Cao Tự Thanh: 'Với việc dịch, một chữ cũng không được coi thường'

Thứ sáu - 18/09/2009 12:14 2.109 0

Dịch giả Cao Tự Thanh trong ngày ra mắt bộ sách dịch công phu của ông.

Dịch giả Cao Tự Thanh trong ngày ra mắt bộ sách dịch công phu của ông.
Trong giới dịch thuật, Cao Tự Thanh nổi tiếng là người làm việc nghiêm túc và tâm huyết. Nhân dịp ra mắt bộ sách mới, ông chia sẻ những suy nghĩ về sự phát triển của tiểu thuyết võ hiệp.

- Cơ duyên nào khiến ông dành thời gian của mình để chuyển ngữ bộ "Thẩm Thăng Y truyền kỳ hệ liệt"?

- Cơ duyên gì đâu. Khoảng 1997 có người thuê dịch ba quyển Ma đaoThất dạ câu hồn và Vô Trường công tử theo bản in của Thái Bạch Văn nghệ xã ở Trung Quốc xuất bản năm 1994, đề tên tác giả là Cổ Long, thì tôi dịch. Sau đó, tôi dịch thuê cho Phương Nam mấy bộ của Cổ Long, thấy danh mục tác phẩm Cổ Long không có bộ này, tìm hiểu trên mạng biết là của Hoàng Ưng cũng tìm đọc cho rõ hơn. Sau đó chịu ơn một người cũng là dịch giả truyện võ hiệp, nên tôi dịch tặng truyện Truy lạp bát bách lý, mất khoảng 3 ngày nhưng nhờ thế mà biết văn bản trên mạng không sao tin được. Sẵn có người cháu đi học ở Trung Quốc, tôi nhờ y mua trọn bộ, đọc thấy hay nên cũng tiện tay dịch thêm vài quyển, bây giờ có người mua thì tôi bán. Chủ yếu là tiền duyên (duyên tiền bạc) thôi...

- Ông bắt tay dịch "Thẩm Thăng Y" từ khoảng thời gian nào và trong bao lâu thì hoàn thành những tập đầu của bộ sách này?

- Tôi giao 10 truyện đầu tiên cho bên xuất bản từ tháng 11 năm trước, trong đó 3 truyện dịch năm 1997 chỉ gọt sửa lại chứ không phải dịch từ đầu. Còn 7 truyện kia thì mất khoảng chín, mười tuần gì đó. Nói chung với kiểu dịch của tôi thì mỗi ngày có thể dịch 3-40 trang bản gốc, tiểu thuyết võ hiệp thì càng nhanh hơn.

- Theo ông, nét hấp dẫn của "Thẩm Thăng Y" nằm ở đâu?

- Có nhiều nét hấp dẫn và mỗi người sẽ bị thu hút bởi một hay một số nét khác nhau. Nhưng theo tôi nét hấp dẫn nhất là nhân vật Thẩm Thăng Y tuy có chỗ phi thường nhưng lại suy nghĩ xử sự rất bình thường, nó khác nhiều kẻ bất thường lại cứ tự thấy mình là phi thường.

- Trong quá trình dịch bộ sách này, ông gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

- Thì cũng như nhiều bộ khác, thuận lợi ở chỗ bên xuất bản ứng tiền trước, và khó khăn ở chỗ lâu quá sách mới in, thành thử ngoài vấn đề tài chính còn hơi bị giảm sút nhiệt tình.

- Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm trong quá trình chuyển ngữ bộ sách?

- Có một chuyện mà tôi không bao giờ quên. Tức là hồi đó tôi chơi blog, ký được hợp đồng cũng ngứa miệng khoe sẽ dịch bộ này, có một blogger vào comment khuyên nên cẩn thận vì đã có người dịch truyện nọ truyện kia. Trước kia tôi dịch Huyết anh vũ, Phương Nam in chậm, có người khác dịch đưa lên mạng, đến khi sách ra thì một đám hào sĩ giang hồ xông vào chửi tôi đạo văn ăn cắp bản dịch kia. Cho nên lần này tôi rất cẩn thận, nhưng vào mạng xem thử thì bản dịch ấy theo văn bản trên mạng dịch chập hai truyệnNgân kiếm hận với Thập tam sát thủ thành một, thành ra đầu trâu không khớp với mõm ngựa, lại bỏ sót mất một trang cuối của Thập tam sát thủ... Đang cười thầm sực nghĩ ra, giật mình xem kỹ lại mới thấy truyện Truy lạp bát bách lý vì tôi dịch theo văn bản trên mạng nên lầm tên nhân vật Lý Đông Dương thành Lý Lạc Dương (chữ giản thể nên dễ lầm), may mà chưa in chứ nếu không thì hậu quả thế nào thật là không dám nghĩ tới nữa. Không biết chuyện này có đáng gọi là kỷ niệm không, nhưng nó nhắc tôi là một chữ cũng không được coi thường.

- "Thẩm Thăng Y truyền kỳ hệ liệt" gồm 24 truyện nhưng hiện chỉ mới có 6 truyện được in thành 4 tập. Bao giờ tác phẩm này được giới thiệu trọn bộ?

- Chuyện đó do bên xuất bản quyết định chứ tôi chỉ dịch thôi. Hiện tôi còn thiếu văn bản in của 5 truyện đang nhờ mua, nếu có đủ sách và bên xuất bản có kế hoạch cụ thể thì nhiều lắm là sau nửa năm tôi có thể giao đủ bản dịch 24 truyện.

- Lời khuyên của ông dành cho những độc giả khi muốn tiếp cận bộ sách này?

- Tôi không dám khuyên ai, chỉ nghĩ nếu sau khi đọc Thẩm Thăng Y truyền kỳ hệ liệt mà người đọc khôn ngoan hơn đồng thời nhân hậu hơn thì đó là điều may mắn, nhưng đó là một gợi ý của văn học nói chung chứ không riêng gì tiểu thuyết võ hiệp. Tiểu thuyết võ hiệp chủ yếu là sách giải trí, thi pháp của nó dễ đưa người đọc vào một không gian khác với hiện thực đời sống, cứ việc say sưa với không gian ấy lúc đọc nhưng khi đã buông sách xuống thì nên tỉnh táo để trở lại với hiện thực là hay. Trước kia lúc còn chơi blog, dịch quyển Truy lạp bát bách lý tặng người khác đưa lên blog xong, tôi nhận được cả trăm thư mời add nick, trong đó có những câu đại khái như "Tiểu đệ muốn qua truyện võ hiệp tìm hiểu nhân tình thế thái, mong được theo đại huynh để học hỏi" vân vân, mà lúc ấy vụ sập cầu Cần Thơ đang làm xúc động dư luận...

- So với trước đây, độc giả của thể loại tiểu thuyết võ hiệp đang ngày co cụm lại, theo ông ngoài nguyên nhân thay đổi về nhịp sống xã hội, còn điều gì khiến không có nhiều độc giả tìm đến loại truyện này?

- Năm 1975 tôi 20 tuổi, về tới Sài Gòn thấy tiểu thuyết võ hiệp là đọc như điên. Nhiều bạn bè của tôi cũng thế, nhưng qua vài năm thì đều không hứng thú lắm với loại truyện này nữa. Rõ ràng một trong những yếu tố khiến người ta ưa thích tiểu thuyết võ hiệp là lứa tuổi. Cho nên có rất nhiều lý do dẫn tới tình hình tiểu thuyết võ hiệp thất thu bạn đọc mà cô vừa nói, và một trong những lý do đó có thể là thanh thiếu niên hiện nay trưởng thành sớm hơn thế hệ chúng tôi...

- Theo ông, đâu là đóng góp của thể loại tiểu thuyết võ hiệp cho đời sống hôm nay?

- Thi pháp của tiểu thuyết võ hiệp liên tục mở rộng theo sự tiến bộ của kỹ thuật và sự phát triển của xã hội, nên ít nhất nó cũng làm đời sống văn học nghệ thuật của chúng ta bớt đơn điệu nhàm chán. Dĩ nhiên nhiều tác giả Việt Nam hiện nay cũng nỗ lực "đổi mới" để thoát ra khỏi sự đơn điệu nhàm chán trong quá khứ, nhưng chính vì thế mà văn học nghệ thuật lại rơi vào chỗ đơn điệu nhàm chán của sự "đổi mới".

- Vì sao văn học Việt Nam chưa có một dòng riêng rõ nét cho thể loại tiểu thuyết võ hiệp?

- Tiểu thuyết võ hiệp là sản phẩm của xã hội thị dân, không có xã hội thị dân thì nó không có đất sống. Những tác phẩm loại Càn Long du Giang Nam,Thất hiệp ngũ nghĩa ở Trung Quốc hay Ba chàng ngự lâm pháo thủ ở Pháp, Ivanhoe ở Anh đều thuộc loại này, mặc dù đó là xã hội thị dân phong kiến. Ở Việt Nam mà nhất là ở miền Bắc trước thời Pháp thuộc do kinh tế thương nghiệp bị rẻ rúng nên tầng lớp thị dân phong kiến bị chèn ép, thể loại này do đó cũng nảy sinh rất muộn. Nhưng theo chỗ tôi biết, trước 1945 rồi trong thời gian 1945-1954, ở cả hai miền Nam Bắc đều có loại tiểu thuyết này, dĩ nhiên chủ yếu vẫn trong khuôn khổ thi pháp võ hiệp truyền thống. Sau 1954 thể loại này vẫn phát triển ở miền Nam, đến khoảng 1965 trở đi thì bị dòng tiểu thuyết võ hiệp hiện đại của Hương Cảng, Đài Loan lấn át. Sau 1975 tiểu thuyết võ hiệp bị liệt vào loại sách cấm, ngay cả sau thời mở cửa, khi phim võ hiệp đã được nhập và chiếu tràn lan thì sách võ hiệp vẫn chưa được xuất bản. Nhắc lại một chút quá khứ để thấy rằng quan niệm chính thống có thể thúc đẩy hay kiềm chế sự phát triển của các thể loại văn học nghệ thuật như thế nào thôi...

Ông dịch khá nhiều: "Anh hùng xạ điêu", "Lộc Đỉnh ký" của Kim Dung, "Ngọa hổ tàng long" của Vương Độ Lư, "Đại Đường du hiệp ký" của Lương Vũ Sinh, "Huyết anh vũ", "Lưu tinh hồ điệp kiếm" của Cổ Long... Tiếp xúc với nhiều tiểu thuyết võ hiệp như thế, thế giới "anh hùng võ hiệp" này ảnh hưởng đến cuộc sống đời thực của ông như thế nào?

- Trước kia thì ảnh hưởng nhiều lắm, chẳng hạn bất tài nhưng muốn làm người hùng, lớn rồi mà có khi hung hăng như thanh niên. Nhưng từ khi dịch thuê kiếm sống thì khác. Thế giới "anh hùng võ hiệp" ấy là thế giới (và nguyện vọng về thế giới) được nhìn qua lăng kính của thi pháp tiểu thuyết võ hiệp, nó cũng giống như mọi thế giới khác kể cả thế giới mà nó phản ảnh. Cho nên vấn đề là "thi pháp" sống của từng người, nếu đã là anh hùng thì không cần mượn không gian võ hiệp cũng cứ là anh hùng như thường.

Tác giả: Anh Vân

Nguồn tin: eVăn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây