'Bảo tàng khoa học là cần thiết ở Việt Nam'

Thứ năm - 21/03/2013 11:35 800 0
Tiến sĩ Phạm Văn Lực, nguyên giám đốc Bảo tàng thiên nhiên, cho rằng Việt Nam nên có bảo tàng khoa học vì nó sẽ rất có ích cho các thế hệ tương lai.

- Ông đón nhận tin tỉnh Đồng Nai đang có kế hoạch xây dựng một Bảo tàng khoa học như thế nào?

- Bảo tàng mà tỉnh Đồng Nai đề xuất xây dựng nếu thành công sẽ là bảo tàng đầu tiên của Việt Nam về khoa học công nghệ. Tôi đã đọc đề án của Bảo tàng và từng tham dự cuộc hội thảo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức do Bộ Khoa học công nghệ chủ trì. Tôi rất ủng hộ việc xây dựng bảo tàng khoa học đầu tiên này.

Bảo tàng tàng khoa học rất cần cho sự nghiệp giáo dục, mở rộng hiểu biết của công chúng về khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên.

Tiến sĩ Phạm Văn Lực. Ảnh: H.Thu.
Tiến sĩ Phạm Văn Lực. Ảnh: H.Thu.

- Vì sao ông lại ủng hộ đề xuất, trong khi hiện nay nhiều bảo tàng khác ở Việt Nam đang hoạt động không hiệu quả?

- Hệ thống bảo tàng ở Việt Nam nhiều, song đều là bảo tàng thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như bảo tàng quân sự, bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng nghệ thuật. Bảo tàng khoa học tự nhiên rất ít, đặc biệt là bảo tàng thiên nhiên, trong khi nhu cầu học sinh tới tham quan bảo tàng tự nhiên rất lớn.

Thông thường, bảo tàng khoa học là nơi lưu trữ những phát minh sáng chế của nhà khoa học, cán bộ nhân dân thuộc quốc gia đó và thế giới. Tuy nhiên, các phát minh sáng chế của ta về khoa học kỹ thuật không nhiều, thậm chí rất ít, không tầm cỡ như các nước phát triển khác như Mỹ, Anh, Pháp - họ đều là nước nền khoa học lâu đời với nhiều nhà khoa học tài giỏi và phát minh sáng chế. Do đó bảo tàng khoa học ở nước ta sẽ thiếu vật mẫu gốc.

Thế nên cần hiểu bảo tàng khoa học mà Đồng Nai đang xây dựng là bảo tàng về ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống và phát minh đơn lẻ mà chúng ta có được.

Bảo tàng đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu cần thiết cho nhân dân, đặc biệt là học sinh, bởi nếu các em vào bảo tàng khoa học sẽ học hỏi rất nhiều điều ở nhiều lĩnh vực như vật lý, địa chất, thiên văn.

Nếu Đồng Nai tổ chức tốt mô hình bảo tàng khoa học đầu tiên ở Việt Nam như nhiều nước khác trên thế giới, điều đó sẽ góp phần giáo dục rất tốt thế hệ con cháu chúng ta. Đến nước ngoài rồi nhìn về nước mình, thấy em nhỏ học "khan", học suông mà tôi thấy xót xa. Các em học sinh Việt Nam quá thiệt thòi.

- Là người làm trong lĩnh vực bảo tàng, ông có góp ý gì để hoàn thiện cho đề xuất xây dựng Bảo tàng khoa học Đồng Nai?

- Tôi suy nghĩ đến các vấn đề địa điểm, vật mẫu, cách tổ chức, đầu tư ra sao để Bảo tàng khoa học Đồng Nai tồn tại và phát triển.

Bảo tàng Đồng Nai nên đặt ở vị trí thuận tiện cho học sinh, bậc học phổ thông, thậm chí cả bậc đại học để các em có môi trường học tập tốt. Nếu chọn vị trí ko thuận lợi giao thông thì không phát huy tác dụng.

Ở nước ta, hiện có Bảo tàng dân tộc học phát triển nhất, với lượng khách tham quan đông nhất so với bảo tàng khác. Đó là bởi Bảo tàng Dân tộc học đặt ở vị trí thuận lợi. Nếu để bảo tàng ở huyện Ba Vì, Hà Nội thì chắc chắn nó không đạt kết quả như bây giờ.

Nhìn chung muốn bảo tàng phát triển, vị trí phải đó phải gần công chúng. Hãy thử tượng tượng, trong giờ học, học sinh có thể dành một đến hai tiếng đồng hồ lý thuyết rồi đi tham quan thực tế ở bảo tàng; sau đó các em sẽ quay trở về trường học ngay. Thứ hai, địa điểm đó phải có các phương tiện giao thông tập trung. Theo lời khuyên của một vị giám đốc bảo tàng ở New York, Mỹ, muốn xây dựng bảo tàng phải có 4 loại hình giao thông là tàu điện ngầm, tàu điện nổi, hệ thống xe buýt, taxi. Giao thông thuận lợi thì bảo tàng mới có khách. Nhiều người đến tham quan, bảo tàng mới tồn tại.

Mẫu vật cũng rất quan trọng. Bảo tàng khoa học không phải ở nơi có nhiều phát minh sáng chế gốc như ở Việt Nam, thì chúng ta chỉ có thể đưa phát minh nước ngoài thế giới vào, từ đó các em học sinh biết cái này do ai làm ra, phát minh ra sao, lịch sử khoa học công nghệ thế giới thế nào. Tôi nghĩ đây mới là cái đáng quan tâm cho bảo tàng.

- Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của đến án?

- Tôi tin Đồng Nai làm được. Một trong những cách làm có thể là ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo tàng tạo ra hiệu ứng vừa là trò chơi, vừa giúp các em học bài. Ví dụ như mỗi bộ môn có trải nghiệm riêng cho các em, như khi các cháu học môn vật lý, bảo tàng đó có chỗ cho các em học sinh sút bóng, khi đó ngay lập tức trên màn hình cho biết cú sút vừa rồi có tốc độ bao nhiêu, lực tác động quả bóng là bao nhiêu mã lực, tốc độ quả bóng bay bao nhiêu m/s. Hay một loạt máy móc khác như máy đo địa chấn tính trong lòng đất bây giờ chấn động như thế nào.

Với các ứng dụng hiện tượng tự nhiên gần cuộc sống như thế, các em có quan sát trực quan sinh động chứ không chỉ học lý thuyết suông.

- Số tiền đầu tư 60-70 triệu USD cho Bảo tàng khoa học Đồng Nai đang gây tranh cãi. Ông đánh giá khoản đầu tư này như thế nào?

- Dù Bảo tàng khoa học Đồng Nai thuộc cấp tỉnh quản lý, nhưng số tiền 50 triệu, 60 hay 70 triệu USD cho bảo tàng là con số không nhiều. Chúng ta phải hiểu rằng bảo tàng tồn tại hàng trăm năm, không phải công trình bình thường vài ba triệu năm là sẽ dừng lại. Đầu tư Bảo tàng phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ vật liệu xây dựng tới nội thất bên trong. Chúng ta còn phải sắm mẫu vật, mua mô hình nước ngoài rất tốn kém, nên ngần ấy tiền không phải nhiều, quan trọng là bảo tàng hoạt động thế nào để tồn tại, sau khi xây dựng nó sống như thế nào là cả vấn đề tính toán.

Nếu ai đó nói nên dành số tiền đầu tư cho khoa học thì số tiền này cũng không nhiều. Trong khi bảo tàng sinh ra phục vụ được hàng chục nghìn học sinh, các lớp học, các lứa tuổi.

Như tôi nói ở trên, nếu bảo tàng làm tốt sẽ rất bổ ích. Tôi đi nhiều bảo tàng trên thế giới thấy không khí các em đi ra đi vào tấp nập, tôi thấy thèm lắm. Còn các em trong nước chỉ đến lớp học suông thôi.

- Ông đánh giá thế nào về hoạt động các bảo tàng hiện nay ở Việt Nam?

- Nhiều bảo tàng hiện xây dựng xong nhưng không có khách, nếu có cũng vài ba người. Tuy nhiên, đó là do bảo tàng chưa biết cách làm, chưa biết truyền thông để mọi người kéo đến. Chỉ một vài bảo tàng như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Phòng không Không quân thu hút lượng khách nhất định tham gia.

Tôi chưa thống kê Việt Nam có bao nhiêu bảo tàng, nhưng tôi thấy nhiều bảo tàng nhỏ. Điều tôi nhận ra là các bảo tàng đang thiếu chuyên gia, thiếu người hiểu biết và tâm huyết. Cả nước chỉ có một khoa Bảo tàng thuộc Đại học Văn hóa đào tạo người không đủ cung cấp cho các bảo tàng đang có.

Bất cứ lĩnh vực nào đều có chuyên gia, bảo tàng cũng vậy. Thực tế, hầu hết bảo tàng dùng người không có chuyên môn. Vì thế, tôi nghĩ Việt Nam cần có chiến lược đào tạo nhân lực cho bảo tàng. Không có nhân lực, hoạt động bảo tàng đi không đúng mục tiêu. Muốn bảo tàng phát triển và được công chúng biết đến cần có người nắm bắt tốt để giới thiệu, thu vật mẫu, bảo quản, lưu giữ, thuyết minh mẫu vật, tất cả đều cần người chuyên môn.

- Theo ông, tại sao các bảo tàng hiện không thu hút người tới tham quan?

- Trước đây, nhu cầu dân chưa đòi hỏi cao về bảo tàng, gần đây đời sống cải thiện, nhu cầu tham quan bảo tàng mới có, nhưng các phương tiện giao thông ở Việt Nam chưa cải thiện nhiều, giả sử như tắc đường học sinh ra ngoài sẽ rất khó khăn ra khỏi ngõ đi đến bảo tàng trong khoảng thời gian ngắn. Vì thế, dù có nhu cầu, nhưng người ta chỉ đến bảo tàng một lần rồi thôi vì họ cảm thấy quá vất vả. Trên thế giới mọi người tới bảo tàng với cảm giác nhàn nhã bằng tàu hỏa, hoặc tàu điện ngầm.

Mặt khác, bản thân bảo tàng thiếu người hoạt động chuyên nghiệp, chưa có chiến lược, sách lược phát triển trong những năm tới. Như vậy có hai nguyên nhân từ chính phía bảo tàng và từ nhu cầu của người dân.

Hương Thu

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây