Hải Miên: 'Văn chương cần sự thành thật'

Thứ bảy - 09/10/2010 02:45 2.202 0

Hải Miên, cây bút đoạt giải 3 cuộc vận động sáng tác "Văn học tuổi 20".

Hải Miên, cây bút đoạt giải 3 cuộc vận động sáng tác "Văn học tuổi 20".
Là cây bút được nhiều bạn đọc trẻ yêu thích, Hải Miên từ giã văn chương để lăn lộn với nghề báo trong một thời gian. Gần đây, chị quay lại viết lách bằng tập truyện 'Visa' đoạt giải 3 Văn học tuổi 20. Cây bút nữ chia sẻ về công việc của mình.

- Bén duyên với văn chương từ thời còn là sinh viên, vì sao chị ngừng viết văn để quay sang công việc làm báo?

- Bài báo đầu tiên tôi viết vào năm 1995, chính thức đi làm báo năm 1998. Tôi học chuyên văn từ bé. Thi đại học khối C. Tôi học Báo chí, ra trường đi làm báo. Bận tối mắt, và cũng đã vắt kiệt mình ra chữ (cho báo). Thêm nữa khi bạn làm báo chuyên nghiệp, thì lối tư duy báo chí rất khác với lối tư duy văn học. Thế là phải "hai chọn một". Cái "rãnh trượt" ấy xem ra rất tự nhiên và đương nhiên.

- Vậy vì lý do gì sau một thời gian dài chị lại quyết định ngừng làm báo quay về viết văn?

- Tôi mới dừng làm báo năm ngoái đây thôi. Nghề nghiệp nào cũng đem lại cho chúng ta thu nhập và vốn sống (cùng nhiều thứ lỉnh kỉnh khác). Nghề báo không độc quyền cung cấp vốn sống cũng như nỗi mệt mỏi tâm hồn cho ai cả. Chỉ là đến một lúc, tôi muốn nói những câu chuyện khác bằng một giọng điệu khác, một tâm thế khác. Con người cá nhân tăng trưởng đến mức nó không còn đi lọt vào cái khe hẹp báo chí. Thế là dừng.

Tôi không dùng văn chương để thay thế cho báo chí. Viết văn là do thôi thúc nội tại, nên có lần tôi đã nói: "Tôi viết văn để được yên thân". Yên thân với những thôi thúc, nài nỉ nội tâm, cái tiếng nói đã không ngừng tra vấn tôi: "Bao giờ thì cô bắt đầu?".

- Nếu nói việc quay lại văn chương là một thôi thúc nội tâm thì sao chị chọn một cuộc thi để quay lại chứ không phải một lúc nào khác?

- Có một sự hiểu lầm nhỏ ở đây, không có câu hỏi này của bạn thì tôi không có dịp "nói lại cho rõ".

Tôi bắt đầu viết lại 3 tháng sau khi ngừng làm báo. Viết để đó. Cuộc thi chỉ là thời điểm tôi chọn để xuất hiện lại. Vì giải thưởng Văn học tuổi 20 có những tiêu chí cụ thể, riêng biệt của nó, nên tôi phải viết ra những truyện mới mà không thể dùng những truyện có sẵn, trừ Một người con của mẹ Âu Cơ.

- Nguyễn Quốc Duẩn - nhà bảo trợ nghệ thuật, người chị trân trọng viết lời cảm ơn ngay từ đầu tập sách 'Visa' - đóng vai trò như thế nào với công việc viết văn của chị?

- Nguyễn Quốc Duẩn là người đã nói: "Đừng lần lữa nữa. Bỏ hết đi. Làm điều em muốn. Làm điều gì đó cho một viễn cảnh xa hơn. Anh nuôi".

Anh cũng là người nói: "Em có tài. Đủ tài. Em chỉ thiếu sự kiên nhẫn và kiên định".

Anh nói và anh làm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi có thể quay lại với việc viết lách.

Anh không là người viết, cũng không tôn sùng văn chương như thái độ của nhiều người, nhưng anh yêu mến sự sáng tạo và trân trọng con người sáng tạo. Anh biết họ phải được nuôi dưỡng trong một bầu dưỡng khí đặc biệt mới có thể sống được như - họ - vốn - là. Và hiện giờ, anh là người tạo ra và duy trì bầu dưỡng khí đặc biệt ấy cho tôi.

- Chị cho rằng khoảng thời gian 3 tuần viết tập truyện ngắn "Visa" để dự thi Văn học tuổi 20, chị đã sống thành thực với mình, thành thực với văn chương nhất. Theo chị, sự thành thật là yếu tố cần hay đủ cho một người viết muốn gắn bó lâu dài văn chương?

- Với tôi, viết là nhìn sâu vào thế giới nội tâm mình, đối diện với tâm hồn mình, cả những góc khuất tối tăm. Theo một nhà thơ, viết là hành động "diễn dịch mình bởi chữ", để khám phá và soi sáng chính mình, trước khi nghĩ đến làm được điều gì đó cho ai khác. Không thành thật với mình thì làm sao thành thật với văn chương? Không thành thật với văn chương thì cái chúng ta gửi đến cho bạn đọc cùng lắm chỉ là những trang viết "giả cầy". Và những trang viết "giả cầy" thì cũng chỉ tập hợp được xung quanh nó những bạn đọc "giả cầy" với những tiếng vỗ tay hay chửi rủa cũng "giả cầy" nốt. Đó là thứ mà tôi không mơ ước.

Tập truyện ngắn đoạt giải của Hải Miên.

- Trong tập truyện ngắn "Visa", những cô gái trẻ có cá tính đặc biệt, mạnh mẽ và ngang tàng. Trong hình bóng những nhân vật này có bao nhiêu phần trăm là con người thật của chị?

- "Họ không phải là tôi nhưng luôn có chút gì hình bóng của tôi", nói vậy là sòng phẳng nhất về mối liên hệ giữa nhân vật và tác giả. "Khó khuất phục", đó có lẽ là đặc điểm mà tôi đã cho nhân vật "vay mượn" của mình thường xuyên nhất.

- Vì sao chị chọn giọng văn hài hước để thể hiện những câu chuyện khá buồn và đôi khi còn thấm đẫm chất bi kịch?

- Giọng văn của tôi ảnh hưởng tính cách của tôi chăng? Tôi có xu hướng hài hước hóa mọi chuyện, kể cả nỗi buồn và nỗi đau (của chính tôi thôi). Khi nhìn mọi sự nặng nề và buồn thảm của đời này qua lăng kính hài hước, may ra ta thấy có chút gì lóe lên của ánh sáng trí tuệ. Và chút ánh sáng này sẽ soi sáng cho ta chứ không phải là những nức nở, nhòe nhoẹt kia.

Nói chung, tôi vẫn muốn nhìn thấy một nụ cười qua làn nước mắt. Với tôi, đấy là nụ cười đẹp nhất.

- Vì sao truyện ngắn của chị thường phảng phất những câu ca dao, dân ca, tục ngữ, thơ ca và nhiều trích dẫn?

- Bạn đang hỏi đến chuyện bếp núc văn chương, nói ra cho rõ sẽ rất dài dòng. Tôi xin nói đại khái: Ca dao, dân ca, tục ngữ, thơ ca và nhiều trích dẫn... nằm trong trường liên tưởng của tôi. Trường liên tưởng này liên quan đến quá trình tích lũy văn hóa, tri thức của cá nhân mỗi người.

Tuy nhiên, khi tôi để cho những yếu tố của trường liên tưởng này xuất hiện trong trang viết, là bởi vì nó phù hợp với bối cảnh câu chuyện và nhân vật trong truyện. Ở một truyện khác của tôi (vừa viết), bạn sẽ thấy chả có hình bóng của câu ca dao, tục ngữ, hò vè nào cả, mà chỉ có sủa thôi, sủa khan, vì nhân vật chính là một con chó!

-Trên những trang viết chị có cái nhìn khá buồn về tình yêu và cuộc sống. Nhưng, ở lời tự bạch trong tập truyện ngắn mới nhất của mình, chị lại cho biết: “đang sống những ngày vui xen lẫn với ngày vừa”. Vì sao thế?

- Viết văn, với tôi, là diễn đạt "cái tôi sâu thẳm" thành lời.

Sống, là diễn đạt "cái tôi xã hội" sao cho hài hòa trong mối tương quan "Anh - Tôi".

Hai "cái tôi" này không phải luôn luôn trùng khít lên nhau, dù ít nhiều có đổ bóng vào nhau.

Do đó, ta có thể thấy một người đàn ông cực kỳ hấp dẫn, hài hước, sinh động trong đời thường nhưng lại là một nhà văn vô cùng nhàm tẻ trong văn chương; và ngược lại.

- Chị nghĩ gì về nhận xét của nhà văn Phan Thị Vàng Anh dành cho phong cách văn chương của chị: "Ở Hải Miên không thấy sự say chữ, chỉ thấy sự say ý"?

- Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ, nó dùng ngôn ngữ làm phương tiện biểu đạt. Và trong nghệ thuật, phương tiện cũng có thể là mục đích cuối cùng, nên có người say mê vẻ đẹp của từ ngữ, tỉ mẩn đẽo gọt như cụ Nguyễn Tuân, như bác Lê Đạt, khiến cho mỗi câu văn đều ngân lên, mỗi từ ngữ đều phát sáng. Riêng tôi, tôi quan tâm hơn đến cấu trúc, dàn dựng, bày binh bố trận - với phương tiện là ngôn ngữ. Tuy nhiên, tôi hiểu ý của nhà văn Vàng Anh. Tôi coi đấy là một lời nhắc nhở có giá trị đối với mình.

- Khác với nhận xét của Phan Thị Vàng Anh, nhiều người cho rằng chị khá tinh và đáo để trong cách dùng từ. Những truyện ngắn như "Một người con của mẹ Âu Cơ", "Chữ của tôi", "Chị em thú nhún" có ngôn từ sinh động, giàu màu sắc và cảm xúc. Chị nghĩ sao?

- Với những người đọc khác nhau, chúng ta có những cảm nhận khác nhau, đánh giá khác nhau, đòi hỏi khác nhau. Tập Visa có thể thỏa mãn đối tượng này mà chưa thỏa mãn đối tượng khác, điều ấy không có gì là mâu thuẫn nên không cần phải bàn cãi để phân định. Cảm nhận của con người đối với mọi sự vật, hiện tượng đều mang tính đặc thù, cá nhân và bấp bênh, nên nói cho cùng, "mọi sự đều tương đối".

Với Vàng Anh hay các bạn đọc khác cũng vậy, đều không thể đứng ra ngoài sự tương đối này. Tuy nhiên, tôi vẫn xem mức độ đòi hỏi của Vàng Anh là một mức độ mình cần phải nhớ mỗi khi cầm bút.

- Giải thưởng cuộc vận động sáng tác "Văn học tuổi 20" có ý nghĩa như thế nào trên con đường viết lách của chị?

- Hành trình văn chương của một người thường được miêu tả và liên kết lại bởi những cột mốc. Tập Visa là một cột mốc, tôi xem là cột mốc khởi đầu, đánh dấu thời kỳ viết văn có ý thức của tôi (trước viết ăn vào năng khiếu, và rất bản năng. Truyện viết ra hay cũng không biết nhờ đâu mà hay, dở cũng không biết vì sao mà dở). Từ cột mốc này, tôi khởi hành chuyến tàu chữ nghĩa của mình, về một miền không khi nào có ga cuối.

- Sau giải thưởng này, thái độ của chị với văn chương đổi khác ra sao?

- Để bù đắp cho tư tưởng nghèo nàn của mình, tôi thường trích dẫn. Giờ tôi lại trích dẫn đây: "Trên con đường đi đến đỉnh cao nghệ thuật, có la liệt những nấm mồ vô danh" (không nhớ ra là của ai). Trước tôi vùng vằng, muốn bứt ra khỏi hàng ngũ "la liệt những nấm mồ vô danh" đó. Giờ thì không vùng vằng nữa, biết chấp nhận văn chương như một phần hoạt động sống của mình, mà là phần hoạt động sống quan trọng, mặc cho khi ngã xuống, mình rơi vào cái huyệt mộ nào, "vô danh" hay "có danh"!

Tác giả: Thoại Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây