Nhà văn Trần Thanh Giao: Cuộc đời tôi là những chuyến đi không ngừng

Thứ ba - 16/11/2010 22:46 3.908 0

Nhà văn Trần Thanh Giao

Nhà văn Trần Thanh Giao
Thuộc thế hệ nhà văn xuất hiện sau thời kỳ chống Pháp, Trần Thanh Giao được bạn đọc bắt đầu biết đến với truyện ngắn Câu chuyện một chiều thứ bảy đoạt giải thưởng báo Thống Nhất năm 1959. Cho tới nay, nhà văn quê Ô Môn, Cần Thơ này đã xuất bản trên mười tác phẩm gồm các tập truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết và tiểu luận. Con người trông nhỏ thó ấy lại rắn chắc bền bỉ đến kỳ lạ, khi bước vào tuổi bát tuần ông vẫn xông xáo liên tục đi và viết với tất cả nhiệt thành như thuở mới bước vào làng báo làng văn.

Hướng dẫn một đoàn nhà văn trẻ đi thăm rừng Sác về chưa kịp “xả hơi”, nhà văn Trần Thanh Giao đã “biến” xuống Vĩnh Long cùng một số đồng nghiệp. Vừa nghe ông “công du” ra Hà Nội, lại được tin ông đã “tiền trạm” xuống Đồng Tháp để chuẩn bị cho một chuyến đi thực tế của đoàn nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Bậc tiền bối mang dáng dấp của một lão nông này có sức đi, sức nghĩ, sức viết đến giới trẻ phải thèm thuồng. Vài năm trước, trên chuyến xe cùng ông và một số nhà văn lão thành đi thăm một số vùng biên giới Tây Nam, tôi hỏi:

* Đã cao tuổi mà ông vẫn liên tục đi và liên tục viết. Chắc nhà văn Trần Thanh Giao có loại “thuốc trường sinh” bí mật gì đây, phải không thưa nhà văn?

- Như anh thấy, trong chuyến đi thực tế này, các nhà văn lớn tuổi hơn như Nguyên Hùng, Ngọc Linh, Lưu Trùng Dương còn rất ham đi ham viết, huống hồ gì tôi. Mà lo cho sức khoẻ của các anh ấy, không dám mời, các anh còn hờn giận. (cười). Cuộc đời tôi là những chuyến đi không ngừng. Từ thuở còn học trung học ở Cần Thơ, tôi đã liên tục đi về giữa Cần Thơ - Mỹ Tho - Sài Gòn để vận động phong trào đấu tranh học sinh yêu nước. Vào bưng biền, tôi làm báo Độc lập. Ra Bắc, tôi lần lượt làm các báo Nhân Dân, Thống Nhất, Giải Phóng. Nghề báo là nghề… đi. Nhờ đó, tôi có một đôi chân dẻo dai, đi không biết mệt.


"Cuộc đời tôi là những chuyến đi không ngừng"

* Người ta thường nói, báo chí và văn chương là hai lĩnh vực khác nhau. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, báo chí là một thể loại của văn chương. Ông nghĩ sao, thưa nhà văn?

- Làm báo phải có văn. Và nghề giúp được nhiều cho nghề văn là nghề báo. Nhưng viết văn mà dính chặt với báo thì bị hạn chế. Hemingway từng nói, nghề báo rất có ích cho người viết văn, nếu biết chia tay nó đúng lúc.

* Điều đó không có nghĩa là nhà văn phải chia tay hẳn với nghề báo. Bởi thực tế cho thấy, nhiều nhà văn nổi tiếng của Việt Nam lẫn thế giới vẫn gắn bó với báo chí suốt đời.

- Đúng vậy. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta vẫn còn phân định rạch ròi giữa văn chương và báo chí. Khi thẩm định giá trị một tác phẩm văn chương, người ta vẫn gạt bỏ hẳn tính báo chí, dù nó chỉ là chất liệu có tính thời sự cho tác phẩm văn chương.

* Với ông, thời trẻ giả sử không theo nghề cầm bút thì ông sẽ làm gì?

- Tôi cầm bút như một nhu cầu bản năng. Hồi đi học, tôi là một học sinh giỏi toàn diện các môn, thường đứng đầu lớp. Ở trường trung học, tôi là uỷ viên tuyên huấn của Hiệu đoàn ủy Đoàn học sinh kháng chiến Cần Thơ (vùng bị tạm chiếm) kiêm Tổng thư ký Ban đại diện công khai của học sinh toàn trường. Năm 1950, sau phong trào Trần Văn Ơn, tôi rời thành phố vào bưng biền kháng chiến. Trước đó, tôi đọc khá nhiều truyện của các nhà văn Tự lực văn đoàn. Ở trong rừng, tôi càng mê sách. Tôi nhớ, cụ Lỗ Tấn có nói đại ý: làm bác sĩ cứu được một số người, nhưng viết văn thì có thể cứu được nhiều người. Câu nói đó ảnh hưởng lớn tới việc chọn nghề viết của tôi. Ra Bắc, tôi tìm mua nhiều sách của các nhà văn đàn anh như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân,… và các sách dịch ra tiếng Việt hay tiếng Pháp để đọc. Tôi học được rất nhiều, từ cách sắp xếp chi tiết, xây dựng nhân vật đến bố cục. Dần dần tôi tự thấy mình có thể viết được truyện…

* Lúc mới viết văn, ông có chịu ảnh hưởng bậc đàn anh nào không?

- Vấn đề cốt lõi của văn chương là tầm tư tưởng. Từ lúc cầm bút cho tới nay, tôi luôn chịu ảnh hưởng của hai bậc thầy là Nguyễn Trãi và William Shakespeare. Giữa hai cụ có nhiều điểm tương đồng về tư tưởng, về cảm hứng thẩm mỹ, không chỉ ở tầm nhân loại mà còn ở tầm vũ trụ.

* Ví dụ, thưa ông?

- Khi lên núi Yên Tử, Nguyễn Trãi viết:

“Vũ trụ mắt đưa ngoài biển biếc
Nói cười người ở giữa mây xanh”

Còn khi Otenlo nhận ra sự lừa đảo của Iago thì Shakespeare viết: “Trời không còn lưỡi tầm sét nào khác ngoài lưỡi tầm sét để làm ra sấm chớp ư? Ôi, quân đê tiện hung ác!”.

* Cái tên Trần Thanh Giao được biết đến trên văn đàn kể từ truyện ngắn Câu chuyện một chiều thứ bảy đoạt giải báo Thống Nhấtnăm 1959. Đây có phải cũng là truyện ngắn đầu tay của ông?

- Tôi bắt đầu làm thơ, viết phóng sự từ thời còn học sinh trung học Cần Thơ. Nhưng không đáng kể. Truyện ngắn đầu tay thực sự của tôi là Thăm nhà được đăng trên báoThống Nhất năm 1958. Tuy nhiên, đúng như anh nói, truyện Câu chuyện một chiều thứ bảy mới là “tấm giấy thông hành” cho tôi bước vào làng văn. Truyện được đánh giá cao nhờ hai yếu tố: thể hiện được sắc thái rừng U Minh và lòng thương nhớ miền Nam. Câu chuyện một chiều thứ bảy đứng đầu các giải nhì (không có giải nhất). Bấy giờ, cả nước đang tiến hành cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, nên cuộc thi của báo Thống nhất đã thu hút được sự tham gia của hầu hết các nhà văn tiếng tăm. Giải nhất được treo rất lớn, tới 300 đồng. Trong khi, cuộc thi của các báo khác, như Văn nghệ chẳng hạn, giải thưởng tối đa là 100 đồng. Mà 100 đồng cũng đã có thể mua được một chiếc xe đạp tốt- niềm mơ ước của bao cán bộ lúc ấy.

* Kế theo giải thưởng trên, năm 1960 ông lại đoạt giải thưởng báo Văn Nghệ với truyện ngắn Dòng sữa. Một sự khởi đầu đầy thuận lợi cho một người cầm bút. Và có thể nói truyện ngắn là một thế mạnh của ông…

- (Cắt ngang) Không riêng tôi, mà truyện ngắn là một thế mạnh chung của nền văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX. Đọc truyện ngắn hay của các nhà văn nổi tiếng thế giới đương đại, tôi thấy truyện của nhiều nhà văn nước ta không hề lép vế trước họ.

* Tôi nhớ nhà văn Lê Văn Thảo trong một cuộc hội thảo ở Mỹ cũng đã khẳng định như vậy. Nhưng điều đáng tiếc cho đến nay truyện ngắn Việt Nam vẫn chưa được thế giới đánh giá đúng mức.

- Đây là một thiệt thòi của các nhà văn nước ta, do ít có điều kiện giao lưu, hội nhập với thế giới bên ngoài. Theo tôi, thế kỷ XX vừa qua, đã xuất hiện nhiều nhà văn Việt Nam có tài năng lớn, nhưng do hạn chế từ qui định cảm thụ thẩm mỹ của thời đại, do hoàn cảnh khó khăn của đất nước, nhà văn không được tự do phát huy hết khả năng của mình. Một thời, chúng tôi viết cái gì cũng phải rào trước đón sau, suy suyển một chút là bị phê phán ngay. Khó lắm!

* Thế nhưng, từ năm 1985 đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, nhà văn được “cởi trói”, cho tới nay vẫn khó tìm được những nhà văn có tác phẩm tầm cỡ? Phải chăng, khi đã được tự do thì nhà văn sinh ra lười biếng, qua loa và nhất là chạy theo “đơn đặt hàng” của ngành này ngành nọ? Hay còn lý do nào khác?

- Hiện nay, tôi lại thấy nhà văn có ba thứ ràng buộc. Đầu tiên là sự chi phối của kinh tế thị trường. Thứ hai, vẫn còn sự ngộ nhận tính dân tộc trong cảm xúc thẩm mỹ. Chẳng hạn, anh nào viết về nông dân hay những vấn đề xã hội, nhân tình thế thái, thường được chú ý. Trong khi, những anh nào hướng đến cảm xúc thẩm mỹ lớn, có tính dư báo, lại không được để ý lắm. Cuối cùng, sau thời mở cửa, anh nào mạnh viết đập phá cái cũ thì cũng được khen. Do đó, khó mà có được tác phẩm để đời. Đây cũng là bài học để các nhà văn trẻ tự vượt qua.

* Thưa ông, nhìn lại chặng đường đã qua, nếu tự chọn một vài truyện ngắn ưng ý của mình, ông chọn những truyện nào?

- Có thể kể đến Câu chuyện một chiều thứ bảy, Dòng sữa, Trong vườn trúc, Khoảnh khắc, Ánhtrăng lóng lánh,…

* Vậy còn tiểu thuyết?

- Tôi thích Một thời dang dở, do Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1987, tái bản năm 1992.

* Vì sao lại… dang dở, thưa ông?

- Vào thời điểm 1980- 85, do không thể xây dựng Chủ nghĩa xã hội theo kiểu cũ, ta phải chia tay nó, vì đi trái qui luật tự nhiên. Thời dang dở ấy cần thay đổi bằng một mô hình xây dựng Chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa kiểu mới. Trong tiểu thuyết, có nhân vật là con Sấu Bông, hễ ai làm trái qui luật tự nhiên là nó ăn thịt, cho dù người đó có ý muốn tốt đẹp đến đâu nữa. Sau gần mười năm thâm nhập thực tế ở Cần Giờ, tôi bắt tay viết tiểu thuyết này năm 1985, khi đất nước vừa có những chuyển động đổi mới tích cực.

* Bằng cách nhìn chủ quan, ông tự phác hoạ chân dung mình ra sao?

- Một người luôn chú ý đến sự học, nỗ lực tự học không ngừng, từ ngoại ngữ đến các nguồn tri thức. Tôi đọc và đi rất nhiều. Để viết cuốn tiểu thuyết Cầu sáng nói về cầu Hàm Rồng đánh Mỹ, tôi đã đọc cả một giáo trình đại học về kỹ thuật làm cầu... Tôi rất sợ khi mình chưa trang bị đầy đủ mà đã ngồi trước trang giấy trắng.

- Ông suy nghĩ ra sao về mối quan hệ giữa chính trị và văn học?

- Tôi nghĩ, làm văn là làm chính trị. Nếu có người bảo, làm văn không nên dính tới chính trị thì chính người nói câu đó đang làm chính trị. Mối quan hệ này nó nằm trong bản chất của văn chương, xưa cũng vậy mà nay cũng vậy.

* Là nhà văn Nam Bộ, theo ông đâu là thế mạnh và sự hạn chế của các nhà văn ở đất phương Nam này? Ông có nghĩ các nhà văn Nam Bộ chưa được đánh giá đúng mức?

- Thế mạnh của văn chương Nam Bộ là chất hào hùng, phóng khoáng so với thế mạnh ở ngoài Bắc là tinh tế, sâu sắc. Hai thế mạnh này bổ sung cho nhau. Vì mỗi thế mạnh đều có mặt hạn chế cần được bổ sung để thành một tính cách đầy đủ của người Việt. Vấn đề các nhà văn Nam Bộ chưa được đánh giá đúng mức là chuyện có thể hiểu được. Ví như người Nam Bộ thích Hồ Biểu Chánh mà chưa thích Thạch Lam,… Đó là do sự giao lưu còn hạn chế, sách in ở miền này, miền kia không có.

Dù sao miền Bắc vẫn là cái nôi của dân tộc, các nhà văn Nam Bộ cần học tập, vươn lên, hòa nhập và mang vào văn chương sắc thái mới của vùng đất mới, làm cho văn chương Việt Nam ngày thêm phong phú. Nếu quả thật anh có tài thì không lo. Tất nhiên cần sự nỗ lực từ hai phía.

* Từng nhiều năm phụ trách Trại sáng tác Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, gần gũi với các nhà văn trẻ, ông đánh giá ra sao về họ?

- Theo tôi, các nhà văn trẻ nước ta không thiếu tài năng. Có chăng là họ thiếu cái hướng. Đó là hướng tìm tới tầm tư tưởng cao, mới- điều mà các nhà lý luận phê bình và giới sáng tác đều cho là cốt lõi của văn chương. Tiếc thay, khi bình giá những tác phẩm cụ thể, người ta không theo tiêu chí đó mà dường như theo sự ưa thích của số đông. Kết quả là sau mấy mươi năm, tác phẩm theo hướng “tầm tư tưởng” chìm dần trong sương mù, còn tác phẩm một thời được khen cũng chưa có “tầm cỡ”.

* Ở tuổi ông, mà vẫn còn đọc nhiều, đi nhiều và đầy say mê hoạt động nghề nghiệp, không phải nhà văn nào cũng kiên trì như vậy. Đâu là kinh nghiệm quí nhất của ông về sự tồn tại trong văn học?

- Nếu anh có ý tưởng hay, mới, khác mọi người thì phải biết cách đưa nó ra sao cho nó được chấp nhận, có khi phải làm từng bước. Có ai đó đã nói đại ý: thiên tài là người nói ngược lại mọi người, nhưng lại được mọi người chấp nhận.

* * *

Chẳng những đi nhiều, viết nhiều mà nhà văn Trần Thanh Giao còn tiên phong trong làng văn mở “con web” cá nhân ở địa chỉ tranthanhgiao.com đăng tải tác phẩm của ông và bạn bè đồng nghiệp. Cả đời gắn bó với nghiệp văn và giữ được ngọn lửa đam mê đến cùng như Trần Thanh Giao chẳng phải dễ!

Tác giả: Phan Hoàng

Nguồn tin: nhavantphcm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây