Nguyễn Trọng Tạo: háo danh và danh hão

Thứ hai - 12/07/2010 17:55 1.937 0

Nguyễn Trọng Tạo: háo danh và danh hão

“Cái danh Nhà thơ, Nhạc sĩ cũng sang”

Ông đã nói, nhà văn nhà thơ không ai sống được bằng nghề nhưng ngày càng nhiều người xưng danh nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ?

Có rất nhiều người háo danh. Những người này, chỉ cần có cái danh hão thôi cũng đủ cho họ sướng như lên đồng. Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Người ta thích danh, háo danh và có cả danh hão. Nhiều người cố tìm và bỏ ra hàng đống tiền để mua cho được cái danh. “Mua danh ba vạn” mà. Nhưng người ta thích cũng phải thôi, vì cái danh nhà thơ, nhạc sĩ cũng sang trọng đấy chứ.

Tuy nhiên, giá trị thực mới là điều đáng nói, người ta nhìn vào tác phẩm của anh, xem tác phẩm đó có hay không? Công chúng có công nhận không?

Những danh từ như nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ hiện giờ có vẻ như không phải quá khó để đạt được?

Nước ta có các hội chuyên ngành, hội Nhà Văn, hội Nhạc Sĩ, hội Mỹ Thuật… Ai vào được hội Nhà Văn thì gọi là nhà văn nhà thơ, ai vào hội Nhạc Sĩ thì gọi là nhạc sĩ và… cứ như vậy thành quen.

Phải nói rằng, cũng có những người, vì muốn vào hội nhà văn chẳng hạn, đã tự bỏ tiền ra in sách, nhờ viết bài giới thiệu khen sách của họ (điều kiện để vào hội Nhà Văn là phải có 2 quyển sách xuất bản và có dư luận tốt).

Có thể hiểu là điều kiện để vào các hội chuyên ngành đó chưa đáp ứng được mức độ chờ đợi của công chúng với các danh xưng nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ?

Đúng vậy. Để được gọi là nhà văn, nhà thơ thì không khó. Tuy nhiên, làm tới đâu, làm tới tầm nào, đó mới là điều quan trọng cho danh xưng của anh ta.

Viết theo đơn đặt hàng khó nói tới chất lượng

Trong một bài phỏng vấn, ông nói ông nghi ngờ những nhà văn giàu bằng nghề văn, liệu như thế có hơi tiêu cực?

Không ai có thể viết văn mà giàu được với chế độ nhuận bút hiện nay. Viết một cuốn tiểu thuyết mất cả mấy năm trời trong khi tiền nhuận bút thì chỉ được chừng 5-10 triệu đồng. Cứ nhìn mà xem, cả một đời văn của một người viết được mấy cuốn sách. Cho nên, làm gì thì giàu được chứ làm văn ở ta thì không thể giàu được.

Làm thơ bây giờ, thơ in báo một bài có một vài trăm nghìn đồng. Một tờ báo chuyên ngành như báo Văn nghệ của hội Nhà Văn, một năm 52 số, mỗi số in 10 bài thơ, như vậy có hơn 500 bài thơ được đăng. Mà riêng hội viên đã là hơn 1000 người rồi. Có người nhiều lắm in được dăm bài trong một năm. Vậy được bao nhiêu tiền?

Nghề văn là vậy, còn nhạc sĩ thì sao thưa ông?

Một nhạc sĩ Thụy Điển thấy người ta giới thiệu tôi là nhạc sĩ có hai bài hát nổi tiếng, Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê đã nói, nếu tôi có hai bài hát nổi tiếng như của ông, tôi sẽ đủ sống cho tới cuối đời.

Ở nước ngoài, một nhạc sĩ có bài hát nổi tiếng, họ có thể sắm được ô tô, nhà lầu, đi du lịch khắp thế giới. Ở Việt Nam, một bài hát thu đĩa người ta trả 500.000 đồng. Sau khi phát lại họ trả thêm nhuận bút là mấy phần trăm, tương đương với vài chục nghìn.

Ông có bao giờ cảm thấy ghen tỵ với họ?

Nói chung, sống ở đâu phải theo đó, nước mình là một nước lạc hậu so với thế giới, kể cả luật pháp. Cho nên vấn đề tác quyền có nhưng cũng chỉ là để… cho có thôi.

Nhiều nhạc sĩ phải năng động “kiếm sống” hơn bằng cách họ sáng tác những bài tỉnh ca, công ty ca…?

Đó gọi là viết theo đơn đặt hàng, là đánh thuê. Ví dụ, công ty nào đó mời viết bài hát cho họ, trả 5 triệu đồng, 10 triệu đồng có khi nhiều hơn. Nhưng những bài hát đó có hay không? Liệu người nhạc sĩ có viết bằng trái tim hay không? Hay viết theo đơn đặt hàng công ty yêu cầu sao thì viết vậy, khó mà nói tới chất lượng. Tôi rất hiếm khi viết theo đơn đặt hàng. 

Hiếm nghĩa là vẫn viết. Vậy “những đơn đặt hàng” như thế nào thì ông nhận?

Những lúc họ mời mình tha thiết quá, cũng nể. Cũng có nơi nhận lời rồi, đưa đón đi thực tế rồi mà về vẫn chẳng viết được bài hát họ muốn. Thà cáo lỗi với họ còn hơn là cố rặn ra bài cho có. Tuy vậy, cũng có nơi, tôi nhận lời rồi thấy hào hứng là viết được liền. Bài “Đôi mắt đò ngang” nhiều ca sĩ bây giờ vẫn hát chính là một bài hát viết theo đặt hàng của huyện Nam Đàn năm 1995.

Ông là thành viên Ban giám khảo cuộc thi “sáng tác bài hát về Hiến máu nhân đạo” nghĩa là nếu ông có gửi bài tham dự, thì cũng không được xét để trao giải. Vậy lý do gì khiến ông vẫn viết ca khúc “Tình yêu cho em” gửi cho cuộc thi?

Thực ra đề tài “Hiến máu nhân đạo” là một đề tài mà bất cứ người nghệ sĩ nào cũng đáng quan tâm. Nó là câu chuyện nhân văn con người vì con người. Vì vậy khi được mời làm giám khảo cuộc thi cùng các nhạc sĩ Trọng Bằng, Đỗ Hồng Quân… tôi đã suy nghĩ nhiều, và cảm xúc ập đến, tôi đã viết được một ca khúc hưởng ứng cuộc thi. Dù không dự giải thưởng, nhưng tôi thấy vui vì mình cũng góp được tiếng nói nghệ thuật trong cuộc vận động lớn lao đó.

Chủ đề hiến máu tương đối khô khan, nhưng điều gì đã khiến ông lại viết ca khúc “Tình yêu cho em” rất “ngọt”?

Tôi nghĩ đó là tình yêu. Tôi coi việc hiến máu như chính tình yêu “mãi lặng thầm như phù sa”…

Xin cám ơn ông!

Tác giả: Hà Anh

Nguồn tin: bee.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây