Ngại kiện đòi nhà nước bồi thường

Thứ ba - 28/05/2013 23:11 798 0
Ba năm qua, hơn một nửa địa phương trong cả nước chưa thụ lý yêu cầu đòi bồi thường nào, kể cả "điểm nóng" như Hà Nội, Hải Phòng, dù lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gay gắt vẫn tăng cao.

Ngày 28/5, sơ kết 3 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường ưu tư: “Chắc nhiều người phấn khởi lắm vì 3 năm qua địa phương mình chưa bồi thường vụ nào. Nhưng như thế có phù hợp với tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo không? Tôi chắc còn xa lắm. Còn bồi thường cho dân, thương lượng rồi nhưng thủ tục quá rườm rà nên chậm chi trả”.

Theo báo cáo, sau ba năm thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ngày 31/12/2012, cả nước mới thụ lý hơn 180 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, đã giải quyết gần 140 vụ việc, chi trả bồi thường hơn 23 tỷ đồng.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận xét: “Chưa tin được con số báo cáo bồi thường trong thi hành án dân sự trong ba năm chỉ có 5,4 tỷ đồng. Vừa rồi, TAND Đồng Nai tuyên một cơ quan thi hành án dân sự phải bồi thường gần 2,6 tỷ đồng, ngành thi hành án và Bộ Tư pháp đều giật mình. Tình hình yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự rất phức tạp, số tiền yêu cầu chi trả trong mỗi vụ việc cũng khá lớn”.

Trong 3 năm qua, có đến 37/63 tỉnh, thành trên cả nước chưa thụ lý được yêu cầu bồi thường nào, kể cả những “điểm nóng” (Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Long An, Bình Dương…) dù lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gay gắt về thu hồi đất hằng năm vẫn tăng cao. Có 18/21 bộ, cơ quan ngang bộ cũng không thụ lý được yêu cầu bồi thường nào. Riêng Bộ Công an thụ lý hai yêu cầu bồi thường và đã giải quyết chi trả 180 tỷ đồng.

Trong 99 vụ việc thuộc trách nhiệm bồi thường của các cơ quan tố tụng chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực tố tụng hình sự (91 vụ), còn trong tố tụng dân sự chỉ có 8 vụ. Riêng ngành công an chỉ phát sinh một yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự. Thậm chí, ngành công an và ngành kiểm sát ở TP HCM và Hà Nội trong 3 năm qua cũng không phát sinh yêu cầu bồi thường nào.

Tại hội nghị, những con số “phấn khởi” trên đã gây nhiều băn khoăn không chỉ cho riêng Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Nhiều chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị đã đặt dấu hỏi: Phải chăng cán bộ, công chức thực thi công vụ tốt nên không có thiệt hại, không có yêu cầu bồi thường? Vì sao tình hình khiếu nại, tố cáo gay gắt nhưng người dân ít yêu cầu bồi thường?

Kết quả khảo sát của Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường cho thấy, trong lĩnh vực đất đai có 16% người dân không biết về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, tỷ lệ này lên tới 20%.

Cha con ông Vũ Đức Liêm, người vừa được TAND tỉnh Đồng Nai tuyên buộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom bồi thường gần 2,6 tỷ đồng. Ảnh: PL TP HCM

Theo Cục trưởng Cục Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh, nhiều ý kiến phản ánh là hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đến người dân còn hạn chế. Trên thực tế, có không ít trường hợp thuộc diện được bồi thường nhưng do không biết luật nên người dân không yêu cầu. Đến khi biết luật lại hết thời hiệu yêu cầu...

Giải đáp lý do vì sao 3 năm qua Hà Nội không thụ lý yêu cầu bồi thường nhà nước nào, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội trần tình: Thực tế, một số trường hợp khi phát hiện có sai phạm, làm trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân thì chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước đã chủ động áp dụng nhiều hình thức tự thương lượng, thỏa thuận bồi thường, khắc phục hậu quả nên không phát sinh yêu cầu bồi thường.

Chẳng hạn, huyện Mỹ Đức khi phát hiện xác định bồi thường hỗ trợ cho đất sai đã báo cáo đề nghị UBND thành phố cấp thêm 50 tỷ đồng để chi trả thêm nên không phát sinh yêu cầu bồi thường. Hoặc vụ bà Birgit Schauer (quốc tịch Đức) khởi kiện hành chính yêu cầu Cục Thuế Hà Nội hoàn thuế thu nhập cá nhân và bồi thường chi phí đi lại 50 triệu đồng, sau khi thương lượng, giải quyết thỏa đáng, bà Birgit đã rút đơn khởi kiện…

“Có làm sai, có làm trái pháp luật, có gây thiệt hại, nhất là trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại Hà Nội, luật sư cũng rất nhiều, vì sao người dân không mời luật sư đi đòi bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước? Đó còn là vì thủ tục rườm rà nên người dân không lựa chọn cách ấy”, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội thừa nhận.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng thủ tục đòi bồi thường nhà nước quá rườm rà, chưa phù hợp. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị Bộ Tài chính xem lại thủ tục cấp phát kinh phí để bồi thường nhanh hơn.

“Thủ tục hiện nay chậm quá. Thỏa thuận với dân được mức bồi thường rồi nhưng dân phải chờ nhận tiền lâu quá”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Pháp luật TP HCM

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây