Dụng tâm dựng lại hình ảnh vị vua tài đức vẹn toàn, khát khao thái bình, các nhà làm phim đưa vào hai tuyến truyện song song với xung đột chính là những đấu tranh nội tâm của Lý Công Uẩn trước các hệ giá trị đạo đức, tuyến phụ là mối tình ngang trái giữa Lý Công Uẩn - Dạ Hương - Lê Long Ðĩnh.
Một cách kể chuyện lạ
Dù Lê Ngọa Triều ngày càng bội tín, tư tưởng trung quân không dưới một lần kéo Lý Công Uẩn trở về triều. Lần thứ nhất, dám "mắng vua" tội giết anh cướp ngôi, song cảm thấy bất lực trước những thế lực ở nhân gian, Lý Công Uẩn lại trở về phò tá Lê Long Ðĩnh. Lần thứ hai, muốn tránh cảnh nồi da xáo thịt giữa các huynh đệ hoàng thất, Lý Công Uẩn vô tình đẩy hai hoàng tử Long Cân và Long Kính đến cái chết.
Ước muốn thái bình xung đột lên tới cực điểm làm nên cái kết, khi Lý Công Uẩn không màng tính mạng ngăn vua mang quân đi đánh Chiêm Thành. Bên cạnh Lý Công Uẩn và các nhân vật có thật, xuất hiện nhân vật hư cấu: Dạ Hương - một ca nhi (Nguyễn Thu Trang thủ vai) đã từ bỏ sự trinh trắng để bảo toàn vận mệnh sơn hà xã tắc.
Ðể đảm bảo khán giả hiểu được ý tưởng chính của bộ phim, cố gắng diễn giải lòng trắc ẩn của Lý Công Uẩn, phải thấy đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã kỳ công sử dụng nhiều chi tiết có tính tượng trưng. Sợi xích cột người đàn bà chửa hoang trở thành vật dụng răn dạy về nhân nghĩa của Lý Công Uẩn. Chiếc trâm cài tóc của Dạ Hương là sợi chỉ đỏ xuyên suốt ngầm dẫn đến một thiên tình sử đau buồn....
Ðồng xu Lý Công Uẩn nhận từ tay một tử sĩ ngoài chiến trường, trước đó là kỷ vật tượng trưng cho lời hứa trở lại của cha với đứa con nhỏ. Những chi tiết hoàn toàn có thể lấy nước mắt người xem, thay thế cho sự khốc liệt của chiến tranh, thể hiện một cách kể chuyện còn hiếm thấy trong điện ảnh nước nhà.
Vai Lê Long Đĩnh nổi bật hơn vai Lý Công Uẩn
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi muốn kể một câu chuyện nhân văn Một chiếc mũ vua Lý Thái Tổ đội hiện nay còn gây nhiều tranh cãi nên điều chúng tôi muốn tập trung hơn là hồn người Việt trong tính cách mỗi nhân vật. Phim sử Trung Hoa, tướng đứng trước chiến trường hào khí ngất trời vì đã tiêu diệt được hàng vạn quân. Phim Việt, trước xác tướng lĩnh, Lý Công Uẩn đau xót mà rơi lệ. Ông vua ấy đi ra từ đạo Phật, hiểu chiếc áo cà sa không cứu nổi một con người nên dấn thân chuyện chính trường. Về kết thúc của bộ phim, do phía Hàn Quốc chậm một nhịp nên chúng tôi đã không có hình ảnh đoàn thuyền dời đô chiếu trong buổi 7-10. Về tên phim chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của nhà đầu tư. |
Vóc dáng nhỏ thó đối nghịch Ngọc Ngoan, với đôi mắt sâu hoang dại, diễn viên Ðình Toàn (sân khấu kịch IDECAF) đã cho ra đời một Lê Long Ðĩnh đa diện, trái chiều: vừa quyết đoán vừa hèn hạ, vừa tàn nhẫn vừa khát khao yêu thương.
Cách diễn quyết liệt của Ðình Toàn tạo cơ hội cho chính anh bộc lộ hết sự hèn hạ của nhân vật Lê Long Ðĩnh - vị vua mang những thói hư tật xấu bậc nhất còn truyền tụng trong nhân gian và sử sách. Một tiếng cười, một động tác vẩy áo có thể khiến khán giả giật thót, vì đó là điềm báo chỉ có một kết thúc - cái chết.
Bên cạnh một Lê Long Ðĩnh "nhổ cỏ nhổ tận gốc" khi đe dọa cả mẹ ruột, Lý Công Uẩn mờ nhạt dần: không có sự khổ luyện nhưng lại giỏi võ từ bé, không có thành tích, không trải qua thi đấu, thử thách nhưng lại được đến Hoa Lư để trở thành người thân cận của vua Lê Ðại Hành.
Một tính toán cẩn trọng
Hiếm hoi có một đại cảnh từ trên không nhìn xuống, các hình ảnh về kinh đô trong Khát vọng Thăng Long đều được quay trong không gian nhỏ hẹp, thiếu nét kiến trúc cung đình: thiết triều trong không gian tủn mủn (trong nhà); thư phòng của vua độc một chiếc bàn, phòng ngủ chỉ tập trung tấm rèm, không cho thấy được sự bề thế nơi vua ngự (trong khi câu chuyện có nhiều trường đoạn cảnh nội).
Phần kiến trúc cung điện của Hoa Lư hiện còn sót lại rất nhiều hiện vật được chế tác bằng đá: ghế thiết triều, rồng, đôn chậu, cột nhà, sân chầu... (tại đền Ðinh, Lê) nhưng trong phim hầu như không có chút gì gợi sự liên quan đến nét kiến trúc đặc biệt này.
Cạnh đó, phần phục trang của Lê Long Ðĩnh mang nhiều gam màu tối, trầm. Không xuất hiện hình ảnh mũ miện, áo bào, đại diện cho quyền lực tối cao của một vị hoàng đế, vua Lê Long Ðĩnh chỉ búi tóc (hoặc xõa tóc) và mặc áo khoác cả khi thiết triều và ra ngoài, cả khi là thái tử và trở thành hoàng đế.
Sau nhiều tranh cãi gần đây về phim lịch sử VN, sự xuất hiện đầy bé nhỏ và mờ nhạt của trang phục, bối cảnh Khát vọng Thăng Long lại có vẻ là một tính toán khôn ngoan, cẩn trọng của các nhà làm phim trước khi đưa ra bất kỳ một quy chuẩn nào.
Là bộ phim nhựa đầu tiên về thời kỳ ghi dấu ấn trong lịch sử VN, Khát vọng Thăng Long đã đem lại cảm giác có thể xem lại nhiều lần. Chỉ đáng tiếc đã không giống như tên phim, Khát vọng Thăng Long dùng lời bình thay cho toàn bộ hình ảnh dời đô.
Không tái hiện cảnh dời đô, nỗi trăn trở của Lý Công Uẩn khi quyết định về Ðại La, cũng không lý giải về cái chết ở tuổi 24 của Lê Long Ðĩnh, khó có thể hình dung và làm nổi bật tầm vóc của một nhân vật lịch sử, đặc biệt là giá trị nhân - địa - trí của Thăng Long - Hà Nội.
Chưa công chiếu chính thức Tối 7-10, buổi ra mắt bộ phim Khát vọng Thăng Long được thực hiện trong bốn giờ với nhiều chương trình văn nghệ phụ họa và sự có mặt của nhiều quan khách. Về buổi chiếu tối 7-10, bà Lê Minh Tâm - giám đốc Công ty Kỷ Nguyên Sáng (đơn vị đầu tư và điều hành sản xuất bộ phim) - đính chính: “Những nội dung in trong giấy mời là do sơ suất, đây chỉ là lễ ra mắt chứ không phải công chiếu bộ phim. Lễ công chiếu chính thức sẽ được thực hiện tại TP.HCM trong thời gian sớm nhất”. Thông tin từ hội đồng nghệ thuật Cục Điện ảnh cũng xác nhận nhà sản xuất mới trình bản DVD và đang chờ đợi bản phim nhựa. Phía hội đồng cũng đã yêu cầu đoàn phim sửa lại một số cách xưng hô có màu sắc hiện đại... |
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc