Nhà thơ - họa sĩ Lê Thị Kim: Nào hay mình chênh vênh

Chủ nhật - 14/11/2010 05:50 2.935 0

Nhà thơ Lê Thị Kim

Nhà thơ Lê Thị Kim
“Tình khép mở trong tay/Sao thực hư như xiếc/Hôm nay vầng trăng đầy/Mai vầng trăng có khuyết?/Người tặng ta cỏ biếc/Mai kia cỏ úa vàng/Đâu nơi nào bất diệt/Cỏ xanh tràn ngàn năm/Ta ngồi trên đỉnh núi/Nào hay mình chênh vênh”. Bài thơ mở ra bằng những chiêm nghiệm về sự hư ảo, lẽ vô thường của cuộc sống, để rồi khép lại bằng nỗi cô đơn chênh vênh.

Lê Thị Kim là thế, ẩn sau những tất bật, náo nhiệt và cả hào quang của một phụ nữ năng động và thành đạt trên nhiều lĩnh vực là nỗi chênh vênh miên man - nỗi chênh vênh một mình mình biết, để từ đó Lê Thị Kim làm thơ, vẽ tranh.

* Chị đã từng viết: “Thơ - là mảnh sò bé nhỏ ta chơi, cũng là vỏ ốc cho ta - con dã tràng về ẩn náu”. Ẩn náu trong thơ, chị có cảm thấy bình yên?

- Làm thơ là tôi tìm về với chính mình, lắng nghe tiếng lòng mình. Thơ đã nâng đỡ, làm trong trẻo trái tim tôi, mang đến cho tôi cảm giác bình yên, hạnh phúc. Thơ là cõi trú, là chốn ẩn náu. Tất nhiên, thơ được chắt lọc từ những giằng xé, va đập… của những ý tưởng, cảm xúc. Và vì vậy làm thơ là đi ngược chiều gió, là leo lên đỉnh tuyết, không biết điều bất ngờ nào đang ở phía trước…

* Với chị, thơ là vậy, còn hội họa là gì, có ý nghĩa gì?

- Thơ và tranh đều là nơi níu giữ tâm hồn tôi. Với tôi, hội họa như một ly rượu ngọt mang lại cơn say đằm và dịu; hội họa cũng như một ao sen, một vườn hồng ngát hương… Tất cả khiến tôi cảm thấy những hình ảnh trong tâm thức chợt sáng lên, đánh thức những cảm xúc trong tôi và khiến cảm xúc tuôn tràn trong tranh.

 
Chiều thu mang nỗi nhớ của ta về đâu - Sơn dầu
 
 
Cuối phố nghe hồn lãng du - Sơn dầu

* Nhận định về thơ Lê Thị Kim, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói là “đằm thắm”, còn nhà thơ Đỗ Trung Quân thì bảo “dịu dàng”. Nhà thơ Trần Hữu Dũng ví von: “Thơ Kim như một cô gái cúi xuống vòm đời nâng một bông hồng tình yêu”. Tự nhận xét, chị thấy thơ mình như thế nào?

- Tôi là người cứ miệt mài lao vào công việc và sáng tác, chẳng bao giờ kịp quay nhìn lại để góp nhặt về mình hay để tự thẩm định mình. Thế nên tôi chưa bao giờ tự đặt câu hỏi như câu hỏi chị vừa nêu và tất nhiên cũng không có câu trả lời. Tôi chỉ cảm thấy một điều rất rõ: làm thơ là lênh đênh trên đỉnh cảm xúc và chỉ với thơ thì tôi mới là tôi trọn vẹn nhất.

* “Đừng nhìn em như thế/Cháy lòng em còn gì!” - nhiều người thuộc lòng hai câu thơ này của chị. Trong đời mình, đã có mấy lần chị nhận được những cái nhìn cháy lòng như vậy? Mỗi lần như vậy, chị ứng phó như thế nào?

 - Dường như không ít lần tôi đã nhận được những cái nhìn như vậy. Và cũng không ít lần từ những cái nhìn đó mà ra đời những bài thơ, chỉ có điều những bài thơ sau này không phổ biến như hai câu thơ trên. Nói thật, trước những cái nhìn như vậy, tôi thường… chạy trốn để được “an toàn”.

* Hình ảnh thiếu nữ hiện ra trong tranh chị như lãng đãng, bồng bềnh trong một cõi mộng. Lý do gì khiến chị chọn cách vẽ này?

- Tôi không vẽ ngoại hình của thiếu nữ. Tôi vẽ tâm hồn và cảm xúc của thiếu nữ. Vì vậy, thiếu nữ trong tranh tôi vừa thực lại vừa hư. Những bờ vai mong manh trắng ngần là biểu trưng của sự thuần khiết tâm hồn. Những chiếc cổ vươn cao quá cỡ là khát vọng vươn tới cái đẹp. Trạng thái bềnh bồng, chông chênh trong tranh phản ánh sự hư ảo, vô thường của cuộc đời… Và như vậy, tranh không chỉ đơn giản là thiếu nữ mà chính là những sắc thái cảm xúc của tôi, là tâm hồn tôi.

 
Mắt tím - Sơn dầu
 
 
Nào hay mình chênh vênh - Sơn dầu

* Có vẻ như chị không thích và không muốn vẽ nude thì phải…

- Tôi không vẽ nude vì tôi không thích cái đẹp quá trần trụi, quá lộ liễu. Tôi chỉ mê cái đẹp mờ ảo, huyền hoặc…

* Trong lĩnh vực hội họa, thường phụ nữ không đạt được thành công như nam giới. Theo chị, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Có phải vì nữ họa sĩ (HS) kém tài so với nam HS?

 - Hội họa đòi hỏi phải đẩy cảm xúc lên tận đỉnh và nội lực sáng tạo phải được bung ra đến tận cùng… Không phải các nữ HS kém tài so với nam HS mà vấn đề nằm ở chỗ nữ HS khó có thời gian và khó có điều kiện để đáp ứng hai yêu cầu trên. Chính vì vậy mà nữ HS không thành công như nam HS.

* Trong một bài báo, tác giả đã gọi chị là “người phụ nữ đa đoan”. Chị có tự nhận thấy mình như thế? 

- Thế nào là “đa đoan” nhỉ? Nếu hiểu “đa đoan” là tham lam, ôm đồm nhiều việc… thì có lẽ hai chữ này không chính xác đối với tôi. Tôi không tham lam, cũng không ôm đồm. Cả đời tôi chỉ làm những việc mình thích làm và đã làm thì muốn đi tới cùng, không muốn bỏ cuộc nửa chừng.

* Nhà thơ - HS - doanh nhân, ba con người ấy dung hòa hay đối kháng trong một Lê Thị Kim?

- Ba con người ấy không dung hòa mà cũng không đối kháng. Chúng liên tục chuyển đổi, bổ sung và hỗ tương cho nhau ở trong tôi. Chất lãng mạn của nhà thơ, HS đã làm “mềm” lại sự khô cứng của con người kinh doanh. Đồng thời, sự tỉnh táo, quyết đoán, nhạy bén, tính logic khoa học của một doanh nhân cũng ít nhiều giúp cho tứ thơ chặt chẽ hơn, bất ngờ hơn và những ý tưởng được thể hiện trong tranh hiệu quả hơn.

* Đã 11 năm trôi qua kể từ ngày anh Châu (nhà văn Đông Quân) - ông xã của chị mất. Cũng là 11 năm chị một mình một bóng đi về. Chị chủ trương không yêu nữa, không tái hôn nữa hay chị chưa tìm thấy người đàn ông có thể làm trái tim chị rung động trở lại…?

- Quả thật là tôi đã chủ trương không yêu nữa, không tái hôn để tập trung toàn bộ tâm lực mà lo cho con. Con trai út của tôi gặp trục trặc về khả năng vận động. Đến nay đã 16 tuổi mà cháu vẫn phải tập đi. Tôi không cho phép mình đi tìm niềm vui và hạnh phúc riêng trong hoàn cảnh như vậy.

* Công việc kinh doanh bận rộn, niềm hạnh phúc sáng tạo khi làm thơ và vẽ tranh, sự ấm áp của tình cảm gia đình, con cái, bạn bè…, tất cả có đủ để chị không cảm thấy cô đơn khi bên cạnh thiếu một bờ vai đàn ông?

- Không chỉ là cô đơn mà còn là sự chênh vênh. Tôi vẫn luôn nghĩ: “Giá như có anh Châu thì cuộc sống của mẹ con tôi đã tốt hơn…”. Tôi biết con trai mình đã không ít lần khóc thầm khi nhớ đến cha. Tôi cảm thấy mình có làm cho con bao nhiêu điều đi nữa cũng không thể lấp đầy khoảng trống trong lòng con. Khi anh Châu mất, tôi càng nhận rõ cuộc đời này thật hư ảo, vô thường. Tôi đã có những thứ mà nhiều người mơ ước, nhưng tôi vẫn thấy cuộc sống sao mà chênh vênh! Tâm trạng chênh vênh cũng theo vào trong thơ và trong tranh. Những năm trước đây, khi anh mới mất, tôi phải làm việc cật lực để nuôi con, đêm nào cũng phải thức tới 2-3g sáng. Những năm gần đây, không cần phải thức đêm để làm việc nữa nhưng tôi vẫn không sao ngủ được. Cứ chong mắt đến 1-2g sáng rồi phải nhờ đến một viên thuốc ngủ mới yên giấc được.

* Bây giờ chị nghĩ gì về tình yêu, hạnh phúc?

- Tôi muốn mượn một bài thơ của mình để trả lời câu hỏi này: “Hạnh phúc như chiếc cầu vồng/Thoắt - bồng bềnh hiện/Thoắt - bồng bềnh trôi/Tình yêu như chiếc lá trời/Thích trêu ngươi giữa cuộc đời lặng trông/Mặc người ngóng cổ chờ mong/Mặc người đón đợi/Lá vòng vèo bay/Thích ai lá rớt vào tay/Chợt nhiên không thích, lá bay về trời/Như giờ… tôi… chỉ mình tôi”.

* Cảm ơn chị đã dành cho PNCN cuộc trò chuyện này.

Diễm Chi (thực hiện)
Nguồn: Phụ Nữ

Về Lê Thị Kim

* Các tác phẩm đã xuất bản:nhiều tập thơ chung và riêng. Có gần 100 bài thơ được phổ nhạc.

* Các cuộc triển lãm tranh:4 cuộc triển lãm cá nhân và hơn 40 cuộc triển lãm nhóm tại Việt Nam và các nước.

* Các giải thưởng:

- Năm 1978: giải A Thơ hay nhất trong năm 1978 của Báo Văn Nghệ Việt Nam.
- Năm 1979: giải thưởng Thơ của Thành Đoàn TP.HCM.
- Năm 1990: danh hiệu “Người phụ nữ tài năng” (Báo Tuổi Trẻ bình chọn), danh hiệu “Nhà thơ trẻ được yêu thích nhất TP.HCM”.
- Năm 2000: biểu dương 20 năm Văn học Trẻ TP.HCM.
- Năm 2002: huy chương 20 năm vì sự nghiệp khoa học.
- Năm 2005: biểu dương 30 năm Văn học TP.HCM.

Triển lãm Lãng mạn với thơ và họa của Lê Thị Kim đang diễn ra đến ngày 25/10/2010 tại Khu du lịch Văn Thánh (TP.HCM).

* Họa sĩ Lê Triều Điển: Nếu không đọc thơ Lê Thị Kim mà chỉ xem tranh của chị thì sẽ không cảm nhận tranh trọn vẹn; bởi vì tranh Lê Thị Kim luôn được hồn thơ nâng đỡ. Cách đây 17 năm, khi Kim bắt đầu vẽ và lần đầu tiên đưa tranh ra triển lãm, chị đã bán được rất nhiều tranh. Suốt 17 năm qua, Kim vẽ càng ngày càng chắc tay và tranh ngày càng thăng hoa. Tranh Kim mơ mộng, lãng mạn, đầy chất thơ. Lê Thị Kim vẽ một cách tự do, phóng khoáng, không bị ràng buộc bởi những quy ước, phương pháp kỹ thuật. Đó cũng là thế mạnh của Kim. Những hình ảnh thiếu nữ trong tranh Lê Thị Kim cũng là biểu hiện tâm hồn con người.

* Nhà thơ Chim Trắng: Lê Thị Kim là một giọng thơ xuất hiện sớm ngay từ những năm đầu miền Nam được giải phóng, cùng thời với các cây bút như Thanh Nguyên, Lý Lan, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh… Thơ Lê Thị Kim như một làn gió nhẹ nhàng, êm dịu. Có thể người ta quên khi làn gió trôi qua, nhưng nhiều năm sau, một khi nhớ lại, người ta vẫn như nghe lại làn gió ấy, cảm giác êm dịu ấy… Nhiều bài thơ của Lê Thị Kim như Khi tình yêu đến, Tôi và cỏ, Gần lắm Trường Sa… đã được đông đảo lớp trẻ yêu thích.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây