Dịch giả xa xứ và thôi thúc chia sẻ văn chương

Thứ tư - 02/09/2009 22:27 2.367 0

Dịch giả Vũ Ngọc Thăng

Dịch giả Vũ Ngọc Thăng
Mở đầu cho loạt kiệt tác của nhà văn Ý Italo Calvino được xuất bản ở Việt Nam, mới đây, tiểu thuyết "Nam tước trên cây" đã ra mắt bạn đọc qua bản dịch của Vũ Ngọc Thăng. Thật ngạc nhiên khi biết tác giả của bản dịch thanh thoát này sống ở nước ngoài gần 40 năm nay.

Một biểu lộ cho “tình cảnh bản sắc” 

- Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người Việt sống ở nước ngoài tham gia vào đời sống văn học trong nước qua các tác phẩm dịch. Ngoài ông ra, còn có thể kể đến ông Lê Chu Cầu ở Đức, bà Kim Hiền ở Nga, ông Giáp Văn Chung ở Hungary, chị Lê Thuý Hiền ở Thuỵ Sĩ, chị Lê Minh Đức ở Mỹ…, nhưng độc giả trong nước còn ít có dịp được biết về họ. Ông có sẵn lòng chia sẻ đôi chút về con đường đến với công việc “bắc cầu văn hoá” này không?

- Tôi đến với công việc dịch thuật một cách “tình cờ”, theo nghĩa này: trong đời, có lẽ ai trong chúng ta cũng có nhu cầu muốn chia sẻ qua một cách nào đó.

Phần tôi, sau những năm học hành, sinh sống ở nước ngoài (tại Ý, 17 năm, và hiện nay, tại Canada, từ 1988), tự nhiên, đến một lúc, tôi cảm thấy có sự thôi thúc muốn chia sẻ với độc giả Việt Nam một số điều gì đó mình đã đọc được.

Tuy nhiên, đây không phải là công việc chính của tôi, chỉ khi thời gian cho phép tôi mới tiến hành. 

Trong cương vị một người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc “thế hệ thứ nhất” – tức là khi ra đi đã có một sự hình thành nhất định về văn hóa - có dịp sống ở một số nước, thâm tâm tôi, trong một chừng mực nào đó, coi dịch thuật cũng là một “lý do tồn tại”, một biểu lộ cho cái “tình cảnh bản sắc” của một kiều bào, vừa phải cố gắng thấm nhập vào tầng văn hóa của khu vực văn minh nơi mình đang sống, vừa muốn góp phần với nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Và về phương diện nội tâm, còn có thể xem đây là một trong những phương pháp “tu tập” cụ thể, giúp cuộc sống của tôi thêm phong phú tươi vui. 

- Chính xác ông bắt đầu đến với việc dịch sách từ lúc nào? Ngoài tiếng Ý là sở trường, ông có dịch tác phẩm từ các thứ tiếng khác không, thưa ông?

- Sau sự kiện 11 tháng 9, tôi càng cảm thấy nhu cầu chia sẻ nói trên cần được thực hiện (Tháp Đôi đã đổ, cũng vì Tháp Babel chưa được chú ý đúng mức?) và tôi bắt đầu dịch Umberto Eco, đầu tiên là bàiThánh chiến: Lý trí và Cuồng nhiệt (đã được viết ra ngay sau đó), rồi một số tiểu luận khác của ông để in trong cuốn Đi tìm sự thật biết cười, một giới thiệu sơ khởi về tác gia lớn này.

Tiếp theo đó là tiểu thuyết Palomar của Italo Calvino, rồi một số tiểu luận của Claudio Magris, tập hợp thành quyển Không tưởng và Thức tỉnh. Cả ba đều được Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông - Tây, NXB Hội Nhà văn ấn hành vào các năm 2004 và 2006. Thế nên, cho đến nay, chủ yếu tôi dịch từ tiếng Ý. 

Cạnh đó, thỉnh thoảng, khi đọc được bài viết nào đó mang tính giáo dục, hoặc một quyển sách “nhập môn” trong khu vực tiếng Anh hay tiếng Pháp mà mình thấy hay và ở trong lĩnh vực mình đã có học qua hoặc quan tâm, thì tôi cũng có thể dịch để giới thiệu với các bạn trẻ Việt Nam. 

- Những cuốn sách như thế nào sẽ khiến ông hứng thú bắt tay vào dịch?

- Có thể nói thế này, tôi có khuynh hướng chọn dịch những gì (và những tác gia), qua một cách thức nào đó, mình thấy hợp với (và đã giúp tôi mở rộng) cái “tạng văn hóa” và mỹ cảm của mình. 

Tôi đã trải qua cả thời tuổi trẻ ở Ý; giờ đây, về văn hóa, tôi coi đất nước này như là một quê hương thứ hai; không phải ngẫu nhiên mà tôi đã dịch ba nhà văn nói trên. 

Mặt khác, như ta biết, ngay cả đối với một dịch giả toàn thời gian, chỉ chuyên về một tác gia nào đó là đã có khi phải cần cả đời người. Cho nên, phần tôi, khi thời gian cho phép, về các tác phẩm văn chương, tôi sẽ tiếp tục dịch những gì mình thấy hứng thú và có lẽ sẽ giới hạn trong phạm vi các tác gia Ý (đặc biệt là Italo Calvino). 

Trước mắt, tôi sẽ tiếp tục từ từ dịch quyển Tử tước chẻ đôi  Hiệp sĩ không hiện hữu để hoàn thành bộ ba Tổ tiên của chúng ta của Italo Calvino. 

Một phúng dụ văn chương không tiền khoáng hậu

- Đọc bản dịch Nam tước trên câycủa ông, cá nhân tôi cảm nhận được vẻ đẹp của một thứ ngôn ngữ chính xác mà vẫn cảm xúc và bay bổng. Tôi còn hình dung, hẳn người dịch rất yêu quý tác phẩm này nên mới dành cho nó nhiều dụng công như vậy. 

- Cảm ơn chị, tôi rất vui trước nhận xét này, bởi lẽ, với tôi, dịch tác phẩm văn chương, trước hết là một phương cách khắc nghiệt để mình luyện văn với chính mình, cũng như để thấm nhập vào chữ nghĩa, và (ai là dịch giả ắt đều biết) đó là một chuyến đi đầy “khổ ải” song cũng đầy kỳ thú. 

Khi bắt tay vào dịch Nam tước trên cây, tôi đã có phần ý thức về sự “trong suốt” (chữ của Umberto Eco) và nhạc tính trong ngôn ngữ văn chương của Calvino. Thế rồi, càng nhập sâu vào việc dịch nó, tôi lại càng nhận ra cái cốt cách hài hước cao nhã và sức khơi gợi mênh mông của nó. Cho nên tôi đã cố gắng trong khả năng của mình, mong chuyển tải lại được một phần nào những điều đó. 

Suốt quá trình dịch, trong đầu tôi nhiều lúc thấp thoáng hình ảnh của một Calvino, với nụ cười mỉm hóm hỉnh điểm trên môi (ngay cả trong khi đang nói) hết sức đặc thù của ông, truyền tỏa niềm hoan hỉ trí tuệ cho mình.

Nhân đọc được cụm từ “chính xác mà vẫn cảm xúc và bay bổng” mà chị vừa dùng để biểu lộ sự cảm thụ của chị về bản dịch, hay đúng hơn, sự cảm thụ của chị về văn chương của Calvino trong Nam tước trên cây, tôi xin mượn nó để có một cách miêu tả cho sự suy ngẫm của mình về một truyền thống tư duy học thuật và sáng tạo, mà theo tôi, có trong rất nhiều học giả và văn nghệ sĩ Ý.

Truyền thống ấy, trong cảm nhận của tôi, mang các tính chất, có thể nói: vừa khai sáng (khoa học), lại vừa huyền học (Kitô giáo); vừa thực chứng, lại vừa siêu nghiệm (siêu hình học). Cho nên, khi dịch các tác gia Ý đó, tôi cũng đã dựa tư duy của mình trên chiều hướng ấy. 

- Umberto Eco nói, với ông, Nam tước trên cây giống như “một loại tuyên ngôn đạo đức và chính trị”; còn với dịch giả Vũ Ngọc Thăng, cuốn sách được yêu thích ở khía cạnh nào, thưa ông?

 

Tại xứ Bóng Râm, một vùng quê Italy thế kỷ XVIII, vị Nam tước Cosimo ở độ tuổi lên mười quyết định chỉ sống trên cây, không đặt chân xuống đất nữa, để phản đối gia đình. Quyết định này sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời Cosimo.

Ở trên cây, Cosimo học được cách sống trong thiên nhiên, trở thành một nhà bác học, và có những mối tình nồng nhiệt. Trải qua vô số biến cố lịch sử, Cosimo vẫn giữ được bản tính của mình và nhất là không một lần nào rời khỏi các cành cây.

Về cuốn tiểu thuyết này, nhà văn, nhà phê bình Umberto Eco phát biểu: “… Nam tước trên cây là tác phẩm của Italo Calvino mà tôi yêu thích hơn cả; với tôi, nó luôn là một văn bản đồng hành cùng mình theo dòng đời như một loại tuyên ngôn đạo đức và chính trị…”

- Tôi nghĩ, Italo Calvino, với Nam tước trên cây, đã trao cho chúng ta một phúng dụ văn chương không tiền khoáng hậu. Có thể nói, mỗi người, mỗi lứa tuổi, ngay cả mỗi thời, hẳn đều có thể rút ra cho mình điều gì đó từ cái hình ảnh một-con-người-sống-ở-trên-cây này. 

Chẳng hạn, từ nội dung câu chuyện, bạn đọc có thể rút ra cho mình một ý tưởng về mối quan hệ với bản thân, với người khác, với thế hệ khác, với tình yêu, với thiên nhiên, với lịch sử, với tri thức… 

Hay là, ở một chiều kích suy tưởng, (để có một cách nói phóng túng) phải chăng đây là một cú hích – bay bổng, tự trào (có tầm tác động lên cả một đời người, thậm chí, lên toàn bộ cái chu trình hiện hữu của giống loài chúng ta): trèo lại lên một ngọn cây, làm một “chú khỉ” lần nữa, học sống hài hòa với chính mình và muôn loài, để mà “thăng về trời”?. 

Hoặc giả, về đạo lý, liệu có phải nó muốn khơi gợi một phong cách sống: hãy tự khai mở một “con-mắt-thượng-đế” trong mỗi người chúng ta, chiêm ngắm mọi sự “từ trên cao”, tìm tới một thứ lý tính minh triết, một cái tâm hành xử Tự xây - Tựn guyện, tuyệt đối tự do, song cũng tràn đầy trách nhiệm; và đặc biệt, phải nhất quán kiên định cho tới cùng trong việc thực hiện điều đó?. 

Về phát biểu của Umberto Eco thì tôi nghĩ: ông đã tìm thấy trong Nam tước trên cây một mẫu mực về tư thế của người trí thức. 

- Là một tác gia tầm cỡ thế giới nhưng cho đến nay Calvino còn ít được biết đến ở Việt Nam. Qua những gì ông đã đọc và biết, ông có thể giới thiệu vài nét đặc sắc về tác gia này?

- Italo Calvino được coi là một trong những nhà cách tân quan trọng nhất trong nền văn học Ý đương đại. Hầu hết các tác phẩm của ông, không chỉ thể hiện một ý tưởng về thế giới hoặc vũ trụ mà còn tìm tòi hoặc thể hiện một ý tưởng về văn học.

Khởi đi từ một mỹ cảm tân - hiện thực (xuất phát từ điện ảnh Ý) và thấm đẫm tinh thần cổ tích dân gian, ông tiến tới việc tiếp nhận và vận dụng một phạm vi lý thuyết rất rộng: ký hiệu học, cấu trúc, hậu cấu trúc, tiểu thuyết mới, hậu hiện đại, và hình thái viết dựa trên những cấu trúc toán học tổ hợp của nhóm OULIPO (mà ông là một thành viên). 

Tuy nhiên, tất cả những điều ấy đều được thể hiện, một cách vô hình trung hoặc có ý thức, dưới tác động của một truyền thống đã bắt rễ lâu đời ở Ý (theo chính lời ông):

“Khởi đi từ Dante, rồi được Galileo tiếp nối: ý niệm về tác phẩm văn chương như là một bản họa đồ về thế gian, như là một bản họa đồ về điều có thể nhận thức được; ý niệm về một lối viết được thôi thúc bởi niềm khát khao về một tri thức: lúc thì thần học, lúc thì tư biện, lúc thì kỳ diệu, lúc thì bách khoa; hoặc về một lối viết gắn kết với triết học tự nhiên, hay với các quan sát thị giác đang biến hình chuyển thể”. 

Năm 2005, hai mươi năm sau khi ông qua đời, một bài viết tưởng niệm đã nêu lên một đúc kết:

“Italo Calvino là nhà văn có lẽ hơn ai hết đã biết chuyển tải trong ngôn ngữ văn xuôi uyên bác và liên tục chuyển đổi về khuôn mặt truyện kể của mình các dòng mạch quan trọng nhất của truyền thống văn chương Ý: tính tinh sắc có hệ thống của Galileo, tính thanh thoát tưởng tượng tuyệt vời của Ariosto, tính thị kiến cô đúc của Dante, và niềm đam mê kiểu Gadda trước cái tính đa bội của thế giới.” 

Ngày nay, những công trình nghiên cứu về ông vẫn tiếp tục ra đời, các tác phẩm của ông được đem ra giới thiệu hoặc giảng dạy tại các trường trung học và ngay cả tại các trường tiểu học; ở một số nơi trên nước Ý người ta còn lập ra những câu lạc bộ, những trang web nhằm thảo luận và khuyến khích giới trẻ đọc những tác phẩm của ông.

Tác giả: Thành Đô

Nguồn tin: Tuần Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây