Văn Giá thâm trầm mà nồng hậu, chí tình mà nghiêm ngắn trong văn, trong đời

Thứ hai - 17/08/2009 11:47 2.328 0

Nhà văn - nhà giáo Văn Giá (ảnh Khánh Thư)

Nhà văn - nhà giáo Văn Giá (ảnh Khánh Thư)
Nói đến cây bút lý luận - phê bình văn học Văn Giá là nói đến một người Văn luôn chuyên chú của những ân tình chữ nghĩa. Đấy là những đằm thắm, trầm bổng trong đời sống và đời viết, những số phận - hồn cốt của trang người, trang văn.

Đến năm 1998, tôi đọc và biết tiến sỹ Văn Giá qua sách - báo và một vài gặp gỡ thảng hoặc nào đấy. Không ngờ sang năm 1999 tôi lại được làm học trò thực thụ của Thầy. Trong tôi lâng lâng một tình cảm thân thiết, vui mừng và ấm áp. Thế là từ nay tôi được “làm thân” với một nhà nghiên cứu phê bình văn học đang sung sức và nổi tiếng.
Làm học trò tại chức, lại là tại chức báo chí, chúng tôi tự hào và ngang ngang lắm. Với lũ chúng tôi (đã và đang làm báo) thì việc được đi học, đã thấy mình trưởng thành và oai lắm rồi. Có lẽ thế mà dạo ấy, nhiều học viên ra dáng “bảnh choẹ” ăn nói xưng xưng. Đôi người còn tán chuyện như kiểu đồng nghiệp với thầy cô lúc ngoài giờ. Cũng có thầy cô vui vẻ tiếp nhận. Có thầy nghiêm mặt “đồng nghiệp gì với các anh”, làm học trò tá hỏa. Riêng tôi tất nhiên là không dám lơ mơ rồi, vào giờ học thì ngồi ngay ngắn… để làm thơ. Đến giờ ra chơi, tôi tránh va chạm chỗ đông người. Cứ thế, qua nhiều môn học tôi ít gặp gỡ được các thầy cô. Tới một ngày, tiến sỹ Văn Giá xuất hiện. Vào giờ ra chơi tôi đến chào thầy. Văn Giá hơi bất ngờ và rất vui vì trong lớp học của mấy tỉnh phía Bắc này lại có đến hai “ông nhà thơ” cơ đấy (tôi và Đinh Công Thuỷ - ở Tuyên Quang). Sau hàn huyên trò chuyện, Văn Giá đề nghị (đại ý): thôi, đều là bạn viết với nhau, người mạnh cái này, người mạnh cái khác, chúng ta là anh em cả. Hoá ra mình được trao đổi một phần kiến thức với các bạn… chúng mình gọi nhau là anh em nhé, đừng gọi thầy.

Tất nhiên, sau đấy “thầy nói thầy nghe”, tôi và Thuỷ nhất nhất gọi thầy. Còn Văn Giá thì luôn xưng anh, xưng bác, gọi chúng tôi là các chú, các ông em. Do sắp xếp của Phân Viện, thầy Văn Giá đã dạy chúng tôi hai môn: Cơ sở văn hoá Việt Nam và Lý luận văn học. Với thời gian học như thế, tình cảm giữa chúng tôi đã được gắn kết. Từ độ ấy đến tận hôm nay, Văn Giá vẫn luôn hồn hậu, cởi mở, chí tình quan tâm săn sóc rất nhiều tới chúng tôi. Hoặc gặp mặt ở đâu đó, hoặc qua alô, Văn Giá thường nhắc hỏi tới chúng tôi sáng tác ra sao, gia đình thế nào… Thỉnh thoảng anh lại chuyển cho chúng tôi những bản thảo bài vở “nếu thích thì đọc vui”. Hoặc có những cuốn sách nào đấy đáng đọc, anh hỏi đọc chưa, nếu chưa có anh lại gửi cho. Văn Giá hay nhắc chúng tôi: có bài này, bài kia ở chỗ nọ chỗ kia đấy, đọc chưa… Và đôi khi cao hứng, anh còn thay mặt tác giả gửi cả cho tôi những bài viết mới của bạn bè mà anh tâm đắc. Những bài viết luôn có độ sáng, sắc - nặng - uyên thâm về ngôn ngữ, về vấn đề, về nghệ thuật văn chương và sự thấu đáo nhân tình thế thái. Tôi lấy làm tự hào, cảm động và biết ơn người thầy - người bạn với nết đẹp “hay cho bài” của Văn Giá. (Về nết đẹp cho sách và bài vở này, tôi còn phải nhắc nhớ và biết ơn tới các anh Dương Kiều Minh, Nguyễn Hoà, Bùi Văn Trọng Cường... nữa).

Tôi biết, Văn Giá từ tin yêu, chia sẻ đến đồng cảm (nhất là trong sáng tác) nên anh quý mến tôi và những bạn Văn trẻ khác. Thi thoảng Văn Giá thường “lặng lẽ” đón xe ca một mình lên chơi gia đình tôi, cả từ lúc nhà tôi còn ở phố đến khi chuyển về làng. Mấy năm nay, gia đình tôi chuyển cư về một làng đồi gần bên chân núi Đền Hùng. Văn Giá thường “chạy trốn” áp lực công việc bằng cách lên tôi chơi. Những chuyến đi như thế (hoặc đến với một số bạn bè khác) ngoài những định kỳ về nhà thăm bố mẹ ở quê Bắc Giang, là một tính cách đặc biệt. Anh hay thổ lộ: Các ông ở địa phương (như Đỉnh) mà vẫn sáng tác được, không bị lạc hậu, lại có giọng riêng,  ngoài một số yếu tố thông thường nhà nghề, còn có yếu tố nữa là các ông biết “chơi” khá gắn bó với Hà Nội và những trung tâm văn hoá lớn. Còn mình, ở Hà Nội thì lại rất thèm và phải cố gắng có những chuyến đi về với bạn tâm giao ở những miền quê.

Nhớ dạo tháng 9 - mùa thu 2006, tôi đi dự Trại sáng tác văn học do Liên Hiệp các Hội VHNT Việt Nam mở tại Đại Lải. Dù bận rộn mải mê với cuộc sống đời thường, dịp ấy tôi đã đăng ký với Hội văn nghệ tỉnh để được đi “đầu tư cho sáng tạo” lấy ít ngày. Về Đại Lải được 2 ngày, tôi liền nhớ đến Văn Giá. Tôi alô cho anh rằng tôi đang chờ anh ở Đại Lải đây. Thế là điện tối hôm trước, gần trưa hôm sau đã thấy một ô tô con lừ lừ tiến vào sân Nhà sáng tác. Tôi cùng bạn Phạm Minh Hoàng (Chánh văn phòng Hội Hưng Yên) ra đón. Người xuống xe đầu tiên là tiến sỹ Chu Văn Sơn. Anh vừa bước xuống xe vừa mỉm cười nói to và chỉ vào trong xe: Văn Giá đã điều động lên đây gặp Đỉnh cả một sê-ri tiến sỹ nhé. Xuống xe, Văn Giá giới thiệu nhân vật mới: Đây là bạn Trung Anh - Tiến sỹ Xã hội học của Học viện Nguyễn Ái Quốc, hôm nay kiêm lái xe cho đoàn. Sau bữa cơm trưa thân mật tại nhà ăn của Nhà sáng tác, chúng tôi có cả buổi chiều thanh khiết bên mép hồ Đại Lải. Chiều ấy, tôi được ngạc nhiên về các ông thầy - những người bạn lớn của mình. Chu Văn Sơn ôm từ xe ô tô ra một cây đàn ghi-ta thật điệu nghệ. Hoá ra cả Văn Giá, cả Chu Văn Sơn, cả Trung Anh còn đều là các nhà thơ, nhạc sỹ, ca sỹ… vừa ôm đàn vừa hát thật huyền hoặc. Bên màu nước hồ ngời ngợi xanh non, dưới tán xoà u tĩnh của rặng thông khẽ rì rầm trong gió và trong âm nhạc xao động nồng nàn… thốt nhiên 5 chúng tôi như không phải của ngày tháng ấy. Nhìn ngắm Văn Giá đàn và hát, tôi chợt nghe lòng mình bâng khuâng thanh nhẹ: nhà khoa học, nhà giáo Văn Giá nghiêm ngắn lúc nào, giờ lại đã đằm thắm hồn hậu trong veo như lúc này đây. Cung bậc và “thanh điệu” tâm hồn con người khi đã thuộc về văn chương, dành cho văn chương tất cả… là cao trọng và tha thiết với cuộc sống biết nhường nào (Từ ấn tượng này, tôi chợt nhớ tới nhà văn trẻ Phạm Duy Nghĩa. Tôi không nhớ nổi đã mấy lần và ở đâu đã cùng hát karaoke với Phạm Duy Nghĩa. Nhưng tôi nhớ rõ là giọng hát của Nghĩa rất ám ảnh tôi. Văn chương của Nghĩa thật hồn cốt, trang nhã và ma mị, còn giọng hát của Nghĩa cũng lại thảng thốt - da diết đến nghẹn ngào, như nức nở trước đời sống vậy?...).

Nói đến cây bút lý luận - phê bình văn học Văn Giá là nói đến một người Văn luôn chuyên chú của những ân tình chữ nghĩa. Đấy là những đằm thắm, trầm bổng trong đời sống và đời viết, những số phận - hồn cốt của trang người, trang văn. Có thể trân trọng nhắc lại ở đây một tình cảm quý trọng, một phong cách phê bình văn học nghiêm cẩn của tiến sỹ Văn Giá khi anh dày công (và kiên định trong khoa học) theo đuổi tới thành công chuyên luận Vũ Bằng - Bên trời thương nhớ. Quãng năm 1995-2000, tiến sỹ Văn Giá đã dành nhiều tâm sức sưu tầm tuyển chọn, thẩm bình các tác phẩm của nhà văn Vũ Bằng. Với quá trình nghiên cứu (qua một loạt bài báo và tiểu luận sắc sảo, thấu tình - đạt lý) tác giả Văn Giá khẳng định thành tựu nghệ thuật quan trọng của Vũ Bằng đã đóng góp thêm các giá trị chuẩn mực vào nền văn chương nghệ thuật Việt Nam đương đại. Từ những thành tựu nghệ thuật và các giá trị nhân văn ấy, con người công dân, con người Vũ Bằng đã tự chứng tỏ mình thực sự là một công dân yêu nước nồng nàn trong sáng, một nhà văn Việt Nam thâm hậu, chân chính.

Năm 2006, tiến sỹ Văn Giá được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư. Sau dịp ấy, anh được điều chuyển về phụ trách Khoa Sáng tác và Lý luận- Phê bình Văn học của trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Từ đây, một thời kỳ mới cùng những nỗ lực nghiên cứu và sáng tác mới của Văn Giá đã mở ra. Những tựa sách đã nhiều thêm, những trang viết đã đầy lên, những dự định mới cho văn học - văn chương âm ỉ bùng phát. Tất cả những thôi thúc đó không làm bản tính và phong cách nhà giáo, nhà văn, người bạn Văn Giá đổi khác. Ở những cuộc bàn thảo văn chương - văn học quan thiết, ở những giao lưu đầm ấm, ở những nghi lễ thân gần đây đó… Văn Giá luôn tham dự ân tình và trách nhiệm. Với tư cách là một tác giả nghiên cứu và sáng tác - anh luôn coi mình là (phải) hữu ích trong mọi vận động của đời sống văn chương - văn học nước nhà.

Tác giả: Kim Ngọc Đại

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây