầu và cổ rồng, sau đó nối thêm khoảng 2 m ống thép và gắn lại. Đầu rồng cao nhìn sẽ đẹp hơn hiện tại rất nhiều", ông Hà nói và cho biết về kỹ thuật, khi nối các ống thép phải trùng nhau 10 cm và gắn chặt lại để đảm bảo an toàn.

Đánh giá về phương án của kỹ sư Hà, ông Vĩnh Phương (người gốc Huế, định cư tại Hà Lan, có hơn 30 năm trong nghề thiết kế kiến trúc bằng vật liệu thép), cho rằng không nên đánh đồng giữa kỹ thuật và mỹ thuật ở đầu rồng. Nếu nâng đầu rồng lên cao sẽ ảnh hưởng đến hầu hết thông số kỹ thuật và không đảm bảo an toàn.

"Điều tôi quan tâm nhất là độ an toàn. Có sản phẩm trong vài năm không xảy ra tai nạn nhưng cũng không thể lường trước được. Theo tôi, nếu có người đã nhìn nhận cầu Rồng giống con rắn hay con lươn thì có nâng lên một hai thước nữa cũng vậy thôi. Hơn nữa, nếu đầu rồng ngẩng cao lên thì vô hình chung dáng rồng không phải là đang bay mà là dừng lại", ông Phương bình luận.

Nhà điêu khắc Vĩnh Phương cho rằng cầu Rồng như hiện tại hợp với cảnh quan của Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Nhà điêu khắc Vĩnh Phương cho rằng cầu Rồng như hiện tại hợp với cảnh quan của Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Từng dành thời gian quan sát cầy cầu thép ở nhiều góc độ, ông Phương cho rằng nếu đưa đầu rồng lên cao quá sẽ phá vỡ đi cảnh quan của Đà Nẵng. "Hoành độ của con rồng kết hợp với cầu Trần Thị Lý là hợp lý. Từ xa nhìn lại, chúng ta thấy rõ một con rồng với ý tưởng độc đáo, còn nhìn đặc tả sẽ thấy cấu trúc về kỹ thuật đảm bảo sự an toàn", ông nói.

Ông Phương phản bác trước nhiều ý kiến cho rằng có thể thay thế đầu rồng bằng chất liệu khác, nhẹ hơn để làm cho phần đầu to cao hơn, bởi phương án này chỉ đáp ứng mỹ thuật trong thời gian nhất định, chứ không thể trở thành một công trình thế kỷ, lại ở mảnh đất miền Trung nhiều thiên tai.

Làm trong ngành xây dựng, kỹ sư cầu đường Tôn Thất Nhật Huy (Công ty Cổ phần Thái Sơn Lâm, Đà Nẵng), cho rằng về trực quan, nếu đầu rồng cao thêm 1-2 m nữa chắc chắn nhìn sẽ đẹp hơn, nhưng quan trọng là việc thi công bắt buộc phải tuân thủ theo đúng kết cấu ban đầu. "Đây là công trình khó, con rồng chỉ mang tính biểu tượng nên việc nâng đầu rồng quá cao ở một công trình giao thông sẽ mất an toàn", kỹ sư Huy nhìn nhận.

Bản thân nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, tác giả của đầu và đuôi cầu Rồng, cho biết khi nhận lời về Đà Nẵng thiết kế cầu, toàn bộ công trình được mua bản quyền thiết kế của Công ty tư vấn Louis Berger (Mỹ) với phần thân uốn lượn, chưa có đầu và đuôi. Ông muốn thể hiện cho nó đẹp hơn, nhưng phải tuân thủ trọng lượng không vượt, bố cục không được xê dịch, chất liệu thép, tỷ lệ đã định vị… Đầu rồng ngẩng lên 45 độ để rồng phun lửa, nước.

Trước đó, ông Hạng từng đề xuất nhiều phương án để cho con rồng thêm mạnh mẽ như cho đầu rồng uốn ngược lại và vươn lên, hay cho rồng có đôi bằng việc làm thành hai con rồng, một con theo hướng đầu ra biển (hướng Đông) với ngụ ý vươn ra bốn biển năm châu, con còn lại hướng lên núi (hướng Tây) để đón khách, phần đuôi cặp rồng cuộn lại hình hoa sen... Tuy nhiên phương án này không được duyệt bởi dễ bị cho là mất đoàn kết và không thể trở thành "con rồng thép dài nhất thế giới" như UBND TP Đà Nẵng đã đăng ký kỷ lục Guinnes.

Đầu rồng thép có khả năng phun lửa và nước. Ảnh: Nguyễn Đông
Đầu rồng thép có khả năng phun lửa và nước. Ảnh: Nguyễn Đông

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng bất thường sáng 1/4, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố, cho biết cũng nghe nhiều ý kiến đánh giá về cầu Rồng nhìn ốm, đầu không cao, rồng không có chân… "Trong chúng ta liệu có ai thấy con rồng đâu? Tôi nhìn con rồng trên cầu cũng giống con rồng chứ đâu đến nỗi giống con khác. Thôi thì tiếp thu để nghiên cứu tiếp", ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị các đơn vị liên quan chấn chỉnh giao thông tại cầu Rồng, không để xảy ra ùn tắc mỗi khi phun lửa, nước; đồng thời nghiên cứu việc phun lửa vào 22h tối thứ bảy và chủ nhật, phun nước vào sáng chủ nhật để phục vụ người dân, du khách.

Được khởi công từ tháng 7/2009, cầu Rồng dài 666 m, rộng 37,5 m với 6 làn xe, phần lề dành cho người đi bộ mỗi bên rộng 2,5 m. Tổng vốn đầu tư trên 1.700 tỷ đồng.

Theo thiết kế, phần hình dáng của thân rồng bằng thép dài khoảng 560 m, nặng hơn 9.000 tấn; đầu rồng cao 10 m so với mặt cầu, nặng 40 tấn. Mắt rồng được thiết kế hình trái tim gắn với hệ thống đèn chiếu hiện đại. Phần đầu rồng sẽ phun lửa vào ban đêm, phun nước vào ban ngày dịp cuối tuần, lễ hội.

Nguyễn Đông

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây