Mạc Can - Một mình một lối

Chủ nhật - 06/09/2009 17:23 2.533 0

Mạc Can - Một mình một lối

Nghệ sĩ tấu hài kiêm “nhà văn trẻ” Mạc Can là một phần của Sài Gòn. Nhưng ông không lẫn vào dòng người hối hả, ông cũng không lẫn trong sự hào nhoáng ngày một nhiều hơn của “hòn ngọc Viễn Đông”. Ông vẫn một mình đi trên lối đi riêng, lối đi của phận người cần lao, của sự chiu chắt mang tính số phận. Cũng đã có lúc tôi thoáng nghĩ tới một ngày, Sài Gòn mất đi một công dân đặc biệt và độc đáo như Mạc Can. Lúc ấy thành phố này như mất đi một điều gì đó thật ý nghĩa, và ít nhất với tôi, Sài Gòn đã không còn nguyên vẹn nữa.
Trống trải, và như thấy mình đang mất đi một điều gì đó, là cảm giác của tôi khi vào TP. Hồ Chí Minh lần này. Bởi đã như một thói quen, mỗi lần xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi cũng đều gọi điện cho Mạc Can. Và lần nào ông cũng thường ghé qua khách sạn tôi trọ, rất đúng giờ, rồi chúng tôi tìm một quán cà phê nhỏ, tựa lưng nhìn ra phố để chuyện trò.
 
Lần này, trước khi lên máy bay, tôi đã gọi điện cho ông. Tắt máy. Tôi nghĩ, thôi, xuống sân bay gọi ông vẫn kịp. Nhưng khi xuống máy bay gọi cho ông, vẫn chỉ vang lên tiếng loa chói gắt, vẫn là câu quen thuộc của tổng đài tự động: “Thuê báo quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…”. Tôi cảm thấy lo lắng. Nhưng Mạc Can, lâu nay vẫn chỉ có một địa chỉ duy nhất là… số điện thoại. Ông không bao giờ cung cấp cho ai số nhà, địa chỉ liên hệ. Tôi đã từng “chăm sóc” cho tập truyện ngắn “Người nói tiếng bồ câu” của ông được xuất bản tại Hà Nội. Rồi có lần là cuốn sách nhiều tác giả có dùng truyện của ông. Khi có sách, tôi gọi điện cho Mạc Can, ông reo lên trong máy: “Vui quá, vui quá. Sách có đẹp không? Ông Bình để chút nữa tui nhắn cái địa chỉ, ông cứ gửi sách cho tui về đó nha”. Rồi ông nhắn. Một cái địa chỉ khi thì là gửi qua nhà văn Mai Sơn ở báo Mực Tím, khi lại là địa chỉ của nhà văn Nguyễn Đông Thức ở báo Tuổi Trẻ, đôi khi thì gửi về cho chính Mạc Can nhưng ở địa chỉ… Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
 
Đã có lần, tôi muốn ông dẫn về nhà, Mạc Can bảo: “Tui đâu có nhà. Tui ở nhà trọ mà”. Tôi nói với ông, vậy hãy dẫn tôi tới chỗ ông ở trọ. Mạc Can cười, chỉ vào cái xe máy luôn gắn cái hộp kềnh càng phía sau: “Tất cả đồ đạc cá nhân của tui ở đó, nhà trọ cũng đâu ổn định chỗ nào. Mà tui đi diễn suốt, tiện đâu tui ở đó”. Không phải không tin ông, nhưng tôi thường hoài nghi những điều ông nói. Bởi Mạc Can trước đó từng khoe với tôi rằng, ông mới mua cho vợ một cái tivi. Lại có lần, khi tôi ghé qua TP.Hồ Chí Minh làm một chương trình du lịch về giáo đường mùa Giáng sinh, ông hỏi mượn tôi một chút tiền để mua sắm vật dụng gì đó cho vợ. Ông cẩn thận hỏi tôi rằng có phải ghi giấy không. Tôi lắc đầu nói, không cần đâu chú. Vì thế, bây giờ Mạc Can bảo không có một chỗ chui ra chui vào trong cái thành phố rộng lớn và đầy tình yêu mến với ông, tôi vẫn bán tín bán nghi. Nhưng tôi vẫn còn nhớ, có nhiều lần Mạc Can kể cho tôi nghe về cuộc sống “lang thang” của ông. Ông ví mình như một con ruồi. Lại có lần ông ví mình như một con gà lang thang. Cũng có lần ông bảo mình hệt như bông lục bình nổi nênh trên sông nước, sống cuộc sống nay đây mai đó.  Mạc Can bảo số kiếp ông là vậy, sinh ra trên ghe thuyền của sông nước, vì thế, chọn lựa cuộc sống yên ổn dường như đều không hạp. Tôi thì nghĩ rằng, đó là cách lựa chọn của Mạc Can, và quan trọng hơn, chính ông cảm thấy thích hợp với cuộc sống lang bạt đó. Dường như ông không muốn chọn lấy một sự yên ổn. Nếu lựa chọn theo cách ấy, tại mảnh đất cởi mở và sôi động như TP. Hồ Chí Minh này, hẳn không phải là chuyện khó với một người có danh có tiếng như Mạc Can. Ngay cả khi chọn lựa cách đi thuê nhà ở trọ, thì Mạc Can cũng nhiều lần kể với tôi, ông không thích ở cố định một chỗ. Ông thường chọn cho mình những khu lao động nghèo, kiếm một chỗ ở đó, sống chan hòa, khám phá và lắng nghe hết những câu chuyện lao xao vui buồn ở đây. Rồi khi đã không thấy thêm điều gì mới mẻ, ông lại trả phòng, chất đồ lên chiếc xe máy tàu tàu, và tiếp tục cho đời mình chu du tại một hẻm ngách nào đó…
 
Một lần khác, tôi hẹn gặp ông sau 10 giờ đêm. Mạc Can bảo, tốt tốt, đêm nay tui cũng có “sô” diễn nhỏ ở Quận 1, lúc đó gặp nhau cho được lâu lâu chút. Thực ra, tôi lấy cớ ấy, để muốn sau bữa ăn khuya với ông, tôi sẽ “bí mật” bám theo ông, để xem Mạc Can về đâu trong đêm của thành phố sôi động bậc nhất đất nước này. Sài Gòn với ông rất đỗi thân thuộc, còn với tôi là xa lạ. Vì thế, “âm mưu” của tôi bất thành, khi tôi chỉ bám được theo ông chừng dăm cây số, rồi ông mất hút đâu đó trong những con hẻm Sài thành chứa đầy bí mật.
 
Tôi đã định, lần này nhất định phải nhờ một anh xe ôm chở đi, để theo Mạc Can về tận nơi những trang viết đã âm thầm và nhọc nhằn trôi ra, và chụp một vài bức hình tư liệu, đưa thêm vào phần phụ lục cuốn “Tuyển tập Mạc Can” mà tôi đang ì ạch làm suốt mấy năm qua (Cuốn sách hơn 700 trang, họa sĩ Mai Quế Vũ đã thiết kế giúp tôi một cái bìa sách rất sang trọng, nhưng vì nhiều lý do, bởi vậy, tôi đã trễ hẹn với Mạc Can dễ tới 2 năm rồi). Nhưng giờ tôi mới biết Sài Gòn rộng lớn đến mức nào, khi mà một người nổi tiếng như ông cũng trở thành bóng chim tăm cá. Tôi đã gọi hỏi nhiều người, đã ghé tới mấy chỗ Mạc Can thường lui tới, nhưng không ai biết đích xác ông đi đâu. Có người nói ông đi diễn ở tỉnh. Có người nói ông đi Mỹ theo con gái, như có tờ báo mới rồi đã viết. Trong những lần gặp ông, chưa bao giờ ông nói có con gái bên Mỹ. Ông chỉ nói với tôi, ông có cô con gái ở bên Nhật, năm nay gần 30 tuổi, đó là kết quả của cuộc tình 1 đêm với người phụ nữ Nhật Bản khi bà theo đoàn làm phim đặt chân tới TP. Hồ Chí Minh vào những năm 80, có cái tên là rất chung chung là Yoko. Thực hư điều này, tôi cũng không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật. Chỉ biết, sau đó chuyện có lên báo. Và Mạc Can cũng không thắc mắc hay phân trần gì thêm nữa. Rồi báo chí cũng đưa chuyện Mạc Can đang có tình cảm với một cô gái trẻ, xuất thân từ… bán vé dạo. Khi có dịp ngồi ăn sáng với ông ở quán Dìn Ký (trên đường Lê Thị Hồng Gấm) tôi đã hỏi chuyện này. Mạc Can nhận rằng ông đang viết tiểu thuyết “Tấm vé số”. Tôi trêu, đó sẽ là tác phẩm để đời. Mạc Can cười he he he: “Đó là tác phẩm cuối đời thì có”. Ông nói rồi lại cười he he he.
 
Rồi Mạc Can kể, ông rất thương hoàn cảnh của cô gái bán vé số nọ, thấy cô hoàn cảnh quá nên ông mủi lòng mà giúp cô bằng cách mua vé số, đôi khi cho cô vài chục ngàn ăn qua bữa. Thế rồi cô cũng đâm ra quý Mạc Can. Tôi liền hỏi, vậy ông có yêu cô gái đó như có báo đã viết? Tôi chợt thấy mắt ông sáng hơn, ông dứt khoát: “Tui yêu chớ. Người đó là người tốt mà”. Tôi hỏi tên cô gái ấy, Mạc Can lắc đầu, thôi biết mà làm chi. Mạc Can bất ngờ lảng, ông kể sang chuyện khác.
 
…Bây giờ lại có thông tin ông đi Mỹ với con. Sự hoài nghi trong tôi trỗi dậy. Vang lên trong đầu tôi là câu chuyện trong một cữ cà phê sáng với ông: “Mỗi khi nhận được điện thoại hẹn phỏng vấn của các phóng viên nhà báo, tui không nỡ từ chối. Vì đó là công việc, là sự sống của nhà báo”. Bởi vậy, Mạc Can thường phải kiếm một chuyện gì đó để kể, để mỗi bài báo đỡ bị trùng lặp, đỡ nhàm chán, và cái quan trọng là không để các nhà báo đi về tay không. Mạc Can bảo rằng công việc của “nhà tiểu thuyết” là phải tưởng tượng, phải dựng chuyện, do đó, mỗi lần trả lời phỏng vấn các nhà báo, dù báo nói, báo hình, báo giấy hay giao lưu trực tuyến, ông cũng đều phải nghĩ ra một chuyện gì đó rất riêng, có chút hư ảo để có thể khiến độc giả bất ngờ, và thấy một chút gì đó mới mẻ, “lóe sáng” trong cuộc trò chuyện này. Vì thế, cả trăm bài báo viết về Mạc Can bài nào cũng giống, mà bài nào cũng khác Mạc Can. Điều ấy, khiến tôi luôn nghĩ, những câu chuyện ông kể qua những bài báo, “vậy mà không hẳn vậy”. Mạc Can là một người có thật, một người bằng xương bằng thịt. Những buổi chuyện trò của ông với chính tôi, hay với các nhà báo, cũng là có thật. Nhưng tôi nhận ra, quanh Mạc Can, quanh những câu chuyện ông kể luôn có một lớp sương mờ ảo bao quanh. Thật đấy, mà cũng hư ảo đấy. Lớp sương đó, không hẳn do cuộc đời này tạo ra cho ông, mà phần nhiều chính do Mạc Can. Lớp sương mờ ảo ấy đã khiến ông thường phải đi một mình trên một con đường, nhiều khi rất vắng.
 
Những câu chuyện Mạc Can kể có bao nhiêu phần trăm sự thật chẳng ai có ý định truy tìm đến tận cùng. Bởi nó chỉ liên quan đến “nhân vật chính”  là ông, mà Mạc Can thì là người luôn biết cách giữ im lặng. Nhưng giờ có một sự thật rằng Sài Gòn đang vắng Mạc Can. Nếu ông có về với đứa con gái người Nhật ở tận… bên Mỹ để hưởng những hạnh phúc cuối đời sau tất cả những phiêu du, lang bạt thì âu cũng mừng cho ông.
 
Nhưng tôi ngờ rằng, có thể do ông lượng thấy thời gian sống một cách minh mẫn không còn nhiều (ông sinh năm 1945), nên đã tìm một góc khuất nào đó, và đang trốn vào chính mình để viết ra một cuốn sách, mà chỉ cần đọc cuốn sách sau chót này, toàn bộ cuộc đời nhiều bí ẩn của Mạc Can có thể được giải mã, một cách trung thực nhất.

Tác giả: Nguyễn Thanh Bình

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây