Việt Nam chưa có một nền công nghiệp điện ảnh đủ lớn
- Tại sao những LHP cao cấp cỡ Cannes, Venice dường như vẫn còn quá xa xỉ với điện ảnh Việt Nam, vì phim Việt ít có cơ hội hay chưa thể bước chân vào những câu lạc bộ đẳng cấp như vậy?
- Hội đồng thẩm định của các LHP lớn trên thế giới thường gồm những chuyên gia về phim ảnh. Do vậy tất cả các nhà sản xuất phim trên thế giới đều mong muốn phim của mình được đóng dấu, được gắn mác những LHP danh giá như: Cannes, Venice, Berlin, Toronto, Sundance... không chỉ để lấy tên tuổi mà để họ bán được phim dễ hơn.
Đơn giản là Việt Nam chưa có một nền công nghiệp điện ảnh đủ lớn nên chưa thấy các LHP có tác dụng gì cả ngoài vẻ hào nhoáng bên ngoài và những tấm thảm đỏ trải dưới chân. Thực ra chúng ta chưa có hàng để mang đến những LHP lớn, không có một nền sản xuất phim đủ mạnh, còn thị trường thì cũng không có nốt.
Dư luận những ngày vừa rồi quan tâm đến chuyện một người đẹp đoạt giải ở cuộc thi sắc đẹp hơn là chuyện một bộ phim Việt Nam lần đầu tiên được tham dự một trong những LHP lớn nhất thế giới, cứ như nó không liên quan gì đến đời sống điện ảnh Việt Nam vậy. Muốn có phim tham gia các LHP lớn trên thế giới, trước hết Việt Nam phải có ngành công nghiệp điện ảnh và giải trí trước đã.
- Vậy khi có một bộ phim hay trong tay, làm sao để tiếp cận với những người đứng đầu các LHP danh tiếng, để có mặt trong những chợ phim lớn cỡ Venice, Berlin?
- Các LHP lớn trên thế giới đều có đội ngũ "PROGRAMMER" (những người xây dựng chương trình LHP). Họ đi khắp nơi trên thế giới, lùng sục từng hang cùng ngõ hẻm để tìm ra những bộ phim hay và tìm ra những yếu tố mới, những gương mặt mới và tạo nên những trào lưu mới.
Venice chính là LHP đã phát hiện ra "món hàng" Hàn Quốc từ thập niên 1990, trước đó, năm 1986 là trào lưu phim Iran, Nga... Tôi nghĩ sau LHP Venice lần này họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến điện ảnh Việt Nam và sẽ muốn xem thêm nhiều phim Việt Nam.
Có phim tham gia một LHP quốc tế chưa thể coi là đã hội nhập với thế giới !
|
Diễn viên người Pháp gốc Việt Phạm Linh Đan đã quyết định gửi lại cát-sê cho vai Cầm mà cô đảm nhiệm trong "Chơi vơi" để đầu tư trở lại cho bộ phim. |
- Tức là, phim Việt Nam khi đã vào được các LHP danh tiếng thì có nghĩa nó đã đạt tiêu chuẩn về chất lượng, về kỹ thuật và được đặt ngang bằng với phim đến từ các nền điện ảnh tiên tiến khác?
- Đó là ý nghĩa lớn nhất của việc tham gia các LHP quốc tế chứ không phải là việc đoạt giải. Giải thưởng chỉ là sự đánh giá, lựa chọn của riêng ban giám khảo mỗi năm, mỗi LHP.
Việc một bộ phim được gắn mác "sự lựa chọn" của các LHP uy tín quan trọng hơn nhiều. Khi đã đạt được tiêu chuẩn của những LHP lớn rồi thì khi đó bộ phim đã đứng ở một cấp độ khác.
- Vậy có thể coi việc Chơi vơi có mặt tại Venice và một số LHP khác tới đây là điểm khởi đầu cho sự hội nhập của phim Việt Nam với điện ảnh thế giới không?
- Có phim tham gia một LHP quốc tế chưa thể coi là đã hội nhập với thế giới được. Tôi nghĩ đó là một tín hiệu của sự hội nhập thì đúng hơn. Ví dụ Thái Lan mỗi năm sản xuất tới 40 phim, năm ngoái có phim đoạt giải tại Cannes, năm nay có phim vào Venice, năm sau xuất hiện tại LHP Berlin, thì đó mới là hội nhập.
- Không lẽ điện ảnh Việt Nam lại bi quan đến mức đó?
- Một bộ phim thương mại của ta thu về cao nhất cũng chỉ trên 20 tỉ đồng doanh thu, tương đương hơn 1 triệu đô la. Nếu chia đôi doanh thu đó cho các chủ rạp thì nhà sản xuất chỉ thu về khoảng 500.000 đô la. Tức là tối đa một bộ phim người ta chỉ có thể đầu tư 250.000 đô la mà thôi.
Như vậy sao có thể coi chúng ta có một nền công nghiệp điện ảnh được. Thêm nữa số lượng rạp chiếu phim hiện nay của ta chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cơ hội thâm nhập các mạng lưới phát hành quốc tế
|
Sau Venice, Chơi vơi sẽ có mặt tại LHP Toronto, London. |
- Anh có đồng ý rằng, nếu như Chơi vơi không nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Fonds Sud của Pháp, cả kinh phí và kỹ thuật, thì chặng đường đến với LHP lớn trên thế giới sẽ khó khăn hơn không?
- Nhà nước chỉ cho chúng tôi đúng 1,7 tỉ đồng (khoảng 100.000 đô la) để thực hiện bộ phim, tức là tôi chỉ được phép quay 7000-8000m phim, tương đương với việc quay hai đúp ăn một. Trong khi nhiều khâu trong quá trình sản xuất phim của ta lại thiếu chuyên nghiệp nên rất khó có một mặt hàng đạt tiêu chuẩn của các LHP quốc tế.
Với bộ phim này, tôi có thể quay 80.000m phim, có thể quay 20-30-40 đúp rồi chọn ra một đúp ăn ý nhất. Đến thời điểm này, kinh phí của phim vào khoảng 400.000 đô la (tương đương 7 tỉ đồng). Tôi rất may mắn khi có được sự hỗ trợ từ nhiều nơi, có phương tiện kỹ thuật tốt và thuyết phục được Linh Đan tham giaChơi vơi với mức cát-sê thấp. Linh Đan thậm chí gửi lại cát-sê cho đoàn phim đầu tư vào phần hậu kỳ và chỉ nhận cát-sê lại khi phim bán được.
- Chơi vơi sẽ được gì khi tham dự các LHP quốc tế tới đây?
- Sẽ thuận lợi hơn trong việc phát hành và bán phim. Quan trọng hơn, đó là cơ hội để phim Việt Nam gây chú ý và hình ảnh Việt Nam, thông qua bộ phim, được biết đến rộng rãi hơn. Một số nhà phát hành phim lớn đã đặt vấn đề mua bộ phim này nhưng tất cả mới đang trong quá trình đám phán. Cơ hội sẽ tăng hơn rất nhiều sau khi Chơi vơi đến các LHP quốc tế.
- Anh đã chuẩn gì cho sự xuất hiện của Chơi vơi tại Venice vào tháng 9 tới? Ngoài anh, Hải Yến và Phạm Linh Đan sẽ cùng tới Venice?
- Linh Đan sẽ sang Venice, Hải Yến và tôi thì đang cân nhắc vì ban tổ chức không bỏ tiền mời ai cả. Nếu muốn tới LHP Venice thì tôi phải tự bỏ tiền mua vé máy bay, thuê khách sạn, rồi tiền sinh hoạt phí nữa... tính sơ sơ chuyến đi này cũng phải mất 4000 euro, ngót nghét cả trăm triệu rồi trong khi hai năm làm phim tôi đã vét cạn túi tiền (cười).
Tác giả: Bích Hạnh
Nguồn tin: VietNamNet
Ý kiến bạn đọc